Khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh là “cơ hội vàng” cho Thổ Nhĩ Kỳ?
Sau gần một tháng nổ ra, cuộc khủng hoảng ngoại giao ở vùng Vịnh vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, do liên minh các nước Arab vùng Vịnh đang cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào Qatar để ủng hộ nước này đã gây căng thẳng khu vực. Diễn biến mới này đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tại vùng Vịnh khi hôm qua Qatar bác bỏ bản yêu sách 13 điểm của các nước Arab.
Khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh vẫn chưa có lối thoát. (Ảnh minh họa: Reuters) |
Trong tuyên bố, hôm qua (26/6), Ngoại trưởng Bahrain Khalid bin Ahmed al-Khalifa đã cáo buộc Qatar gây leo thang quân sự trong vụ tranh cãi với các cường quốc khu vực, ám chỉ quyết định của Qatar cho phép Thổ Nhĩ Kỹ tăng cường binh lính triển khai trên lãnh thổ nước này.
Trong một thông điệp trên Twitter, Ngoại trưởng Khalifa nêu rõ, nền tảng của bất đồng với Qatar là theo hướng an ninh và ngoại giao, chứ chưa bao giờ theo hướng quân sự. Việc đưa các binh sỹ nước ngoài và các xe bọc thép của họ tới là động thái leo thang quân sự mà Qatar đã tạo ra. Trong một thông điệp trước đó, ông đã cảnh báo rằng việc can thiệp từ nước ngoài sẽ không giải quyết được vấn đề.
Cùng ngày, một quan chức Arab cấp cao cho rằng, việc Thổ Nhĩ Kỳ triển khai quân đội tại Qatar là "hành động khiêu khích" và là "kiểu chính sách leo thang" chống lại các nước trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC).
Quan chức yêu cầu giấu tên này nhấn mạnh, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan "cần phải hiểu rằng việc triển khai binh sĩ ở Qatar trong bối cảnh Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh đang đối mặt với cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay được xem là lời tuyên bố chiến tranh".
Nhân vật này khẳng định tất cả các quốc gia chấm dứt quan hệ ngoại giao với Qatar đều tôn trọng chủ quyền của Qatar và biện pháp quân sự không phải là một lựa chọn cho khủng hoảng giữa các bên, đồng thời nhấn mạnh rằng chính sách can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ khiến mọi việc trở nên phức tạp và chính phủ của ông Erdogan cần phải khôn ngoan trong các hành động của mình ở khu vực.
Bahrain, cùng với Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Ai Cập đã thực hiện một cuộc tẩy chay, bao vây và cô lập Qatar từ cách đây hơn 3 tuần với lý do cáo buộc Qatar ủng hộ cho lực lượng khủng bố.
Bốn quốc gia trên sau đó đã ra một tối hậu thư gồm 13 điểm, trong đó có yêu cầu Qatar phải đóng cửa một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Qatar. Trong tình trạng phải đối mặt với vòng vây ngày càng siết chặt của các nước láng giềng, Qatar đã nhận được sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ.
Để giúp Qatar vượt qua giai đoạn khó khăn do bị phong tỏa cả về ngoại giao và kinh tế, Thổ Nhĩ Kỳ đã điều 105 máy bay chở lương thực và các hàng hóa cứu trợ khác tới quốc gia vùng Vịnh này kể từ thời điểm bắt đầu xảy ra khủng hoảng ngoại giao. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhanh chóng thông qua luật cho phép triển khai thêm binh sỹ tới đến một căn cứ quân sự tại Qatar.
Việc triển khai thêm 5.000 lính Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar không thể xem là một phần của hợp tác quân sự song phương giữa Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ, mà là nhằm mục đích bảo vệ Qatar trước nguy cơ bị tấn công từ các quốc gia láng giềng. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố sẽ không đóng cửa căn cứ quân sự tại Qatar và cuộc khủng hoảng ngoại giao chỉ đưa Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar xích lại gần nhau hơn.
Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Minister Fikri Isik nói: “Căn cứ này nhằm đào đạo cho các binh sỹ của Qatar và duy trì an ninh cho Qatar và khu vực. Việc tăng cường lực lượng tại căn cứ của Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar sẽ là bước đi tích cực trong việc đảm bảo an ninh khu vực”.
Theo các nhà phân tích, những diễn biến trên đang khiến cho cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn nhất ở khu vực Trung Đông trong nhiều năm trở lại đây thêm leo thang và đẩy khu vực vốn nhiều bất ổn vào tình trạng đối mặt với ngày một nhiều nguy cơ bùng nổ xung đột./.