Điểm sự kiện từ ngày 3/6 đến ngày 9/6/2024
* Trong tuần qua, các cuộc xung đột vũ trang vẫn là tâm điểm của dư luận thế giới: Nga khẳng định luôn để ngỏ đối thoại kiểm soát vũ khí hạt nhân; Kỳ vọng 'mong manh' của Ukraine về hội nghị hoà bình ở Thụy Sĩ; Israel tiếp tục tấn công miền Trung Gaza; Hamas tuyên bố tiếp tục đáp trả; Thêm 4 con tin ở Gaza được giải cứu; Chính phủ mới của Ấn Độ tuyên thệ nhậm chức; Thủ tướng Đan Mạch bị thương nhẹ sau vụ tấn công; Hòa nhạc từ thiện tại Paris gây quỹ ủng hộ trẻ em mồ côi ở Việt Nam;...
- Ngày 8/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết nước này sẽ vẫn luôn để ngỏ cơ chế đối thoại với các cường quốc hạt nhân.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Ảnh: TASS/TTXVN |
Hãng thông tấn RIA của Nga dẫn lời bà Zakharova nhấn mạnh Nga không bao giờ đóng sập cơ chế đối thoại ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất.
Trước đó, tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg lần thứ 27 được tổ chức tại thành phố cùng tên của LB Nga, ngày 7/6, Tổng thống Vladimir Putin cho biết nước này không loại trừ khả năng đưa ra một số thay đổi trong học thuyết hạt nhân của mình. Nhà lãnh đạo Nga cũng nói rằng nếu cần thiết, Nga có thể thử nghiệm một loại vũ khí hạt nhân, song khẳng định đây là việc làm không cần thiết vào thời điểm hiện nay.
Sau thông điệp trên của Tổng thống Putin, ông Pranay Vaddi - quan chức hàng đầu về vấn đề kiểm soát vũ khí thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ - nói rằng Mỹ có thể sẽ cần phải triển khai thêm nhiều vũ khí hạt nhân chiến lược trong những năm tới nhằm ngăn chặn mối đe dọa gia tăng. Ông đã gợi mở sự thay đổi chính sách như vậy trong bài phát biểu về vấn đề kiểm soát vũ khí theo cách cạnh tranh hơn trước các thành viên Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí ở Washington.
- Theo thông tin cập nhật, bà Mette Frederiksen, Thủ tướng Đan Mạch đã bị thương nhẹ sau khi bị một người đàn ông tấn công ở trung tâm Copenhagen rạng sáng 8/6 (giờ Việt Nam).
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen trong một cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ ngày 18/4/2024. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngày 8/7, Văn phòng Thủ tướng cho biết: “Ngoài vết thương nhẹ ở cổ, Thủ tướng vẫn an toàn, nhưng bà bị sốc trước vụ việc”. Tuyên bố cho biết thêm rằng bà đã được đưa đến bệnh viện để kiểm tra y tế. Tất cả các sự kiện chính thức của Thủ tướng Frederiksen trong ngày 8/6 đã bị hủy bỏ.
Cảnh sát Đan Mạch cho biết nghi phạm là một người đàn ông 39 tuổi và sẽ phải trình diện Tòa án thành phố Copenhagen. Tuy nhiên, cảnh sát không cung cấp thêm thông tin chi tiết về nghi phạm, việc nghi phạm có mang theo vũ khí hay không, cũng như động cơ tấn công.
Nhiều nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã lên án vụ việc. Trên mạng xã hội X, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen, bày tỏ “rất sốc” khi nghe tin vụ tấn công, đồng thời “lên án hành động hèn hạ này, đi ngược lại tất cả những gì chúng tôi tin tưởng và đấu tranh vì ở châu Âu". Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Charles Michel lên án “hành động hèn nhát”. Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông Jens Stoltenberg cũng bày tỏ rất sốc trước sự việc. Về phần mình, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson nhấn mạnh: “Cuộc tấn công vào một nhà lãnh đạo được dân bầu cũng là một cuộc tấn công vào nền dân chủ của chúng ta”. Thủ tướng Phần Lan Petteri Orpo lên án mạnh mẽ “mọi hình thức bạo lực nhằm vào các nhà lãnh đạo của đất nước. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chia sẻ quan điểm tương tự.
