Chuyển tiền trực tuyến trên 10 triệu phải xác thực vân tay, khuôn mặt
|
Khách hàng thực hiện cập nhật sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng. |
Từ đầu tuần này, Minh Phương (Hà Nội) liên tục nhận thông báo từ các ngân hàng, yêu cầu đăng ký sinh trắc học để chuẩn bị áp dụng quy định mới trong giao dịch gửi tiền. Những thông báo được lặp lại qua ứng dụng tin nhắn (sms) và trực tuyến.
Các nhà băng thông báo, từ 1/7, chuyển tiền trực tuyến trên 10 triệu đồng mỗi lần hoặc hơn 20 triệu mỗi ngày phải được xác thực bằng sinh trắc học (vân tay, nhận diện khuôn mặt) khớp với dữ liệu trên căn cước công dân (CCCD) gắn chip.
Ngoài ra, việc chuyển đổi ứng dụng giao dịch trực tuyến, hoặc thanh toán hóa đơn định kỳ trên 100 triệu đồng cũng được một số nhà băng yêu cầu phải xác thực bằng hình thức này.
Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Công thương (VietinBank) cho hay, tới nay, khoảng vài trăm nghìn khách hàng của VietinBank đã chủ động cập nhật xác thực sinh trắc học trên ứng dụng của nhà băng.
Từ đầu tháng 6, ngân hàng sẽ gửi thông báo tới khách hàng, ưu tiên trước với nhóm thường xuyên chuyển tiền trên 10 triệu hoặc chủ tài khoản trước đây được xác thực bằng căn cước công dân cũ (chưa gắn chip).
Yêu cầu sinh trắc học khi chuyển tiền là nội dung trong Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước, liên quan đến giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thẻ ngân hàng, áp dụng từ đầu tháng 7.
Trường hợp chuyển từ 10 triệu đồng trở xuống và tổng số tiền chuyển các lần trong ngày không quá 20 triệu sẽ không phải xác thực sinh trắc học.
Nếu khách hàng chuyển dưới 10 triệu đồng mỗi lần, nhưng tổng các giao dịch trong ngày chạm mốc 20 triệu, thì lần chuyển tiếp theo trong ngày đó phải xác thực bằng khuôn mặt, vân tay.
Trường hợp khách hàng cá nhân trước khi giao dịch lần đầu bằng ứng dụng ngân hàng (mobile banking) hoặc giao dịch trên điện thoại, máy tính khác với thiết bị đang giao dịch lần gần nhất, cũng phải được nhận dạng sinh trắc học.
Việc đăng ký sinh trắc học, theo thông báo các ngân hàng, thực hiện trực tiếp qua ứng dụng trực tuyến. Thiết bị này phải có chức năng quét khuôn mặt hoặc vân tay và có tính năng đọc NFC (Near- Field Communications - kết nối không dây trong phạm vi ngắn). Trường hợp thiết bị của khách hàng không đủ chức năng, họ có thể tới chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng gần nhất để được hỗ trợ.
Quy định mới được nhà chức trách đưa ra trong bối cảnh các vụ lừa tiền, lừa đảo trên mạng xảy ra liên tục thời gian gần đây. Nạn nhân bị lừa tăng, dù các ngân hàng, cơ quan quản lý cảnh báo qua nhiều kênh thông tin.
"Lâu nay, kẻ gian thường che giấu danh tính thật và xóa dấu vết dòng tiền lừa đảo bằng cách mua, thuê các tài khoản 'rác' để chuyển tiền qua lại", Phó tổng giám đốc Vietinbank nói, thêm rằng việc áp dụng xác thực sinh trắc học sẽ hạn chế tài khoản không chính chủ chuyển tiền, ngăn chặn luân chuyển của dòng tiền lừa đảo.
Mặt khác, việc có thêm một lớp xác thực bằng sinh trắc học bên cạnh SMS OTP, Soft OTP, theo ông Lân, cũng gia tăng hàng rào bảo vệ cho tiền của chính chủ tài khoản.
