Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 4 (TP.HCM) đang phối hợp cùng Công an TP.HCM và các đơn vị nghiệp vụ liên quan điều tra nguyên nhân vụ một người phụ nữ nước ngoài tử vong trong căn hộ chung cư tại phường 1.
Thông tin ban đầu, khoảng 15h cùng ngày, ban quản lý chung cư The Goldview (đường Bến Vân Đồng, Phường 1, Quận 4) nhận được tin báo của chủ một căn hộ ở phát hiện có một thi thể là nữ (mang quốc tịch Singapore) trong căn hộ của mình, theo VTCNews.
Nhận tin báo của cư dân, ban quản lý lập tức trình báo cơ quan chức năng.
Tại hiện trường, bước đầu xác định thi thể là nữ giới đã chết khô, có quốc tịch nước ngoài. Sau đó, lực lượng chức năng thực hiện phong tỏa, khám nghiệm hiện trường.
Bước đầu, lực lượng chức năng ghi nhận chủ sở hữu không có hợp đồng cho thuê căn hộ và lịch sử sử dụng thẻ thang máy của căn hộ lần cuối là lúc 22h20 ngày 31/1/2024, VOV đưa tin.
Hiện công an đang tiếp tục xác minh nhân thân của cô gái nói trên và làm rõ nguyên nhân cái chết.
Cựu Giám đốc CDC Đắk Lắk cùng loạt đồng phạm sắp hầu tòa
Ngày 14/6, TAND tỉnh Đắk Lắk đã công khai lịch xét xử ông Trịnh Quang Trí, cựu Giám đốc CDC Đắk Lắk cùng các đồng phạm về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Theo lịch của TAND tỉnh Đắk Lắk, phiên xét xử bị cáo Trịnh Quang Trí và các đồng phạm sẽ diễn ra vào sáng 18/6.
Trong vụ án này, ngoài ông Trịnh Quang Trí còn có các bị cáo gồm: Trần Thị Nguyên Hằng (44 tuổi, cựu nhân viên khoa xét nghiệm), Trần Thanh Mỹ (54 tuổi, cựu Trưởng phòng Tài chính-kế toán), Đặng Minh Tuyết (48 tuổi, cựu Phó khoa xét nghiệm, cùng công tác tại CDC Đắk Lắk) và Đinh Lê Lê Na (34 tuổi, cựu nhân viên kinh doanh của Công ty Việt Á).
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Đắk Lắk, khi dịch Covid-19 bùng phát, Trịnh Quang Trí với vai trò là Giám đốc CDC Đắk Lắk đã chỉ đạo các nhân viên liên lạc, trao đổi với Đinh Lê Lê Na - nhân viên kinh doanh Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (viết tắt là Công ty Việt Á) để tạm ứng sinh phẩm, hóa chất, vật tư phục vụ xét nghiệm trước và hợp thức hóa thủ tục đấu thầu, thanh toán.
Sau khi tạm ứng sinh phẩm, hóa chất, vật tư phục vụ xét nghiệm của Công ty An Việt, Công ty Dược phẩm Huế, Công ty Việt Á, CDC Đắk Lắk đã không hoàn thành các thủ tục chỉ định thầu rút gọn đối với gói thầu số 1, 3, 4 trong vòng 15 ngày liên tiếp kể từ thời điểm giao thầu, không tiến hành thương thảo hợp đồng gây thiệt hại số tiền hơn 6,8 tỷ đồng.
Khi CDC Đắk Lắk thanh toán tiền cho các công ty nói trên, Trịnh Quang Trí đã được hưởng lợi số tiền 211,36 triệu đồng từ Lê Na.
Trần Thị Nguyên Hằng đã cùng nhiều bị cáo khác thông đồng với Công ty An Việt, Công ty Dược phẩm Huế, Công ty Việt Á thanh toán tiền theo đúng giá mà các công ty đưa ra. Trong quá trình CDC Đắk Lắk mượn hàng và thanh toán tiền cho các đơn vị, đối với mỗi gói thầu Hằng đều được hưởng lợi từ Lê Na với số tiền chiết khấu trên 929 triệu đồng.
Còn Trần Thanh Mỹ biết việc CDC Đắk Lắk nhận hàng của các công ty nói trên để sử dụng trước phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.
Tuy nhiên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Trí, Mỹ đã làm và phối hợp với các phòng, khoa của CDC Đắk Lắk để hoàn thiện hồ sơ thầu, thương thảo hợp đồng, ký hợp đồng, thanh toán tiền từ ngân sách Nhà nước cho 3 công ty.