Vụ tấn công xảy ra 2 ngày trước khi cử tri Đan Mạch đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP). Bạo lực nhằm vào các chính trị gia đã trở thành chủ đề trước thềm cuộc bầu cử. Vụ tấn công trên xảy ra chỉ 3 tuần sau khi Thủ tướng Slovakia, ông Robert Fico bị thương nặng trong một vụ ám sát hụt. Cách đây một tháng, 3 chính trị gia người Đức đã bị tấn công.
* Trong tuần qua, từ ngày 3/6 - 9/6, trong nước diễn ra một số sự kiện nổi bật, thu hút sự quan tâm của dư luận: Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp các Đại sứ, Đại biện của EU và các nước thành viên; Đợt I, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Những điểm nhấn nổi bật; Thủ tướng chủ trì họp Thường trực Chính phủ về kiểm soát lạm phát; Việt Nam dự Hội nghị SOM ASEAN+3, Cấp cao Đông Á, Diễn đàn Khu vực ASEAN;...
- Chiều 7/6, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) và các Đại sứ, Đại biện các nước thành viên EU tại Hà Nội đến chào và chúc mừng nhân dịp được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại buổi tiếp Đại sứ, Đại biện các nước Liên minh châu Âu tại Việt Nam. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN |
Tại cuộc tiếp, Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ vui mừng lần đầu gặp các Đại sứ, Đại biện EU trên cương vị mới; cảm ơn những lời chúc mừng tốt đẹp của lãnh đạo cấp cao EU, các nước thành viên và các Đại sứ, Đại biện.
Chủ tịch nước khẳng định, EU và các nước thành viên là những đối tác quan trọng của Việt Nam; vui mừng nhận thấy quan hệ giữa Việt Nam với EU và các nước thành viên thời gian qua phát triển năng động, thể hiện qua việc trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao được tăng cường; đang triển khai hiệu quả các thỏa thuận và cơ chế hợp tác, đối thoại. Quan hệ giữa Việt Nam với các nước thành viên EU đang phát triển tích cực cả về chiều rộng lẫn chiều sâu trên nền tảng quan hệ hữu nghị tốt đẹp, thế mạnh và nhu cầu của mỗi nước. Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 4 nước thành viên EU, đối tác toàn diện với 3 nước và đối tác chiến lược theo lĩnh vực với 3 nước.
Thời gian tới, để đưa quan hệ giữa Việt Nam với EU và các nước thành viên phát triển mạnh mẽ, hiệu quả hơn, Chủ tịch nước đề nghị các Đại sứ, Đại biện tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao để tăng cường tin cậy chính trị, tạo đà cho hợp tác trên tất cả các lĩnh vực. Đồng thời, phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có để triển khai tốt Hiệp định Đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - EU, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), cũng như các văn kiện hợp tác giữa Việt Nam với các nước EU, nhằm tháo gỡ các vướng mắc, đề ra các biện pháp thúc đẩy hợp tác; tăng cường ứng phó với các thách thức toàn cầu, trong đó ưu tiên triển khai hiệu quả Đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Chủ tịch nước Tô Lâm với Đại sứ, Đại biện các nước Liên minh châu Âu tại Việt Nam. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN |
Chủ tịch nước cũng đề nghị các Đại sứ có tiếng nói thúc đẩy các nước EU chưa phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) sớm phê chuẩn Hiệp định và Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với xuất khẩu hải sản của Việt Nam, có tính đến những khó khăn, khác biệt về trình độ phát triển giữa hai bên và sinh kế của ngư dân Việt Nam; giúp Việt Nam phát triển kinh tế biển, nuôi trồng hải sản bền vững.
