Xuất khẩu lao động huyện nghèo Thanh Hóa (Bài 2)
Nghe Công ty VILACO Thanh Hóa về tư vấn: Đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) theo chương trình xóa đói giảm nghèo của nhà nước, ngoài việc được hỗ trợ tiền ăn ở, đi lại, học tiếng... và được nhà nước hỗ trợ vay 100% tiền xuất cảnh, nên 74 lao động ở xã Luận Khê (huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá) đã đồng ý đăng ký đi XKLĐ với mong muốn thoát nghèo.
Bài 1: Mất tiền oan vì cả tin công ty XKLĐ
Nhưng từ khi đăng ký xuất cảnh cho đến khi ký tên vào giấy vay tiền Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) huyện Thường Xuân và được đưa xuống học tiếng tại công ty... người lao động mới “tá hỏa”.
Rước nợ vào thân
Khi về xã Luận Khê tư vấn với người dân đi XKLĐ, Công ty VILACO Thanh Hóa phổ biến với lao động đi thị trườngTrung Đông, Bắc Phi hay Malaysia thì mỗi lao động sẽ được nhà nước cho vay từ 30 đến 40 triệu đồng/ người và sẽ được hỗ trợ tiền ăn học, đi lại...
Tổng chi phí xuất cảnh sang Malaysia người lao động phải trả cho công ty là 19 triệu đồng/ người, còn đâu người lao động được công ty trả lại.
Nghe lời công ty tư vấn nên 74 lao động ở các thôn trong xã Luận Khê lần lượt đăng ký đi lao động tại các nước Trung đông và Malaysia qua công ty VILACO Thanh Hóa.
Tin lời công ty VILACO Thanh Hoá, 11 lao động thôn Nhàng xã Luận Khê đồng loạt đăng ký đi XKLĐ tại Malaysia và được công ty "phù phép" cho vay với mức 40 triệu đồng/ người, nhưng khi đăng ký đi 11 lao động mới tá hoả trước những khoản tiền thu cao ngất ngưởng của công ty. (Ảnh: GV). |
Trong căn nhà cấp 4 vừa mới xây xong, anh Tạ Quang Gần, trưởng thôn Nhàng, xã Luận Khê không thể tin nổi những gì đã xay ra với mình. Chỉ 3 tháng trước khi nghe công ty về thôn tư vấn đi XKLĐ ngoài việc được nhà nước cho vay tiền xuất cảnh, thì mỗi lao động còn được vay thêm một khoản tiền để hổ trợ gia đình ở nhà.
Tin lời công ty nên anh Gần và 10 lao động trong thôn đã không ngần ngại đăng ký đi lao động tại Malasia với hy vọng về một ngày được thoát nghèo.
Nhưng khi anh Gần và 11 lao động trong thôn Nhàng đồng loạt ký tên vào giấy vay tiền ngân hàng CSXH huyện Thường Xuân và được công ty đưa xuống Thành phố Thanh Hóa học tiếng và thậm chí có người đã xuất cảnh, thì tất cả mới "tá hỏa" thì ra sự thật không đúng như những gì công ty tư vấn.
Trong số 8 lao động ở thôn Nhàng chưa xuất cảnh, hiện tại chỉ có anh Gần mới được công ty VILACO Thanh Hoá gọi xuống trả lại 18 triệu đồng, còn lại chưa có ai được trả lại số tiền nhiều đến thế.
Tuy nhiên, anh Gần cho rằng số tiền này cũng chưa đủ như công ty đã hứa khi về thôn tư vấn.
“Trước lên tư vấn họ nói chúng tôi đi Malaysia sẽ được nhà nước cho vay 40 triệu. Đi chi phí chỉ hết 19 triệu, còn lại 21 triệu công ty sẽ gửi lại cho gia đình để sửa sang nhà cửa, mua trâu bò... Nhưng hôm vừa rồi tôi xuống công ty chỉ trả lại 18 triệu đồng chứ không phải 21 triệu như công ty nói”, anh Gần bức xúc.
Ngồi bế cháu bên căn nhà người hàng xóng, khi nghe chúng tôi hỏi về khoản tiền được Công ty VILACO Thanh Hóa trả lại sau khi anh Lang Văn Hưng đi XKLĐ tại Malaysia, mẹ của anh Hưng - bà Lang Thị Ngọt cho biết:
“Khi thằng Hưng xuất cảnh nhà tôi chỉ được công ty cho rút lại 12,3 triệu đồng.Số tiền này là hoàn toàn không đúng với công ty nói từ trước hứa sẽ đưa lại cho gia đình tôi 21 triệu”.
