Việc này đã khiến cho hàng trăm lao động ở 2 xã Luận Khê và Lương Sơn (Thường Xuân, Thanh Hóa) lâm vào cảnh bần cùng.
Thanh Hoá là tỉnh có 7 huyện nghèo thuộc 62 huyện nghèo của cả nước. Theo Quyết định 71/ 2009/ QĐ – TTG ( Phê duyệt đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 – 2020) ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ, người lao động huyện nghèo đi XKLĐ ngoài việc được hỗ trợ các khoảng tiền học tiếng, tiền ăn ở, đi lại, khám sức khoẻ (100% đối với các hộ nghèo thuộc huyện nghèo và 50% đối với các đối tượng khác thuộc huyện nghèo)… thì người lao động huyện nghèo còn được nhà nước hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp thông qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội.
Để đảm bảo an toàn, tránh rủi ro cho người lao động, các đơn hàng tuyển đi XKLĐ ở huyện nghèo của các doanh nghiệp XKLĐ phải được Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) thẩm định. Nếu được Cục Quản lý lao động ngoài nước thẩm định và chấp thuận thì Cục sẽ giới thiệu về Sở Lao động - Thương binh – xã hội tỉnh, sau đó Sở sẽ giới thiệu đơn hàng của doanh nghiệp về huyện nghèo và yêu cầu huyện cho doanh nghiệp triển khai tuyển lao động theo Quyết định 71…
Tuy nhiên, hiện nay ở huyện nghèo Thường Xuân Thanh Hoá hai Công ty VILACO Thanh Hóa và Công ty GMAS Thanh Hóa không được Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) thẩm định đơn hàng tuyển lao động theo Quyết định 71 vẫn “núp bóng” chương trình này để vào tuyển lao động ồ ạt và thu mức phí cao hơn so với quy định. |
Vay quá mức trần
Bảng thống kê chi phí của 24 lao động đi Malaysia mà ông Lang Thanh Lê, Chủ tịch xã Luận Khê (huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) cung cấp cho thấy khoản tiền người lao động vay Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) huyện Thường Xuân qua công ty VILACO Thanh Hóa lớn hơn mức trần chi phí đối với lao động huyện nghèo đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) mà Bộ Lao động Thương binh xã hội quy định khá lớn.
Người lao động ở xã Luận Khê đi XKLĐ tại Malaysia qua công ty VILACO Thanh Hoá theo chương trình huyện nghèo của Chính phủ được vay với mức từ 30- 40 triệu đồng/ người là trái với quy định của Bộ LĐTBXH. Nhưng chính nhờ có mức vay cao hơn quy định này nên công ty VILACO Thanh Hoá đã "mặc sức" thu phí xuất cảnh quá cao đối với người lao động. (Ảnh: GV) |
Theo quy định của Bộ Lao động (tại công văn số 3354/ LĐTBXH – QLLĐNN về mức trần chi phí đối với lao động huyện nghèo vay vốn đi làm việc ở nước ngoài (09/09/2009)) gửi Ngân hàng CSXH Việt Nam, người lao động huyện nghèo đi Malaysia chỉ được vay mức trần tối đa 25 triệu đồng/ lao động đối với mọi ngành nghề.
Nhưng thực tế nhìn vào bảng thống kê chi phí của 24 lao động tại xã Luận Khê mức vay của nhiều lao động lại lớn hơn mức trần quy định.
Cụ thể, trong bảng thông kê chi phí của 24 lao đông đi Malaysia mà ông Cầm Thanh Xứng phó chủ tịch UBND xã Luận Khê ký xác nhận cho thấy, chỉ có chị Lang Thị Hồng ở thôn Ngọc Trà vay dưới mức trần với 20 triệu đồng, còn lại 19 lao động vay 40 triệu và 4 người vay 30 triệu.
