Vài trăm nghìn doanh nghiệp chỉ có 88 doanh nghiệp là "thương hiệu Quốc gia"
Tại buổi họp báo công bố các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia Vietnam value 2016 chiều 23/11, Ban tổ chức chương trình chính thức thông báo, năm nay có 88 doanh nghiệp đã được lựa chọn trong tổng số hàng trăm bộ hồ sơ gửi tham dự chương trình.
Trong số đó, các doanh nghiệp đạt doanh thu từ 1.000 tỷ đồng trở lên có 70/88 doanh nghiệp. Ngoài ra, có 26 doanh nghiệp có doanh thu từ 5.000 tỷ đồng trở lên.
Đáng chú ý, trong 88 doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia năm 2016, có 23 doanh nghiệp 05 lần liên tiếp được vinh danh, trong đó có các tên tuổi lớn như: Việt Tiến; Sabeco; Hòa Bình; Vinacoffee; Vietcombank; An Phước; Biti’s; VNPT; vàng SJC; Cao su Vina; Nhựa Bình Minh…
Các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia chủ yếu thuộc 16 ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghiệp sản xuất, cụ thể như: Cơ khí, máy móc, thiết bị; Dệt may – da giầy; Điện, điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông; Đồ gỗ, gốm sứ, thủ công mỹ nghệ; Đồ trang sức, kim hoàn, đá quý; Dược phẩm, hóa mỹ phẩm; Giấy, văn phòng phẩm, bao bì; Năng lượng, khoáng sản; Nhựa, cao su, hóa chất; Nông, lâm, thủy sản; Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; Thực phẩm, đồ uống; Thương mại, dịch vụ; Vận tải, du lịch; Vật tư nông nghiệp; Xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản.
"Đây cũng chính là mong muốn mà chương trình hướng tới bởi Việt Nam đang phát triển theo tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các lĩnh vực trên phù hợp với xu hướng mà nước ta đang thực hiện", lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết.
Mặc dù số lượng tăng lên trong từng đợt tổ chức chương trình, cụ thể từ con số 30 doanh nghiệp vào năm 2008, 43 doanh nghiệp vào năm 2010 tăng lên 63 doanh nghiệp vào năm 2014 và 88 doanh nghiệp vào năm 2016, nhưng so với tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước thì vẫn còn rất khiêm tốn.
Lý giải điều này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, việc lựa chọn các doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia không vì mục đích thành tích, cũng không chịu sức ép về số lượng. Bộ tiêu chí mà chương trình đưa ra chính là “thước đo” để tuyển chọn “hiền tài”.
"Chương trình không phải là giải thưởng, các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia là bước khởi đầu cho doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý Nhà nước. Bộ Công Thương sẽ cùng các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia xây dựng Thương hiệu cho chính doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp đạt giá trị trên toàn cầu sẽ mang lại hình ảnh cho quốc gia", ông Hải cho biết.
Liên quan tới câu hỏi về việc vì sao sản phẩm của Tân Hiệp Phát đã gây bức xúc cho người tiêu dùng trong thời gian qua mà doanh nghiệp này vẫn đủ tiêu chí xét chọn và đạt Thương hiệu Quốc gia, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định “Không phải doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia thì tất cả sản phẩm của doanh nghiệp đó đều là Thương hiệu quốc gia”. Ở kỳ xét chọn này, Tân Hiệp Pháp chỉ có 2 sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia đó là Trà thảo mộc Dr. Thanh và Trà xanh 0 độ.
Ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại thừa nhận rằng, Tân Hiệp Phát có nhiều lùm xùm trên phương tiện thông tin báo chí. Tuy nhiên, qua quá trình điều tra của cơ quan công an vấn đề của Tân Hiệp Phát đã được giải quyết và cơ bản không có vấn đề gì.
“Chúng tôi đã lấy ý kiến Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cơ quan công an, các đơn vị khác liên quan đến môi trường đều có những phản hồi và thắc mắc ban chuyên gia, ban thư ký đưa ra. Danh sách cuối cùng gửi lãnh đạo Bộ ngành vẫn có ý kiến đưa ra về vấn đề này”, ông Lang nói.
Theo ông Lang, Ban thư ký đã làm động tác nữa để có phản hồi chính thức về Tân Hiệp Phát để có ý kiến cuối cùng, trên cơ sở các thắc mắc được thoả mãn, hội đồng coi đây là vụ việc đã khép lại.