Anh Gần cho biết: Trước Công ty VILACO Thanh Hoá đến tư vấn nói đi XKLĐ tại Malaysia chỉ hết 19 triệu, nhưng thực tế có người lao động phải trả cho công ty với mức phí 27 đến 28 triệu. (Ảnh: GV). |
Cũng bức xúc như bà Ngọc, chị Cầm Thị Quyền, vợ của anh Lang Văn Dũng ở thôn Nhàng - người mới vừa xuất cảnh sang Malaysia được hơn 1 tháng cho hay chị chỉ được nhận lại 12,4 triệu đồng từ 40 triệu vay của Ngân hàng CSXH huyện Thường Xuân sau khi chồng chị đi XKLĐ tại Malaysia.
Chị Quyền nói như than: “Lúc ở nhà tư vấn công ty có nói sang làm công việc ngày 8 tiếng lương từ 4 đến 6 triệu/ tháng, nhưng thực tế chồng tôi điện về bảo lương chỉ được 3 triệu đồng/ tháng mà chưa có cơm ăn.
Nhà nghèo, khó vốn liếng không có nên khi nghe công ty tư vấn được nhà nước hỗ trợ thì chồng tôi đi, nhưng đi chi phí cao sang lương lại thấp thì chẳng khác nào công ty lừa chúng tôi”.
Bà Ngọt bảo: "Khi anh Hưng con bà đi xuất khẩu lao động bà chỉ được nhận lại 12,3 triệu đồng từ Công ty VILACO Thanh Hoá. (Ảnh: GV). |
Về vấn đề này trao đổi với VietNamNet, ông Lê Đình Tùng, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thanh Hoá khẳng đinh: “Người lao động huyện nghèo đi Malaysia không thể được vay 40 triệu đồng/ người. Còn nếu Ngân hàng CSXH huyện Thương Xuân cho vay 40 triệu thì cần phải xem xét lại.
Đi Malaysia cùng lắm chỉ hết 20 triệu chứ không hơn, trong khi mức trần đi Malaysia mà Bộ Lao động quy định chỉ được vay tối đa 25 triệu/ lao động”.
Chưa bay lao động đã phải trả lãi ngân hàng
Gia đình anh Lang Hồng Văn, ở thôn Nhàng, xã Luận Khê là hộ nghèo có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Sau khi đăng ký qua Công ty VILACO Thanh Hóa và tiến hành làm thủ tục vay 40 triệu đồng đi Malaysia thì anh Văn và hơn 20 lao động khác trong xã được Công ty VILACO Thanh Hóa cho xe đón xuống Thành phố Thanh hóa học tiếng Anh và giáo dục định hướng trong vòng 3 ngày rồi lại đưa về:
Anh Gần và nhiều lao động trong thôn chưa được xuất cảnh đã được Ngân hàng CSXH huyện Thường Xuân có giấy báo lãi về nhà. (Ảnh: GV). |
Anh Văn bức xúc: “Khi lên tư vấn họ (công ty) bảo đi thị trường Trung Đông, hay bất cứ thì trường nào thì phải học tiếng, học giáo dục định hướng trong vòng 2 - 3 tháng để sang đến nơi dễ dàng giao tiếp. Nhưng khi chúng tôi được đưa xuống Thành phố Thanh Hóa thì chỉ được học tiếng Anh trong vòng 3 ngày và tính cả ngày đi và về là 5 ngày.
Công ty cho học 3 ngày thì chúng tôi không biết chữ chi cả. Đi XKLĐ không được học tiếng, học nghề sang đến nơi không làm được việc bị đuổi ra đường thì biết làm răng được. Thấy thế nên tôi tính thà ở nhà đi trồng sắn, trồng khoai còn hơn”, anh Văn thành thật.
Nhưng khi anh Văn kiên quyết không đi XKLĐ tại Malaysia nữa thì bất ngờ được Công ty VILACO Thanh Hóa gọi xuống và yêu cầu trả 2,5 triệu đồng tiền lệ phí ăn ở, học tiếng.
Anh Văn bức xúc: “Tôi nghèo lấy đâu ra 2,5 triệu đồng để trả cho công ty! Mà nói thật chúng tôi có ăn nghỉ ở khách sạn 3 ngày thì cũng không hết 2,5 triệu được. Công ty cứ thu như thế này huống chi đến khi trừ tiền vay ngân hàng tổng chi phí của chúng tôi toàn phải trả 27 đến 28 triệu đồng/ người chứ không phải 19 triệu như công ty nói”.
Anh Văn (bên phải) chỉ được Công ty VILACO Thanh Hoá đưa xuống TP. Thanh Hoá học tiếng trong vòng 3 ngày, kể cả ngày đi và ngày về là 5 ngày. Nhưng khi anh Văn không muốn đi nữa thì được công ty thông báo phải trả 2,5 triệu tiền ăn học trong vòng 3 ngày. |
Chưa dừng lại ở việc công ty bắt phải bồi hoàn lại tiền ăn học, mới đây anh Văn và 7 lao động ở thôn Nhàng chưa được xuất cảnh bất ngờ nhận được giấy báo thu lãi suất từ phía Ngân hàng CSXH huyện Thường Xuân cho vay đi XKLĐ theo QĐ 71.