Hoan nghênh các chiến lược, sáng kiến hợp tác với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của EU với cách tiếp cận cân bằng, nhiều ưu tiên hợp tác phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối của EU với khu vực, thúc đẩy hợp tác thông qua khuôn khổ Đối tác chiến lược ASEAN - EU, cũng như giữa ASEAN và các nước thành viên EU.
Trao đổi với các Đại sứ, Đại biện về một số vấn đề quốc tế cùng quan tâm, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, Việt Nam luôn kiên trì “chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.
Về vấn đề Biển Đông, hai bên khẳng định tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải, củng cố hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực.
Chủ tịch nước Tô Lâm mong muốn các Đại sứ, Đại biện sẽ luôn là cầu nối quan trọng, đóng góp nhiều hơn nữa vào việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam với EU và các nước thành viên thời gian tới, góp phần sớm đưa quan hệ hợp tác Việt Nam - EU phát triển lên tầm cao mới.
Thay mặt các Đại sứ, Đại biện các nước thành viên EU tại Hà Nội, Đại sứ EU Julien Guerrier chúc mừng Chủ tịch nước Tô Lâm được Quốc hội Việt Nam bầu giữ chức Chủ tịch nước. Đại sứ khẳng định Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của EU ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói chung, cũng như tại Đông Nam Á nói riêng. EU mong muốn thúc đẩy hợp tác thương mại - đầu tư với Việt Nam, coi hợp tác với Việt Nam là hình mẫu cho hợp tác của EU với các nước đang phát triển trên thế giới. EU mong muốn hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2045 và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Chủ tịch nước Tô Lâm với Đại sứ, Đại biện các nước Liên minh châu Âu tại Việt Nam. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN |
Chia sẻ đánh giá của Chủ tịch nước Tô Lâm về quan hệ Việt Nam - EU, Đại sứ Julien Guerrier khẳng định quan hệ hai bên còn nhiều tiềm năng hợp tác trong thời gian tới như phát triển kinh tế xanh, số và tuần hoàn, nông nghiệp, dược phẩm, tư pháp, lao động, quốc phòng – an ninh, ứng phó với biến đổi khí hậu với ưu tiên triển khai Đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Đại sứ nhấn mạnh, EU đang triển khai mạnh mẽ các chiến lược, sáng kiến hợp tác khu vực, nhất là Sáng kiến Cửa ngõ toàn cầu; cho biết EU có kế hoạch triển khai một số dự án hợp tác với ASEAN và tại Việt Nam trong khuôn khổ Sáng kiến. Đại sứ Julien Guerrier bày tỏ tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch nước Tô Lâm, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và các nước EU sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, sâu rộng hơn nữa, đóng góp quan trọng cho hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Đại sứ Julien Guerrier hân hạnh chuyển thư chúc mừng của Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Chủ tịch Ủy ban châu Âu đến Chủ tịch nước Tô Lâm; bày tỏ tin tưởng, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với EU và các nước thành viên sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, sâu rộng hơn nữa, vì lợi ích của cả hai bên.
* Trong tuần Thainguyentv.vn cập nhật các hoạt động, sự kiện nổi bật trong tỉnh trong chương trình Thời sự, các bản tin, chuyên mục, chuyên đề... với nhiều tin đáng chú ý: Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên tích cực tham gia các nội dung tại đợt I, Kỳ họp thứ Bảy, QH khóa XV; Phiên họp toàn thể lần thứ 34 của UBND tỉnh thảo luận và cho ý kiến vào 25 nội dung quan trọng; Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026; Khởi công Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn: Thúc đẩy liên kết vùng, tạo động lực phát triển; Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025 diễn ra an toàn, đúng quy định; Hội thi nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ vòng 2, khu vực I năm 2024 tại Thái Nguyên;...
- Ngày 5/6, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì Phiên họp toàn thể lần thứ 34 của UBND tỉnh để thảo luận và cho ý kiến vào 25 nội dung. Đây là phiên họp quan trọng, nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024.