Nói tại Quốc hội chiều 23/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các nhà băng tăng phòng, chống hành vi gian lận trong mở, sử dụng tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử định danh (eKYC).
"Xác thực bằng sinh trắc học sẽ tăng an toàn cho chủ tài khoản. Đây là biện pháp hạn chế sử dụng tài khoản không chính chủ có hành vi vi phạm pháp luật", bà Hồng nói.
Đại diện một nhà băng cũng đánh giá, nhận dạng, xác thực qua sinh trắc học là biện pháp tối ưu nhất hiện nay để hạn chế tối đa làm giả và có tính bảo mật rất cao.
Cũng theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, cơ quan này đang dự thảo Thông tư hướng dẫn về mở và sử dụng tài khoản thanh toán. Trong đó, quy định mới được bổ sung là người dân phải sử dụng căn cước công dân gắn chip khi mở tài khoản điện tử tại ngân hàng.
"Việc sử dụng căn cước công dân gắn chip sẽ khắc phục tình trạng giả mạo tài khoản", bà Hồng nói.
Trường hợp người dân không có CCCD gắn chip, họ sẽ phải đến ngân hàng để xác minh, làm thủ tục nhận biết chính chủ tài khoản. Đồng thời, các nhà băng phải có giải pháp theo dõi giao dịch, kiểm soát, đánh giá trong và sau khi khách hàng mở tài khoản để kịp thời phát hiện những tài khoản có dấu hiệu đáng ngờ.
Việt Nam đã có nhiều hành động ý nghĩa chấm dứt nạn diệt chủng
Ngày 23/5, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã họp phiên toàn thể tại Đề mục Văn hoá hoà bình để thảo luận về vấn đề diệt chủng. Phiên họp đã thu hút sự tham gia đông đảo của các nước thành viên và quan sát viên tại LHQ.
Theo phóng viên báo chí tại LHQ, phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, khẳng định Việt Nam lên án một cách mạnh mẽ nhất tội ác diệt chủng, đã có nhiều nỗ lực cụ thể, hành động có ý nghĩa để chấm dứt nạn diệt chủng và trừng trị tội phạm diệt chủng. Những nỗ lực và hành động này khởi nguồn từ chính sách của của Việt Nam luôn tôn trọng giá trị sinh mạng con người, cam kết bảo vệ người dân và quan điểm nhất quán đề cao Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế.
Với tư cách là quốc gia thành viên Công ước về ngăn ngừa và trừng phạt tội diệt chủng, Việt Nam nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ quốc gia của mình theo công ước và các cam kết quốc tế trong lĩnh vực này. Việc Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch Nhóm công tác của Hội đồng Bảo an (nhiệm kỳ 2020-2021) về các Tòa án quốc tế, ủng hộ hoạt động của Cơ chế quốc tế về giải quyết các thủ tục còn lại của các Tòa án hình sự và cùng các nước nhất trí thông qua Nghị quyết của Đại hội đồng về “Ngày quốc tế tưởng niệm và tôn vinh các nạn nhân của tội ác diệt chủng và phòng chống tội ác này” vào năm 2015 là một số minh chứng cụ thể cho lập trường và đóng góp của Việt Nam thời gian qua.
Việt Nam khẳng định hòa bình, ổn định và phát triển là điều kiện tiên quyết để xóa bỏ tận gốc nạn diệt chủng, vì vậy tăng cường đối thoại, hòa giải và đoàn kết dân tộc tại các nước liên quan nên được đặt làm ưu tiên hàng đầu. Việt Nam tin tưởng rằng Đại hội đồng LHQ là diễn đàn phù hợp nhất để thúc đẩy đồng thuận và đoàn kết giữa các nước trong đấu tranh phòng, chống tội diệt chủng và các tội ác nghiêm trọng khác.
Trong khuôn khổ phiên họp này, Đại hội đồng LHQ đã thông qua Nghị quyết về Ngày quốc tế tưởng niệm sự kiện diệt chủng tại Srebrenica ở Bosnia và Herzegovina năm 1995.