Tại bản khiếu nại của UBND xã Luận Khê gửi UBND huyện Thường Xuân cũng cho thấy: Hiện tại Công ty GMAS Thanh Hóa có một số lao động đã vay tiền ngân hàng CSXH được 3 đến 5 tháng nhưng cho đến nay vẫn chưa được bay, tiền chi phí xuất cảnh của mỗi lao động vay Ngân hàng CSXH huyện từ 30 – 45 triệu đồng/ người.
“Số lao động của xã đi qua công ty GMAS Thanh Hóa chúng tôi chưa nắm được con số cụ thể, nhưng hiện có nhiều lao động đi Malaysia qua công ty vay với mức từ 30 đến 40 triệu đồng/ lao động đã nhiều tháng nay chưa bay được”, ông Cầm Thanh Xứng, Phó chủ tịch xã Luận Khê khẳng định.
Bảng thống kê chi phí của 24 lao động đi Malaysia mà UBND xã Luận Khê cung cấp cho thấy mức phí người lao động được vay đi Malaysia với mức từ 30 đến 40 triệu đồng/ lao động. |
Tình trạng này cũng đang được Công ty GMAS Thanh Hóa thực hiện tại xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân.
Ông Lương Xuân Thiêm, Phó chủ tịch xã Lương Sơn cho biết, hiện tại toàn xã có 22 lao động đã được công ty GMAS Thanh Hoá đưa đi học tiếng từ 3 tháng nay nhưng vẫn chưa bay được.
Ông Thiêm đưa chúng tôi xuống nhà lao động Lang Văn Tình,19 tuổi, ở thôn Ngọc Sơn (Lương Sơn). Tình cho biết, Công ty GMAS Thanh Hóa về xã tuyển Tình đi Malaysia được 2 tháng nay và hiện tại Tình đã được công ty đưa xuống Thanh Hóa học tiếng 2 tuần.
Theo lời công ty tư vấn, Tình sẽ được vay tối đa 45 triệu đồng để đi Malaysia và mẹ Tình - chị Lang Thị Khắc đã được công ty đưa đến Ngân hàng CSXH huyện Thường Xuân ký vay.
“Họ chỉ bảo được vay tối đa 45 triệu đi thị trường Malaysia hết 24 triệu, còn đâu công ty trả lại cho gia đình”, chị Khắc cho biết.
Chính ông Thiêm cũng khẳng định: “Công ty về xã tuyển lao động đi Malaysia có thông báo cho lao động vay 45 triệu còn đâu gửi lại cho gia đình, nhưng tôi bảo chỉ được vay đủ đi Malaysia thôi chứ không nên trả lại tiền cho gia đình”.
Làm “khống” hồ sơ để vay quá mức trần
Cũng tại bảng thống kê chi phí của 24 lao động đi Malaysia của xã Luận Khê cho thấy chỉ có 4 lao động có thời gian ăn học tại công ty trong vòng 30 ngày, còn lại 8 lao động có thời gian học trong vòng 4 đến 7 ngày. Số còn lại thì không ghi cụ thể.
Điều này trái ngược hoàn toàn với lời của ông Hà Văn Tài, Giám đốc Công ty VILACO Thanh Hóa khi ông này khẳng định: “Không có chuyện người lao động đi Malaysia chỉ được học tiếng từ 5 đến 7 ngày mà thực tế công ty có đào tạo từ 2 đến 3 tháng”.
Ông Tài còn cho hay: “Về đào tạo nghề thị trường Malaysia công ty không đào tạo mà chỉ định hướng nghề nghiệp, bởi vì lao động làm việc chuyên ngành ở thị trường Malaysia là làm trong nhà máy nên không yêu cầu về tay nghề!”.
