Nông dân học cách ‘bắt bệnh’ cho máy móc
Trò thì luôn hỏi về những “căn bệnh” hỏng hóc của máy thường xảy ra và thầy giáo trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật “bắt bệnh” cũng như việc tiến hành sửa chữa từng bước như thế nào. Thay vì những giáo án cố định với những kiến thức lý thuyết mang tính hàn lâm về cơ khí, máy móc, giáo viên và học viên cùng nghiên cứu và thực hành những điều nông dân cần.
Ông Bùi Văn Chuyên, một nông dân ở thôn Tân Hòa xã Nguyên Xá chia sẻ: “Trước đây, tôi chỉ biết mang máy ra đồng để làm thôi, không biết bảo dưỡng sau mỗi vụ nên cái máy gặt, máy cày thường xuyên bị hỏng. Giờ có kiến thức rồi, máy chạy êm ru, ít khi bị hỏng lắm”.
Truyền đạt lý thuyết vận hành sửa chữa, bảo dưỡng máy cơ khí nông nghiệp tại xã Vũ Đông, Thái Bình |
Ở Kiến Xương, Thái Bình, số lớp tập huấn sử dụng, sửa chữa máy nông nghiệp tăng theo từng năm, theo số lượng nông dân sở hữu máy nông nghiệp. Nếu năm 2011 mới chỉ mở lớp tập huấn đầu tiền với 50 học viên thì đến 2012 là 5 lớp và 2013 là 10 lớp với tổng số 700 học viên.
Tại Cao Bằng, lớp bồi dưỡng kiến thức sửa chữa máy nông cụ tại huyện Hà Quảng vừa mở cũng lập tức thu hút 35 học viên nông dân - những người sở hữu những loại máy móc nông cụ. Học viên được hướng dẫn trực tiếp cách sử dụng và kỹ thuật vận hành, cách khắc phục sự cố thường gặp, an toàn lao động trong quá trình vận hành máy… Học viên cũng được hướng dẫn trực tiếp cách khắc phục những sự cố nhỏ thường gặp trên máy. Thậm chí sau khóa học, một số người đã sửa chữa được những lỗi hỏng nặng.
Lớp dạy nghề sửa chữa máy nông cụ được mở tại xã Quang Tiến, Tân Yên, Bắc Giang cũng khiến nông dân hào hứng vì đáp ứng đúng nhu cầu của họ.
Là một trong những học viên tích cực của lớp dạy nghề, anh Nguyễn Văn Chung (thôn Sậu 2) chia sẻ: “Cách đây 6 năm, gia đình tôi mua máy cày, làm đất, tuốt lúa về phục vụ gia đình và làm thuê cho các hộ trong xã. Mỗi vụ, tiền làm thuê tôi thu được 40 triệu đồng. Mỗi lần máy hỏng, tôi phải đưa máy đến cửa hàng sửa chữa ở các xã lân cận. Nhiều hôm đang làm việc thì máy hỏng, có khi mất cả ngày chờ thợ sửa. Từ khi tham gia lớp học sửa chữa máy nông cụ, tôi đã có thể tự sửa chữa các hỏng hóc từ đơn giản đến phức tạp. Ví như lỗi tụt hơi, hỏng bơm cao áp bây giờ tôi chỉ mất 3 tiếng để sửa chữa một cách ngon lành. Tôi nghĩ dạy nghề nông dân cần là cách làm hiệu quả nhất”.
Anh Chung sửa lỗi hỏng kim phun của máy đầu kéo |
Một giáo viên trung tâm dạy nghề cho biết: Số lượng máy nông nghiệp ở các xã, huyện đang tăng nhanh chóng kéo theo nhu cầu sửa chữa máy móc rất lớn. Chính vì vậy, những lớp hướng dẫn vận hành và sửa chữa máy móc cực kì cần thiết giúp nông dân phát huy công suất của máy, đưa máy móc thiết bị vào sản xuất áp dụng cơ giới hoá trong nông nghiệp, tăng năng suất lao động, giảm bớt lao động thủ công, tạo thêm việc làm góp phần phát triển ngành cơ khí phục vụ nông nghiệp của địa phương.
Theo Vietnamnet