Hang Sơn Đoòng lọt top 7 điểm tham quan dưới lòng đất đẹp nhất thế giới
Mới đây, tờ South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong (Trung Quốc) đã vinh danh hang Sơn Đoòng của Việt Nam là một trong 7 điểm tham quan dưới lòng đất đẹp nhất thế giới.
Bài viết trên tờ SCMP điểm lại hành trình tìm ra hang động lớn nhất thế giới. Trong một chuyến đi rừng năm 1991, người nông dân Hồ Khanh phát hiện ra miệng hang. Tuy nhiên, tiếng nước chảy xiết và luồng gió thổi mạnh khiến ông không dám tiếp tục đi vào hang. Những lần sau đó, ông không thể nhớ vị trí của hang động “bí ẩn”.
|
Bài viết " Top 7 điểm tham quan dưới lòng đất đẹp nhất thế giới" đăng trên tờ South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong (Trung Quốc). |
|
Hang Sơn Đoòng của Việt Nam là một trong 7 điểm tham quan dưới lòng đất đẹp nhất thế giới. |
Năm 2007, khi đoàn thám hiểm Hoàng gia Anh tiến hành đợt tìm kiếm hang động mới tại Phong Nha – Kẻ Bàng, ông cũng đã đưa đoàn đi tìm hang hết 2 ngày, nhưng không thấy. Đến năm 2008, ông Khanh đã tìm lại được vị trí cửa hang và liên lạc với đội thám hiểm Anh.
Qua đo đạc, các nhà thám hiểm xác nhận hang có chiều dài 5 km. Ngoài hệ thống sông hồ ngầm, hệ sinh thái rừng rậm phát triển, hóa thạch 400 triệu năm tuổi và những tầng địa chất ngoạn mục, hang Sơn Đoòng còn là nơi sinh sống của một số loài thực vật và động vật không tồn tại ở nơi nào khác trên Trái Đất. Năm 2018, một nhóm chuyên gia Anh nghiên cứu về hang động phát hiện hang Sơn Đoòng rộng lớn hơn ít nhất 30% và sâu hơn nhiều so với thông tin trước đó.
Ngoài hang động của Việt Nam, danh sách 7 điểm tham quan dưới lòng đất đẹp nhất thế giới còn có hang Tham Luang (Thái Lan), hầm mộ Paris Catacombs (Pháp), hầm trú ẩn thời Chiến tranh Lạnh (Albania), động Sáo Sậy (Trung Quốc), đường hầm Malinta (Philippines), Bảo tàng khai thác than quốc gia Anh.
Liệu pháp trúng đích trong điều trị ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt
Tại hội thảo khoa học “Hướng điều trị mới trong ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt” do Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư (Bệnh viện K) phối hợp với Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam tổ chức, các chuyên gia cho rằng, các liệu pháp nhắm trúng đích đang chứng minh được hiệu quả điều trị trên nhiều loại ung thư.
Trong số đó, nhóm thuốc ức chế PARP đã được nhiều quốc gia phê duyệt các chỉ định trên ung thư buồng trứng, ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư tuyến tụy, mang đến nhiều cơ hội cho các bệnh nhân, giúp kéo dài thời gian sống không bệnh và sống còn toàn bộ cho bệnh nhân.
Tại Việt Nam, có gần 70% số ca ung thư vú được chẩn đoán ở giai đoạn sớm, tuy nhiên có 20-30% bệnh nhân sẽ tiến triển hoặc di căn, đặc biệt trên nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao với đặc điểm lâm sàng như: Tuổi trẻ, khối u lớn, hạch dương tính, độ mô học cao, đột biến gen BRCA1/2…
Với ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới, ở giai đoạn kháng cắt tinh hoàn di căn (mCRPC) bệnh nhân có tiên lượng xấu, không đồng nhất và thường dẫn đến tử vong.