Ngoài ra, Trần Thanh Mỹ đã trực tiếp hoặc trao đổi với Trần Thị Mai Anh - Phó Khoa phụ trách Khoa dược (CDC Đắk Lắk) để thu thập 3 bảng báo giá (trong đó bảng báo giá của công ty cho mượn hàng là thấp nhất) để xác định giá trong gói thầu, đảm bảo công ty cho mượn hàng được thực hiện gói thầu và thanh toán tiền đúng theo yêu cầu của 3 công ty.
Sau khi CDC Đắk Lắk thanh toán tiền cho các công ty, Trần Thanh Mỹ được hưởng lợi số tiền 171 triệu đồng từ Lê Na.
Đặng Minh Tuyết đã cùng với các đồng phạm khác thông đồng với các công ty để thanh toán tiền theo đúng giá mà các công ty đưa ra và được hưởng lợi số tiền 66 triệu đồng từ Lê Na.
Còn Đinh Lê Lê Na đã có hành vi thông đồng với CDC Đắk Lắk và Công ty An Việt, Công ty Dược phẩm Huế, Công ty Việt Á hợp thức hóa 4 gói thầu tại CDC Đắk Lắk, với mục đích 3 công ty này trúng thầu, từ đó thanh toán tiền theo đúng đơn giá mà các công ty đưa ra.
Đồng thời, Na là người trung gian trong việc mượn hàng, giao hàng, hợp thức hóa gói thầu giữa CDC Đắk Lắk với 3 công ty này.
Na trực tiếp liên hệ và chỉ đạo nhân viên liên hệ với 3 công ty để thu thập các bảng báo giá, đảm bảo giá của công ty cho mượn hàng theo từng gói thầu là thấp nhất.
Từ đó, CDC Đắk Lắk làm căn cứ xác định giá thầu và các công ty thẩm định giá ban hành chứng thư thẩm định giá phù hợp với giá của các công ty đã cho mượn hàng, đảm bảo cho các công ty này trúng thầu và được thanh toán tiền theo giá cho mượn hàng.
Cáo trạng của VKSND tỉnh Đắk Lắk khẳng định, hành vi của các đối tượng nói trên không đảm bảo nguyên tắc công bằng minh bạch, gian lận trong đấu thầu gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước tổng số tiền hơn 6,8 tỷ đồng.
Giết vợ dã man giữa đường vì cuồng ghen
Ngày 14-6, kết thúc phiên tòa xét xử sơ thẩm, TAND tỉnh An Giang đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Dũng (SN 1975; ngụ huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) án chung thân về tội giết người sau cơn cuồng ghen.
Theo cáo trạng, khoảng 12 giờ ngày 12-12-2023, trong lúc nghỉ trưa tại nơi làm việc, Dũng nảy sinh ý định giết vợ mình là bà Lê Thị C. (SN 1982) và sau đó sẽ tự sát. Lý do là vì vợ chồng Dũng có mâu thuẫn về tiền bạc từ trước, đồng thời do ghen tuông vô cớ nên Dũng nghĩ vợ mình có người đàn ông khác.
Để thực hiện, Dũng đi mua 1 con dao giấu trong người và 4 con dao nhỏ để trong xe rồi điều khiển xe đến nơi bà C. làm việc tại xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú.
Đến nơi, Dũng kêu bà C. điều khiến xe máy chở Dũng đến quán cà phê gần đó để nói chuyện. Chạy được một đoạn, Dũng dùng dao đâm nhiều nhát vào người khiến bà C. ngã xuống đường.
Không dừng lại, Dũng tiếp tục đâm nhiều nhát vào người bà C. làm gãy lưỡi dao. Lúc này, người dân gần đó chạy đến bắt giữ Dũng giao công an địa phương; còn bà C. được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong trước khi đến Trung tâm Y tế huyện Châu Phú
Hệ thống tư pháp Mỹ ‘vượt thử thách’ với vụ kết tội ông Trump và con trai ông Biden
Cựu Tổng thống Donald Trump và các đồng minh đảng Cộng hòa của ông đã tìm cách làm mất tính hợp pháp của các cuộc điều tra hình sự nhằm vào ông bằng cách tuyên bố rằng Đảng Dân chủ đã “vũ khí hóa” hệ thống tư pháp. Tuyên bố đó còn được đẩy mạnh hơn sau khi bồi thẩm đoàn kết tội ông Trump vào tháng trước với 34 tội danh trong vụ án hình sự chi tiền mua sự im lặng của ngôi sao phim người lớn.
Theo tờ New York Times, khi đưa ra câu chuyện đó, họ có xu hướng bỏ qua một sự thật: Tổng thống Biden đã không ngăn cản Bộ Tư pháp điều tra con trai ông - Hunter Biden. Hôm 11/6, bồi thẩm đoàn đã kết tội ông Hunter Biden với cả ba tội danh hình sự liên quan đến vụ án mua súng vào năm 2018.
