Mỹ thay đổi lập trường trong khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh?
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10/4 đã tiếp Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al-Thani tại Nhà Trắng, trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao giữa Qatar và các đồng minh khác của Mỹ tại vùng Vịnh gần 1 năm qua vẫn bế tắc.
Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Quốc vương Qatar tại Nhà Trắng đã cho thấy sự thay đổi lập trường khá rõ của Mỹ. Ảnh: Al Jazeera. |
Từ việc gọi Qatar “kẻ bảo trợ cho khủng bố” khi khủng hoảng vùng Vịnh nổ ra, và bây giờ là “sự cảm thông đối với khó khăn của Qatar do lệnh cấm vận hàng hóa của các nước vùng Vịnh” cho thấy sự thay đổi lập trường khá rõ của Mỹ.
Trong cuộc gặp ngày 10/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh giá cao mối quan hệ tốt đẹp giữa Mỹ - Qatar và nhấn mạnh hai nước đang tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau nhằm chấm dứt việc cung cấp nguồn tài chính cho các nhóm khủng bố ở Trung Đông. Ông Trump nhấn mạnh, Mỹ và Qatar có mối quan hệ hữu nghị trên nhiều phương diện và đang tiếp tục thúc đẩy cơ chế hợp tác này.
“Quốc vương Qatar là một người bạn của tôi và tôi biết ông ấy đã lâu trước khi là Tổng thống Mỹ. Chúng tôi đã hợp tác với nhau về nhiều vấn đề ở Trung Đông. Qatar cũng là một đối tác thương mại lớn của Mỹ, với các hợp đồng mua nhiều vũ khí và trang thiết bị quân sự của Mỹ”, ông Trump nói.
Về phần mình, Quốc vương Qatar đánh giá cao vai trò của Tổng thống Donald Trump trong nỗ lực tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện tại tại vùng Vịnh, đồng thời nhấn mạnh Qatar cũng như Mỹ sẽ không dung thứ những nhóm hỗ trợ tài chính cho khủng bố.
“Sự hợp tác quân sự giữa hai bên rất vững chắc. Qatar có căn cứ Al Udeid - trái tim trong cuộc chiến chống khủng bố trong khu vực. Qatar và Mỹ sẽ không dung thứ cho những kẻ hỗ trợ tài chính cho chủ nghĩa khủng bố. Qatar đang hợp tác với Mỹ để dừng các hoạt động hỗ trợ tài chính cho khủng bố trong khu vực”, Quốc vương Qatar nhấn mạnh.
Trước thềm cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump với Quốc vương Qatar, Mỹ đã phê chuẩn một thương vụ về bán tên lửa dẫn đường cho Qatar trị giá 300 triệu USD.
Theo giới phân tích, cuộc gặp cho thấy sự thay đổi lập trường lớn từ phía Mỹ. Tổng thống Donald Trump từng đứng về phía Saudi Arabia khi khủng hoảng vùng Vịnh nổ ra, với cáo buộc Qatar hỗ trợ cho khủng bố. Tuy nhiên, những lời có cánh dành cho Quốc vương Qatar tại cuộc gặp ngày 10/4 được cho là chiến thắng ngoại giao của Qatar trong nỗ lực thuyết phục Mỹ rằng quốc gia nhỏ bé này là một đồng minh đáng tin cậy .
Qatar là đồng minh quân sự lâu đời và là nơi có căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ tại khu vực Trung Đông. Cuộc khủng hoảng vùng Vịnh thời gian qua kéo theo sự can dự của các nước như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Điều này đặt câu hỏi lớn về ảnh hưởng và vai trò của Mỹ tại khu vực nếu không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng được cho là tồi tệ nhất tại vùng Vịnh nhiều năm qua. Vì vậy, Qatar luôn khẳng định rằng, Mỹ cần phải duy trì mối quan hệ tốt với nước này để đảm bảo lợi thế trong việc đối phó với ảnh hưởng của Iran trong khu vực.
Chuyến thăm của Quốc vương Qatar chỉ diễn ra vài ngày sau chuyến thăm thành công của Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman tới Mỹ, với khẳng định của cả hai bên về mối quan hệ vững mạnh song phương. Theo giới quan sát, Mỹ đang muốn đảm bảo duy trì mối quan hệ với cả 2 đồng minh quan trọng là Qatar và Saudi Arabia.
Với các cuộc xung đột tại Trung Đông đang ngày một nóng hơn, Tổng thống Donald Trump mong muốn sớm giải quyết bất đồng vùng Vịnh- nơi có nhiều đồng minh quan trọng của Mỹ trong khu vực để chuẩn bị cho chiến dịch khác của Mỹ, mà sớm nhất đó là khả năng tiến hành không kích Syria. Qatar là nơi đặt địa điểm căn cứ al-Udeid với gần 10.000 binh lính Mỹ, là trung tâm điều phối trọng yếu cho các chiến dịch quân sự Mỹ ở Trung Đông, có thể thực hiện bất cứ cuộc không kích nào chống Syria.
Mặc dù vậy giới quan sát cũng nhận định, nỗ lực giải quyết khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và các nước vùng Vịnh sẽ không dễ dàng. Chính quyền Tổng thống Donald Trump hy vọng sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh Hội đồng hợp tác vùng Vịnh tại Washington trong tháng này. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin, Thái tử Saudi Arabia và lãnh đạo Các tiểu vương quốc Arab thống nhất sẽ từ chối lời mời như vậy, bởi vì một cuộc họp nếu diễn ra sẽ bao gồm lời kêu gọi chấm dứt cấm vận nhằm vào Qatar./.