Xăng giảm ít nhất 350 đồng một lít
Một số doanh nghiệp khác cũng thông báo niêm yết giá bán xăng mới với mức giảm hơn hoặc tương đương nhưng chưa tiết lộ thời gian.
Ngày hôm nay cơ chế quản lý xăng dầu mới có hiệu lực. Ảnh: Hoàng Hà |
Theo đó, xăng A92 bán lẻ tại vùng 1 có giá bán mới là 15.950 đồng mỗi lít thay cho mức cũ là 16.300 đồng cũ. Xăng A95 có mức giá mới là 16.450 đồng một lít thay cho mức 16.800 đồng/lít hiện nay. Như vậy, mỗi lít xăng giảm 350 đồng. Các mặt hàng dầu gồm dầu hỏa và dầu mazut giữ nguyên giá bán hiện hành. Riêng mặt hàng dầu diezel tăng thêm 300 đồng một lít lên 14.600 đồng.
Đối với giá bán lẻ cho khách hàng mua xăng dầu thanh toán bằng thẻ Flexicard giảm 200 đồng mỗi lít so với giá bán lẻ niêm yết tại cửa hàng xăng dầu vùng 1 và 210 đồng một lít với cửa hàng xăng dầu vùng 2 và áp dụng cho xăng, diesel và dầu hỏa đến hết ngày 31/12.
Quyết định này được ban hành đúng vào thời điểm giá bán lẻ xăng dầu được vận hành theo cơ chế mới - theo nghị định 84 của Chính phủ - cho phép doanh nghiệp được tự quyền điều chỉnh giá bán.
Ông Vương Thái Dũng - Phó tổng giám đốc Petrolimex cho biết hiện nay giá xăng A92 thành phẩm chào bán tại thị trường Singapore với giá 74,91 USD một thùng; dầu hỏa thành phẩm dao động quanh ngưỡng 79,11 USD một thùng, dầu diesel 0,25S 77,85 USD một thùng và dầu mazut 448,450 USD một tấn.
Với giá này, sau khi cộng các chi phí, cước vận chuyển, các loại thuế, hoa hồng... mặt hàng xăng lãi hơn 350 đồng, còn các mặt hàng khác đang lỗ hoặc xấp xỉ hòa vốn. Riêng dầu diezel doanh nghiệp lỗ nhiều nên Petrolimex quyết định điều chỉnh tăng thêm 300 đồng.
Petrolimex với chiếm thị phần chủ yếu khoảng 60% được coi là đơn vị mở màn cho lần điều chỉnh giá xăng dầu lần này.
Theo Nghị định 84 của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ hôm nay, giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ do doanh nghiệp được toàn quyền quyết định căn cứ vào sự biến động của thị trường nhiên liệu thế giới. Khi giá thế giới biến động gây lỗ đến 7% mỗi lít, doanh nghiệp được phép tăng giá bán lẻ lên mức tương đương, với tần suất cách 10 ngày một lần. Nghĩa là, trong một tháng, giá xăng có thể được tăng tới 3 lần. Trường hợp giá vốn tăng vượt 7%-12%, doanh nghiệp được quyền tăng giá bán lẻ 7%, cộng thêm 60% của mức tăng từ 7% đến 12%, 40% còn lại sử dụng quỹ Bình ổn giá để bù đắp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Các doanh nghiệp nhìn nhận, với quy chế này, giá bán lẻ trong nước được coi là được thực hiện theo cơ chế thị trường. Doanh nghiệp sẽ chủ động hơn trong việc cân đối cung cầu và giảm áp lực lỗ khi giá thế giới tăng cao. Và tới đây, người tiêu dùng sẽ phải làm quen với chuyện giá xăng dầu trong nước liên tục thay đổi.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang xây dựng Dự kiến Luật Thuế môi trường để xin ý kiến chỉ đạo, ban hành và áp dụng từ ngày 1/1/2012. Theo đó, mỗi lít xăng, dầu, nhiên liệu bay, than, khí đốt dự kiến sẽ phải gánh thêm khoảng 1.000- 6.000 đồng tiền phí môi trường theo đề xuất của Bộ Tài chính. Đây được coi là biện pháp nhằm kiểm soát chặt 8 mặt hàng được cho là thủ phạm gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.
Nhiều ý kiến nhận định nếu biểu thuế môi trường được áp dụng với mặt hàng xăng dầu, rất có thể giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ đội thêm chi phí và điều này đồng nghĩa với việc giá sẽ tăng.
Theo VnExpress