Sử dụng hạt nix và cái giá phải trả
Tại Nhà máy đóng tàu biển Hyundai và luyện cán thép Posco, chúng tôi nghe chủ nhà máy báo cáo kinh nghiệm xây dựng phát triển ngành công nghiệp đóng tàu và luyện cán thép, xem các dây chuyền sản xuất và tiếp xúc với công nhân lao động. Dù thật ấn tượng trước thành tựu công nghiệp hóa của bạn, tôi cũng ngạc nhiên vì bên cạnh nhiều dây chuyền công nghệ rất hiện đại, tự động cao vẫn còn một số dây chuyền lạc hậu.
Trong đó, công nghệ làm sạch vỏ tàu bằng hạt nix bụi bay mù mịt, rất ô nhiễm. Họ nói với chúng tôi: “Đây là dây chuyền công nghệ dùng hạt nix làm sạch vỏ tàu vừa lạc hậu, vừa sinh ra nhiều chất độc hại chết người. Trong thời gian tới theo làn sóng toàn cầu hóa, chúng tôi sẽ chuyển dần những dây chuyền công nghệ lạc hậu ô nhiễm này đến các nước lạc hậu, chậm phát triển, và thay vào các dây chuyền công nghệ tiên tiến, hiện đại hơn để có điều kiện hội nhập và cùng các nước phát triển tiến vào nền kinh tế tri thức”.
Tôi thật sự sửng sốt và bất ngờ khi bốn năm sau dây chuyền công nghệ lạc hậu, độc hại đó lại đến Việt Nam. Điều đáng nói là vùng biển Hàn Quốc là vùng biển lạnh, tài nguyên biển nghèo nàn, dân cư thưa thớt; còn vùng biển Khánh Hòa được thiên nhiên ưu đãi, là vùng biển giàu đẹp cực kỳ, ít nơi nào có được.
Sự độc hại của hạt nix đã rõ, không cần bàn cãi. Lúc đầu HVS làm sạch vỏ tàu bằng công nghệ phun cát. Tháng 8-1999, HVS nhập vào 13.000 tấn hạt nix nhưng đến tháng 11-1999 Bộ KH-CN&MT mới có văn bản cho phép sử dụng hạt nix.
Đến tháng 9-2002, tức sau ba năm sử dụng công nghệ làm sạch vỏ tàu bằng hạt nix, phế thải hạt nix đã chất như núi, người dân xã Ninh Phước không chịu nổi ô nhiễm đã thưa kiện khắp nơi, Bộ KH-CN&MT mới yêu cầu HVS báo cáo đánh giá tác hại đến môi trường của hạt nix. Và hơn ba năm sau nữa (5-1-2006), UBND tỉnh Khánh Hòa mới có đánh giá tác động môi trường của HVS, nhưng chỉ bốn tháng sau UBND tỉnh lại hủy báo cáo đánh giá này vì cho rằng đây là thẩm quyền của Bộ TN-MT. Bộ TN-MT lại khẳng định phê duyệt đánh giá ô nhiễm môi trường là của tỉnh Khánh Hòa.
Thật đáng buồn khi việc đánh giá tác hại chất thải hạt nix như một quả bóng được đá qua đá lại trong thời gian dài giữa Bộ TN-MT và UBND tỉnh Khánh Hòa. Ai cũng tranh thủ cho HVS nhập hạt nix nhưng không ai chịu trách nhiệm kiểm tra xử lý ô nhiễm. Thêm nữa, hàng triệu tấn hạt nix đã nhập về lại được ưu ái miễn thuế nhập khẩu.
Ba năm gần đây Thủ tướng Chính phủ cũng rất bức xúc về vấn đề này, đã bốn lần Thủ tướng cho ý kiến xử lý (18/10/2006, 4/10/2007, 26/11/2007 và gần đây là ngày 24/12/2009). Thế nhưng hạt nix vẫn tiếp tục được nhập.
Nhà máy xử lý hạt nix còn trong quá trình xây dựng, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa nói “Hạt nix không độc, luật không cấm nên đã bật đèn xanh, đã cho phép” nhập hạt nix bình thường và “20.000 tấn là ít đấy”. Không thể nói hạt nix không có trong danh mục hàng cấm nhập thì cứ vô tư nhập, khi biết rõ nó đã gây ô nhiễm nặng nề cho môi trường.
Cả thế giới đang lên tiếng bảo vệ môi trường, lên án mạnh mẽ kẻ gây ra ô nhiễm môi trường thì không lý gì chúng ta làm ngược lại. Đó là chưa nói đến chuyện phải chi 350 tỉ đồng để di dời 700 hộ dân và 1.500 tỉ đồng để xây dựng nhà máy xử lý hạt nix phế thải. Đây là cái giá đầu tiên phải trả cho việc thiếu hiểu biết về tác hại của công nghệ sử dụng hạt nix ở nhà máy HVS Khánh Hòa.
(Bài của ông Huỳnh Thanh Bình - nguyên Vụ trưởng, trưởng cơ quan thường trực miền Trung, Bộ Nội vụ đăng trên Báo Tuổi Trẻ)