Thương hiệu Quốc gia phải được xây dựng từ từng người dân
Trong những năm qua, các cấp, ngành và cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã xác định được tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu trong việc gia tăng giá trị sản phẩm, giá trị của một quốc gia. Thương hiệu quốc gia (THQG) đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị trí của nhiều DN trên thị trường trong nước và quốc tế.
(Ảnh minh họa) |
Thương hiệu được kết tinh trong từng sản phẩm
Từ thực tế hoạt động của DN, đánh giá tác động của chương trình THQG Việt Nam, Phó giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới, ông Nguyễn Trường Thịnh cho biết, THQG không phải là phần thưởng cho DN mà đây chính là động lực, cơ hội để thúc đẩy DN nỗ lực nghiên cứu cải thiện chất lượng, công nghệ, giúp nâng tầm và vị thế của DN trong dài hạn.
Ông Thịnh chia sẻ, trước đây khi các sản phẩm chế biến từ dừa của công ty chưa xây dựng được thương hiệu, các đối tác và nhà nhập khẩu luôn “ép” sản phẩm phải mang thương hiệu của họ khiến giá trị gia tăng sản phẩm rất thấp.
“Tuy nhiên, tình trạng này đã hoàn toàn thay đổi khi sản phẩm của công ty được đầu tư xây dựng thương hiệu, từ đó tăng sự hiện diện các sản phẩm từ dừa của Việt Nam trên khoảng 30 thị trường quốc tế. Đặc biệt, khi xuất khẩu sản phẩm có thương hiệu thì giá cả của sản phẩm thường biến động rất ít”, ông Thịnh trải lòng.
Nhìn nhận việc xây dựng thương hiệu DN, THQG chỉ là bước đầu để các DN tiếp tục xây dựng và phát triển, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc TCT May 10 cho rằng, điều cần nhất sau khi DN được vinh danh đó chính là việc đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá THQG tới người tiêu dùng trong và ngoài nước. Bởi nếu việc làm này không được thực hiện liên tục, thương hiệu dễ bị người tiêu dùng lãng quên.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc TCT May 10 chia sẻ giải pháp xây dựng thương hiệu. |
Theo triết lý của ông Nguyễn Trường Thịnh, khi xây dựng THQG cho doanh nghiệp suy cho cùng cũng chỉ là một cái tên. Nhưng quan trọng là khi mở rộng cái tên đó phải hàm chứa chất xám về thiết kế, chất xám về những ẩn chứa giá trị về vật chất và tinh thần kết tinh trong từng sản phẩm mới làm nên thương hiệu, điều này đặc biệt quan trọng đối với những DN sản xuất.
Mặc dù cộng đồng DN Việt Nam đã có chuyển biến về nhận thức đối với xây dựng thương hiệu, nhưng nhiều ý kiến từ các chuyên gia đều cho rằng, công tác này ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Bởi THQG là một khái niệm đa diện, không chỉ là gắn với việc xây dựng thương hiệu DN mà bao gồm cả với những hình ảnh đặc trưng về hàng hóa, thắng cảnh, con người, văn hóa, lịch sử, ứng xử chính trị của chính quyền với các vấn đề đáng quan tâm của thế giới...
Nói một cách đơn giản hơn, nếu hình ảnh của một đất nước trở nên tốt đẹp trong nhận thức của người nước ngoài thì hàng hóa, sản phẩm du lịch, cơ hội đầu tư của nước đó... sẽ được ưu tiên lựa chọn, cũng tức là năng lực cạnh tranh, giá trị định lượng của quốc gia đó sẽ được tăng cường.
Thiếu chiến lược cụ thể
PGS.TS. Nguyễn Quốc Thịnh, chuyên gia cố vấn Chương trình THQG cho rằng, xây dựng THQG không chỉ là việc của DN mà phải cả hệ thống chính trị, từng địa phương và cộng đồng người Việt ở trong nước và nước ngoài. Trong giai vừa qua, do nguồn lực còn có hạn, nên Việt Nam lựa chọn cách tiếp cận đơn giản nhất đó là xây dựng THQG dựa trên việc phát triển các sản phẩm, định vị theo thị trường xuất khẩu.
Nhưng sắp tới, THQG không chỉ quan tâm tới các sản phẩm, DN mà phải quan tâm tới thị trường trong nước. Chính những người dân Việt Nam mới là những người khẳng định giá trị THQG, nên “Hình ảnh THQG phải được xây dựng từ từng người dân”, PGS.TS. Nguyễn Quốc Thịnh nhấn mạnh.
PGS.TS. Nguyễn Quốc Thịnh chỉ rõ, chính những người dân Việt Nam mới là những người khẳng định giá trị THQG. |
Ông Nguyễn Quốc Thịnh cũng cho biết thêm, mặc dù Việt Nam triển khai chương trình THQG được 16 năm nhưng chưa có một chiến lược cụ thể về xây dựng THQG. Do đó trong thời gian tới, cần hoạch định được chiến lược xây dựng THQG và chiến lược này cần tập trung vào công tác quản lý điều hành.
“Hiện nay chương trình THQG được giao cho Bộ Công Thương chủ trì thực hiện, nhưng theo kinh nghiệm ở một số quốc gia thì Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo chương trình này. Ở cấp chỉ đạo cao hơn thì sự kết nối cao hơn, phối hợp được các bộ ngành tốt hơn, huy động được các nguồn lực, nhân lực tốt hơn”, PGS.TS. Nguyễn Quốc Thịnh góp ý.
Vẫn nhấn mạnh tới vai trò quan trọng của DN trong việc xây dựng THQG, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng, trong bối cảnh nguồn lực trong nước còn hạn hẹp, trong giai đoạn sắp tới, chương trình THQG cần tiếp tục có sự ưu tiên thị trường và ưu tiên mặt hàng trong xây dựng và phát triển THQG.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc TCT May 10 mong muốn Chính phủ có chương trình đưa cộng đồng DN được giải thưởng THQG lên tầm cao mới, bằng những chính sách hỗ trợ cần thiết như hỗ trợ về thuế, giải pháp xây dựng, phát triển thương hiệu, nhất là việc phát triển thương hiệu ra nước ngoài, bởi vì việc đăng ký thương hiệu ra nước ngoài hiện nay, DN đang phải bỏ ra chi phí rất lớn.
“Chính phủ cũng nên hỗ trợ các DN trong nhóm DN THQG trở thành đại diện thương hiệu cho đất nước. Đặc biệt cần có chính sách bảo vệ các THQG bởi việc xây dựng được một thương hiệu là cả một quá trình, nỗ lực và cống hiến của rất nhiều DN. Nếu không có chính sách bảo hộ tốt thì hàng giả, hàng nhái cũng như việc sử dụng giả thương hiệu sẽ làm ảnh hưởng tới không chỉ DN mà còn ảnh hưởng tới một quốc gia”, ông Việt chỉ rõ./.