Anh Dũng đi Malaysia nhưng trong Giấy xác nhận tuyển dụng lao động gửi Ngân hàng CSXH huyện Thường Xuân mà Công ty VILACO Thanh Hóa ký gửi để vay ngân hàng lại đăng ký đi Trung Đông (Ảnh trái) với mức bay 43 triệu 50 nghìn đồng, Cũng tại Bản cam kết trả nọ Ngân hàng CSXH của anh Dung cũng chỉ ghi rất chung chung Mục đích sử dụng tiền vay: Vay đi lao động ở nước ngoài” (Ảnh: GV). |
Nhưng thực tế những tài liệu mà PV VietNamNet thu thập được lại cho thấy công ty VILACO Thanh Hóa có nhiều khuất tất khi làm hồ sơ vay tiền từ Ngân hàng CSXH huyện Thường Xuân cho người lao động.
Trong đó người lao động phải đóng một khoản tiền học nghề khá lớn.
Cụ thể, trường hợp của lao động Lương Văn Dũng, ở thôn Mơ xã Luận Khê đăng ký đi Malaysia được chính quyền xã xác nhận và được công ty đưa xuống TP. Thanh Hóa học tiếng trong vòng 2 tuần.
Nhưng trong giấy xác nhận tuyển dụng lao động gửi Ngân hàng CSXH huyện Thường Xuân của anh Dũng do Công ty VILACO Thanh Hoá ký gửi để vay tiền ngân hàng chính sách huyện lại đăng ký đi Trung Đông chứ không phải đi Malaysia.
Theo đó anh Dũng phải trả một khoản tiền: “đào tạo nghề 3G – 6G nộp tại trường nghề 7.500.000 đồng”.
Nhưng thực tế khi đi Malaysia anh Dũng không được công ty đưa đi đào tạo nghề mà chỉ được công ty đưa xuống thành phố Thanh Hoá học tiếng trong vòng 2 tuần rồi cho về.
“Chúng tôi không được đào tạo nghề mà chỉ được công ty đưa xuống học tiếng trong vòng 2 tuần”, anh Dũng khẳng định.
Giấy xác nhận công ty VILACO Thanh Hoá ký trình vay ngân hàng CSXH huyện Thường Xuân của anh Dũng đi Trung Đông với mức vay trên 40 triệu, nhưng thực tế khi công ty ký với anh Dũng lại ghi rất chung chung: “Mục đích sử dụng tiền vay: Vay đi lao động ở nước ngoài” mà không có nước đến cụ thể.
Cũng như anh Dũng, anh Tạ Quang Gần, Trưởng thôn Nhàng xã Luận Khê cũng đi Malaysia nhưng khi làm hồ sơ vay tiền xuất cảnh, Công ty VILACO Thanh Hoá laị vay đi Trung Đông với số tiền 43 triệu 50 nghìn đồng. Điều này đã được ông Vân, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Thường Xuân xác nhận khi đưa hồ sơ ra trao đổi với phóng viên.
Như vậy, người lao động đăng ký đi Malaysia nhưng khi làm hồ sơ vay tiền Ngân hàng CSXH huyện Thường Xuân Công ty ViLACO Thanh Hoá lại ghi là đi Trung Đông. Với hình thức “làm khống” hồ sơ này Công ty VILACO Thanh Hoá đã “qua mặt” Ngân hàng CSXH huyệnThường Xuân và lừa gạt người lao động để thu mức phí xuất cảnh cao so với quy định và chiếm dụng vốn của nhà nước dành hổ trợ người nghèo.
Lao động nghèo đi Malaysia với mức phí cao
Bảng thông kê chi phí của 24 lao động đi Malaysia qua Công ty VILACO Thanh Hóa được ông Lang Thanh Lê đưa ra cho thấy, mức phí của người lao động đi cùng một thị trường nhưng lại có độ chênh lệch mức giá khác nhau.
Ông Lương Xuân Thiêm, Phó chủ tịch xã Lương Sơn cho biết: Mức phí xuất cảnh của lao động đi |
Cụ thể, trường hợp của anh Lang Văn Hưng, ở thông Nhàng, xã Luận Khê đi Malaysia được vay 40 triệu, nhưng khi xuất cảnh công ty VILACO Thanh Hoá chỉ trả lại 12 triệu 375 nghìn đồng.