Phán quyết đã không làm hài lòng các đảng viên Cộng hòa, những người tiếp tục nhấn mạnh rằng đảng Dân chủ đã biến hệ thống tư pháp hình sự thành công cụ đảng phái. Tuy nhiên, dưới áp lực chính trị to lớn, 12 thành viên bồi thẩm đoàn trong cả hai vụ án dường như đã thực hiện công việc của mình một cách nghiêm túc, cân nhắc các bằng chứng và đưa ra lời kết tội. Hệ thống dường như đã hoạt động đúng chức năng của nó.
Có ý kiến lập luận rằng cả vụ án “mua sự im lặng” của ông Trump và vụ án mua súng của Hunter Biden đều bị ảnh hưởng bởi chính trị. Cả hai đều có thể được coi là những vụ tương đối nhỏ mà các công tố viên có thể không bận tâm theo đuổi nếu bị cáo không phải là những nhân vật gây chú ý như vậy.
Tuy nhiên, một thực tế rõ ràng là các đảng viên Dân chủ đã thể hiện thái độ tôn trọng hệ thống tư pháp hình sự sau khi ông Hunter Biden bị kết tội. Họ không đưa ra lời chỉ trích nào và lập luận rằng, bất chấp những lời tố cáo của đảng Cộng hòa coi phiên tòa xét xử ông Trump là “trò giả mạo”, những người có uy tín về mặt chính trị của cả hai đảng đều đã bị kết tội.
Nghị sĩ Dân chủ Jim McGovern nhấn mạnh: “Đó không phải là kết quả của một quá trình giả tạo hay một âm mưu lớn nào đó của chính quyền Tổng thống Biden.”
Sau phán quyết, Tổng thống Biden bày tỏ sự ủng hộ cá nhân đối với con trai nhưng cho biết trong một tuyên bố rằng ông chấp nhận kết quả của vụ án. Ông cũng đề cập đến một cuộc phỏng vấn với ABC News vào tuần trước, trong đó ông nói rằng ông sẽ không sử dụng quyền lực chính thức của mình để ân xá cho con trai nếu Hunter Biden bị kết án.
“Như tôi cũng đã nói vào tuần trước, tôi sẽ chấp nhận kết quả của vụ việc này và sẽ tiếp tục tôn trọng quy trình tư pháp khi Hunter xem xét kháng cáo”, ông Biden nói.
Trong khi đó, đảng Cộng hòa lại có phản ứng trái ngược. Karoline Leavitt, thư ký báo chí quốc gia chiến dịch tranh cử của ông Trump, cho biết trong một tuyên bố rằng phiên tòa xét xử con trai tổng thống “chẳng qua chỉ là sự làm xao lãng” khỏi những gì bà tuyên bố mà không có bằng chứng là “tội ác thực sự” của gia đình Biden.
Các thành viên đảng Cộng hòa trong Ủy ban Tư pháp Hạ viện cũng thông báo rằng họ sẽ tổ chức các phiên điều trần vào mùa hè này về “những sai sót” trong vụ kiện ở New York chống lại ông Trump. Tháng trước, bồi thẩm đoàn nhất trí kết tội ông làm giả hồ sơ kinh doanh để che đậy việc trả tiền cho một nữ diễn viên phim người lớn trong giai đoạn cuối của cuộc bầu cử năm 2016.
Nghị sĩ Dân chủ Jamie Raskin, đại diện bang Maryland, đã nhấn mạnh sự khác biệt trong cách tiếp cận của hai đảng liên quan đến hai phiên tòa đặc biệt. Ông Raskin nói: “Hãy so sánh và đối chiếu sự khác biệt trong phản ứng giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ. Đảng Cộng hòa đang tấn công toàn bộ hệ thống công lý và pháp quyền của chúng ta bởi vì họ không thích cách một vụ án được đưa ra, trong khi con trai của tổng thống Mỹ bị truy tố và tôi không nghe thấy một đảng viên Dân chủ nào kêu ca cả".
Bản án dành cho Hunter Biden cũng mâu thuẫn với những điều mà cựu Tổng thống Trump nhiều lần phát biểu, rằng ông là "nạn nhân của hệ thống pháp luật do Bộ Tư pháp vũ khí hóa và chỉ nhắm vào đảng Cộng hòa".
Công tố viên đặc biệt David Weiss, được bổ nhiệm để giám sát cuộc điều tra ông Hunter, khẳng định: "Không ai ở đất nước này đứng trên luật pháp và mọi người đều phải chịu trách nhiệm về hành động của mình".