Về vai trò của thuốc ức chế PARP, PGS.TS.BS. Phùng Thị Huyền, Trưởng khoa Nội 6 (Bệnh viện K) cho biết: “Với nhóm bệnh nhân ung thư vú giai đoạn sớm, xét nghiệm đột biến gen BRCA 1/2 là bước quan trọng giúp phẫu thuật viên và bác sĩ nội khoa có kế hoạch quản lý bệnh nhân toàn diện, bao gồm quyết định loại phẫu thuật, hướng điều trị nội khoa. Với các bệnh nhân ung thư vú giai đoạn sớm nguy cơ cao, có đột biến gen BRCA1/2 dạng di truyền, HER2 âm tính và đã điều trị với hoá trị tân bổ trợ hoặc bổ trợ , thuốc ức chế PARP là lựa chọn được phê duyệt tại Việt Nam và các hiệp hội uy tín khuyến cáo”.
Xu hướng phối hợp ngay từ bước 1 giữa thuốc nội tiết thế hệ mới và thuốc ức chế PARP trên các bệnh nhân ung thư tuyến tiền kháng cắt tinh hoàn cũng đã được chứng minh hiệu quả thông qua các nghiên cứu lâm sàng; kéo dài thời gian sống khỏe mạnh cho người bệnh.
Khởi tố, bắt tạm giam 2 kẻ sát hại, giấu xác cô gái trong vali ở Vũng Tàu
Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam Võ Thành Long và Vũ Thành Huy liên quan vụ án sát hại cô gái 21 tuổi, giấu thi thể trong vali mang lên núi Nhỏ, TP Vũng Tàu phi tang.
Ngày 24/5, Viện KSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, đã phê chuẩn các quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Võ Thành Long (20 tuổi, trú xã Tam Phước, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và Vũ Thành Huy (25 tuổi, trú xã Hoà Long, TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
|
Bị can Võ Thành Long (bìa trái) và Vũ Thành Huy tại cơ quan công an. |
Võ Thành Long bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội Giết người và Cướp tài sản; Vũ Thành Huy tội Che giấu tội phạm và Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Đây là 2 bị can liên quan vụ sát hại cô gái 21 tuổi, giấu thi thể trong vali mang lên núi Nhỏ, TP Vũng Tàu phi tang, gây xôn xao dư luận.
Kết quả điều tra ban đầu xác định, khoảng 0h ngày 18/5, Võ Thành Long và Vũ Thành Huy cùng với chị H.T.M.T. (21 tuổi, trú xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, TPHCM) đến thuê các phòng 303 và 305 khách sạn Green Garden tại phường 2, TP Vũng Tàu.
Võ Thành Long khai, tại khách sạn, khi phát hiện chị T. có mang theo nhiều tài sản, trang sức có giá trị, nên nảy sinh ý định sát hại để chiếm đoạt. Lúc này, Long dùng tay bóp cổ chị T., lấy gối đè lên mặt làm cho cô gái chết ngạt.
Sau đó, Long lấy đi 1 nhẫn, 1 dây chuyền, 1 đôi bông tai và 1 điện thoại iPhone 12 Promax của nạn nhân.
Chị T. tử vong, Long nhắn tin báo cho Huy biết sự việc để bàn bạc việc phi tang. Sáng 19/5, Long đi mua vali rồi cùng Huy đưa thi thể nạn nhân vào trong vali, mang lên khu đất trống ở Núi Nhỏ, TP Vũng Tàu phi tang.
Tiếp đó, cả hai mang số tài sản lấy được của nạn nhân mang đi bán, lấy tiền tiêu xài cá nhân.
Đến ngày 22/5, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận được yêu cầu của Công an huyện Cần Giờ, TPHCM về việc phối hợp để xác minh trường hợp chị T. bị mất tích.
Vào cuộc xác minh điều tra, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định được chị T. từ Cần Giờ đến TP Vũng Tàu đi chơi với hai nam thanh niên, trong đó Võ Thành Long là người ở cùng chị T. tại khách sạn.