Anh Vi Văn Soan ở thôn Yên Mỹ, xã Luận Khê khi đi Malaysia cũng được vay 40 triệu đồng, nhưng khi xuất cảnh chỉ được công ty trả lại 11 triệu 853 ngìn đồng.
Trong khi đó chị Lang Thị Hồng ở thôn Ngọc Trà cũng vay 20 triệu đi Malaysia lại không phải thu thêm hay nạp thêm…
Như vậy anh Hưng đi tổng chi phí hết 27 triệu 759 nghìn đồng, anh Soan hết 27 triệu 347 nghìn đồng còn chịi Hồng thì đúng tròn 20 triệu vừa với số tiền vay.
Trong khi đó tổng mức phí đi Malaysia mà công ty VILACO Thanh Hoá về thôn, xã tư vấn tổng chỉ hết 19 triệu đồng/ người.
Về vấn đề này ông Lê cho biết: Xã đã mời Công ty VILACO Thanh Hóa về để giải thích cho dân thì ông Hà Văn Tài, Giám đốc công ty chỉ giải thích: “Đây là do các đơn đặt hàng của các nước nó khác nhau”.
Tuy nhiên, ông Lê cho rằng, giải thích như vậy là không rõ ràng vì cùng đi Malaysia mà lại có chênh lệch giá khác nhau giữa các lao động quá lớn là không chấp nhận được.
Cũng phản ánh về mức chênh lệch khác nhau, ông Lương Xuân Thiêm, Phó chủ tịch xã Lương Sơn cho biết, mức phí đi Malaysia mà Công ty này đưa ra đối với lao động cao hơn so với các công ty khác vào tuyển lao động theo Quyết định 71.
Ông Thiêm dẫn chứng, “Hiện tại có doanh nghiệp khác vào làm huyện nghèo lao động đi Malaysia chỉ hết 14 đến 15 triệu đồng/ người nhưng đi qua Công ty GMAS Thanh Hóa người lao động phải mất mức phí trên 20 triệu đồng/ người.
Đem bức xúc của các lao động ở xã Luân Khê và xã Lương Sơn trao đổi với ông Hà Văn Tài, Giám đốc công ty VILACO Thanh Hóa, chúng tôi được ông Tài cho biết: “Phí xuất cảnh thị trường Malaysia công ty có đề nghị với người lao động có thu trước 19 triệu tất cả, số còn lại công ty cho lao động nợ 300 đến 320 USD/ người chúng tôi sẽ trừ sau”.
Không biết mức phí 300 đến 320 USD mà ông Tài cho lao động nợ dựa vào cơ sở nào, nhưng mức phí đi XKLĐ dựa theo mức lương mà công ty VILACO Thanh Hoá thông báo tuyển với người lao động thì số tiền thực tế mỗi lao động xuất cảnh không thể hết 27 triệu như công ty đã thu với nhiều lao động được.
Cụ thể: Theo quy định của Bộ LĐTBXH, Bộ Tài chính, công ty VILACO Thanh Hoá chỉ được thu mức phí dịch vụ không quá 1 tháng lương/ 1 năm. Mức phí môi giới đi XKLĐ tại Malaysia tổng chi đối với nam không quá 300 USD, với nữ không quá 250 USD.
Như vậy với mức lương công ty VILACO Thanh Hoá đưa ra tuyển dụng lao động đi làm việc tại Malaysia chỉ 3,7 đến 5,5 triệu đồng/ tháng với hợp đồng 2 năm, cộng thêm tiền ăn ở, học tiếng và tiền vé máy bay thì tổng chi phí của một lao động chỉ dưới 20 triệu đồng chứ không thể hết 27 triệu đồng được.
- Vũ Điệp - (còn tiếp)