Nông dân đèn sách trồng rau sạch
Hình thành mô hình trồng rau hữu cơ
Không đơn thuần thay đổi thói quen trồng rau theo kinh nghiệm, người dân huyện Lương Sơn, Hòa Bình còn đang làm quen với mô hình trồng rau hữu cơ - dòng thực phẩm hoàn toàn không sử dụng hóa chất và “được lòng” người tiêu dùng hiện nay.
Theo đúng tinh thần của Đề án 1956, huyện Lương Sơn đã triển khai mô hình HTX kiểu mới với sự liên kết “4 nhà” - nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp và Nhà nước. Kết quả ban đầu cho thấy mô hình đã góp phần nâng cao thu nhập của nông dân và đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
Sau 3 tháng học về phương pháp trồng và chăm sóc rau hữu cơ, chị Nguyễn Thị Thủy, người dân tộc Mường đã bắt đầu tham gia vào HTX. Chị Thủy cho hay, nhờ việc chuyển đổi sang trồng rau hữu cơ, thu nhập của gia đình chị đã cao gấp đôi so với việc trồng lúa trước đây.
Còn anh Phạm Duy Hưng, người có thâm niên trong việc trồng rau cho hay, qua lớp dạy trồng rau hữu cơ, anh Hưng đã được các chuyên gia hướng dẫn diệt sâu bệnh không dùng hóa chất mà dùng ớt, tỏi và gừng.
Hiện hơn 80 hộ gia đình người dân tộc Mường thực hiện theo mô hình này. Toàn bộ số rau sạch đều được sản xuất theo tiêu chuẩn PGS - tiêu chuẩn quốc tế đảm bảo chất lượng về quy trình sản xuất hữu cơ. Đồng thời, các sản phẩm đều có đầu ra ổn định, rau hữu cơ được sản xuất đến đâu, công ty chuyên cung cấp rau sạch đều thu mua hết đến đó.
Hướng phát triển những vườn rau sạch ở Quảng Trị, Ninh Bình cho thấy việc cung cấp cho người nông dân những kiến thức bài bản về nuôi trồng sạch, bài bản không chỉ tạo cơ hội cho người nông dân thay đổi cuộc sống mà còn là tiền đề quan trọng để dần “nâng tầm” nông sản Việt trên thị trường trong nước.
Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (Đề án 1956) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2009 nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.
Để đạt đích nhắm 11 triệu lao động nông thôn được học nghề vào năm 2020 các đơn vị thực hiện đề án sẽ tập trung triển khai nhân rộng mô hình dạy nghề thí điểm đã đạt hiệu quả, dạy nghề gắn với doanh nghiệp, làng nghề, vùng chuyên canh, huyện điểm, xã xây dựng nông thôn mới.
Theo Vietnamnet