Khoảng 3h sáng ngày 23/5, các trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã bắt giữ được Võ Thành Long khi đang lẩn trốn tại quận Bình Tân, TPHCM sau 12 giờ gây án.
Từ lời khai của Long, cơ quan công an nhanh chóng bắt giữ Vũ Thành Huy.
Bắt nhóm sản xuất, phát tán mã độc đến hàng nghìn người để chiếm đoạt tài sản
Ngày 24/5, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Đà Nẵng cho biết vừa tống đạt quyết định khởi tố vụ án “Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác” do Lê Nguyễn H.N. (28 tuổi, trú phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) cùng đồng bọn thực hiện.
Thông tin ban đầu, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (gọi tắt là Phòng An ninh mạng) Công an TP Đà Nẵng phát hiện một nhóm có hành vi phát tán các tập tin chứa mã độc nhằm chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội Facebook của người khác.
Sau thời gian thu thập thông tin, tài liệu, Phòng An ninh mạng phối hợp với Công an phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn kiểm tra căn hộ tại Khu đô thị FPT (phường Hòa Hải), phát hiện Lê Nguyễn H.N. cùng với L.N.H.N., V.T.Đ., N.V.H.L.V., T.N.T.H., Đ.V.V. (cùng 21 tuổi), M.N.C. (19 tuổi), P.Q.N.H. (18 tuổi, cùng trú quận Ngũ Hành Sơn) và H.N.Q.V. (25 tuổi, trú quận Hải Châu, Đà Nẵng) đang thực hiện hành vi “Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác”.
Qua đấu tranh, xác định Lê Nguyễn H.N. thuê căn hộ tại Khu đô thị FPT, sau đó mua sắm hàng chục thiết bị máy tính cấu hình cao và tuyển 8 người này làm việc.
Lê Nguyễn H.N. chỉ đạo nhóm này sử dụng các tài khoản mạng xã hội LinkedIn (đã thu thập sẵn) để đăng bài viết quảng cáo sản phẩm, tuyển dụng, kêu gọi đầu tư.
Khi có người dùng Linkedin khác bình luận vào bài viết thì nhóm này sẽ nhắn tin theo kịch bản có sẵn, gửi tập tin có chứa các đường dẫn tự động tải mã độc nhằm dẫn dụ người này bấm vào để xem nội dung.
Nếu người dùng mở tập tin thì mã độc sẽ tự động thu thập dữ liệu trong thiết bị điện tử của người dùng như địa chỉ IP, cookie, tài khoản, mật khẩu.
Sau đó, nhóm này sử dụng các dữ liệu trên để chiếm quyền sử dụng tài khoản Business Manager trên Facebook của nạn nhân rồi sử dụng vào các hoạt động vi phạm pháp luật nhằm thu lợi bất chính.
Theo xác minh ban đầu, từ tháng 5/2023 đến khi bị cơ quan công an phát hiện, Lê Nguyễn H.N. cùng đồng bọn đã phát tán các tập tin đến hàng chục nghìn người dùng mạng xã hội Linkedin và chiếm quyền sử dụng tài khoản Business Manager trên Facebook có giá trị cao của cá nhân, doanh nghiệp trong nước và các quốc gia trên thế giới.
Hiện Công an TP Đà Nẵng đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an điều tra, mở rộng vụ án.
Phòng An ninh mạng Công an TP Đà Nẵng khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác trước những thủ đoạn ngày càng tinh vi của tội phạm công nghệ cao. Hạn chế chia sẻ các thông tin, dữ liệu cá nhân như hình ảnh căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản thanh toán... trên môi trường mạng để tránh bị các bọn tội phạm lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Cạnh đó, người dân không mở file nén khi chưa xác nhận chính xác người gửi, không nhấn vào các liên kết gửi qua tin nhắn trên mạng xã hội hoặc email không rõ nguồn gốc...
Trường hợp phát hiện bị xâm nhập trái phép vào tài khoản mạng xã hội, báo cáo ngay cơ quan công an nơi gần nhất để xử lý theo quy định pháp luật.