Toàn cảnh phiên họp. |
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên 6 tháng đầu năm đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đạt được những kết quả tích cực. Kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi tăng trưởng: Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 6,03% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt trên 424.000 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản ước đạt trên 8.400 tỷ đồng, tăng 3,75% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu hàng hoá ước đạt 15,4 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ; thu ngân sách Nhà nước ước đạt trên 9.200 tỷ đồng, tăng 19,6% so với cùng kỳ, đạt 47,3% so với dự toán HĐND tỉnh giao.
Đánh giá 6 tháng đầu năm cho thấy, kết quả giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt được yêu cầu đề ra. Lũy kế thanh toán vốn đến hết tháng 5/2024 ước đạt trên 1.820 tỷ đồng. Trong đó, thanh toán kế hoạch vốn năm 2024, đạt trên 1.780 tỷ đồng, đạt 31,8% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Nguyên nhân chủ yếu do khó khăn, vướng mắc về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, di chuyển công trình hạ tầng kỹ thuật, một số dự án phải điều chỉnh do vướng mắc về thủ tục… Đây cũng là nội dung được hội nghị dành nhiều thời gian tập trung thảo luận, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ trong những tháng tới.
Phát biểu kết luận, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục yêu cầu các sở, ban, ngành quyết liệt triển khai đồng bộ giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, kịp thời đề xuất các giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, quản lý chặt chẽ chi ngân sách, ưu tiên các khoản chi cho đầu tư phát triển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, cắt giảm tối đa các khoản chi thường xuyên không thật sự cần thiết.
Đối với nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 03 chương trình mục tiêu Quốc gia, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn, mang tính liên kết vùng dự kiến hoàn thành trong năm 2024, yêu cầu các ngành, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước; tập trung cao độ, thực hiện quyết liệt các giải pháp để nâng cao hiệu quả, chất lượng các công trình; thực hiện nghiêm các quy định về đấu thầu, đấu giá, lựa chọn nhà đầu tư; tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo tiến độ, chất lượng theo quy định của pháp luật.
- Trên 17 nghìn thí sinh đã hoàn thành Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025.
Tại Trường THPT Chuyên Thái Nguyên |
Trong 2 ngày thi, có 4 thí sinh bị đình chỉ do vi phạm quy chế thi. Nhìn chung, trong suốt quá trình diễn ra, kỷ luật phòng thi được thực hiện nghiêm túc, công tác an ninh trật tự, y tế và các điều kiện khác đảm bảo cho thành công của Kỳ thi. Năm nay số lượng thí sinh dự thi tăng khoảng 1.600 thí sinh so với Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023 - 2024. Để chuẩn bị cho Kỳ thi, Sở Giáo dục và Đào tạo đã bố trí 31 điểm thi, 749 phòng thi, huy động 1.767 cán bộ coi thi và 550 cán bộ thanh tra, công an, y tế, bảo vệ, nhân viên phục vụ Kỳ thi. Đồng thời, phối hợp với các thành viên Ban Chỉ đạo các kỳ thi của tỉnh làm tốt công tác chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, việc bảo đảm an ninh, an toàn để Kỳ thi diễn ra thành công, đúng quy chế.
- Hội thi nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy" vòng 2, khu vực I năm 2024 đã thành công đầy ấn tượng, đặc sắc, được Ban Tổ chức đánh giá cao.
Hội thi do Bộ Công an phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức là hoạt động thiết thực nhằm tuyên truyền nâng cao chất lượng, hiệu quả của mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy”, giúp trau dồi kỹ năng xử lý tình huống cháy, nổ, cứu người, cứu tài sản; thực hiện hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” trong xử lý các tình huống cháy, nổ xảy ra tại khu dân cư. Đây cũng là dịp để các tầng lớp Nhân dân giao lưu, tìm hiểu kiến thức pháp luật, kỹ năng chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, có khả năng đáp ứng, xử lý các tình huống cháy ngay từ ban đầu./.