Điều đáng nói trong số 8 lao động chưa xuất ngoại mới chỉ có anh Gần (Trưởng thôn) được lấy về 18 triệu, còn lại hầu hết chưa hề nhận được tiền từ phía công ty hoặc có nhận thì cũng không đáng là bao.
“Công ty bảo lúc nào lao động bay thì mới trả tiền lãi, nhưng hôm vừa rồi tôi và 7 lao động khác nhận được giấy báo lãi về nhà phải trả 3 tháng lãi suất từ số tiền 40 triệu đã vay. Nhưng tôi đã được nhận đồng nào từ công ty mô mà chúng tôi phải trả lãi”, anh Văn cho biết.
Bị viêm gan B vẫn yêu cầu xuất cảnh trở lại
Theo báo cáo khiếu nại của UBND xã Luận Khê gửi UBND huyện Thường Xuân, cả hai công ty VILACO Thanh Hóa và Công ty GMAS Thanh Hóa đã làm thủ tục xuất cảnh cho khoảng 40 lao động đi làm việc tại các nước Trung Đông và Malaysia.
Tuy nhiên, khi trao đổi với PV VietNamNet ông Lê cho biết, "Đã có 6 lao động của Công ty VILACO Thanh Hóa đi Malaysia phải về nước trước hạn. Tất cả 6 lao động này đều mới sang làm việc được khoảng 1 tháng rồi về nước mà chưa rõ nguyên nhân cụ thể. Tôi chỉ mới nghe phong phanh lao động bị viêm gan B nên phải về...”, ông Lê cho biết.
Ông Lang Thanh Lê, Chủ tịch xã Luận Khê cho biết: Hiện nay ở xã đã có 6 người đi XKLĐ phải về nước trước hạn vì bị Viêm gan B. (Ảnh: GV) |
Để tìm hiểu rõ nguyên nhận lao động phải về nước trước hạn, chúng tôi tìm đến nhà anh Vi Văn Soan (thôn Yên Mỹ) - một lao động mới đi Malaysia về nước trước hạn qua công ty VILACO Thanh Hóa.
Anh Soan cho biết, anh mới sang Malaysia làm việc chưa được 1 tháng thì phải về nước do bị bệnh viêm gan B. Sau khi về nước anh Soan có xuống công ty VILACO Thanh Hóa giải quyết thì được ông Tài, giám đốc công ty yêu cầu anh đi XKLĐ lại sang Malaysia một lần nữa, nhưng anh Soan nhất quyết không đi.
“Tôi xuống yêu cầu công ty giải quyết để lấy tiền trả cho ngân hàng thì công ty yêu cầu tôi đi lại Malaysia một lần nữa, nhưng tôi kiên quyết không đi. Bị bệnh đi sang không ở được phải về nước rồi nên công ty có ép tôi thì cũng thế thôi. Đi sang rồi lại bị đưa về thì chỉ mất công mất của!”, giọng anh Soan thành thật.
Trao đổi với VietNamNet về trường hợp của anh Soan, ông Hà Văn Tài, Giám độc Công ty VILACO Thanh Hóa cho biết, anh Soan sau khi sang làm việc tại Malaysia thì được công ty đối tác khám lại sức khỏe phát hiện anh bị viêm gan B.
Nhưng khi về nước công ty cho khám lại thì không việc gì nên công ty đang yêu cầu anh Xoan đi trở lại Malysia, toàn bộ chi phí công ty sẽ chịu.
Tuy nhiên, anh Soan khẳng định, kể từ ngày về nước tới nay nay (25/6), anh chưa hề được công ty đem đi khám sức khỏe lại. Anh Soan có xuống yêu cầu công ty giải quyết thì chỉ được công ty yêu cầu đi lại Malaysia nhưng anh không đồng ý.
Mới đây (10/07/2010), trao đổi với PV VietNamNet qua điện thoại, anh Soan phản ánh mãi cuối tháng 6 vừa qua anh mới được công ty VILACO Thanh Hoá gọi xuống đi khám lại để xem anh có bị viêm gan B hay không và hiện tại anh vẫn chưa biết kết quả.
Anh Soan và các lao động phải về nước trước hạn vì lý do bị viêm gan B vẫn chưa được Công ty VILACO Thanh Hoá giải quyết, thanh lý hợp đồng kể từ sau khi phải về nước, bất chấp anh đã nhiều lần xuống yêu cầu công ty giải quyết.
- Vũ Điệp