Không bên nào chịu bên nào, mâu thuẫn vùng Vịnh ngày càng khó hóa giải
Cuộc khủng hoảng ngoại giao Qatar tiếp tục lún sâu vào căng thẳng khi ba quốc gia vùng Vịnh là Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain tiếp tục gây sức ép về mặt kinh tế và tài chính đối với nước này khi rút tới 16 tỷ USD tiền gửi ngắn hạn từ các ngân hàng Qatar.
Vịnh Doha. Ảnh: Tripadvisor. |
Trong khi đó Ai Cập cũng vừa lên tiếng cáo buộc Qatar hỗ trợ các tổ chức khủng bố tại Libya. Còn về phía Qatar, Ủy ban Nhân quyền nước này thông báo sẽ thuê luật sư Thụy Sĩ để đòi bồi thường cho những người bị ảnh hưởng bởi quyết định cắt đứt quan hệ của các nước vùng Vịnh.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc các quốc gia vùng Vịnh đưa ra các động thái mới nhằm vào các ngân hàng của Qatar sẽ càng làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm USD bắt đầu xuất hiện ở nước này sau khi bị một loạt các nước Arab tuyên bố “đoạn tuyệt” quan hệ.
Qatar đang bên bờ vực của một cuộc suy thoái kinh tế. Nếu xung đột ngoại giao vùng Vịnh không sớm được giải quyết thì sẽ để lại không ít những hệ lụy liên quan, mà trước mắt là tình hình kinh tế và tài chính của Qatar sẽ đứng trước nhiều thách thức lớn, trong đó có tình trạng giá cả leo thang hay những rủi ro từ lạm phát.
Bên cạnh những áp lực về mặt kinh tế, Qatar lại tiếp tục bị Ai Cập cáo buộc hỗ trợ các tổ chức khủng bố tại Libya. Trong một cuộc họp của Liên Hợp Quốc về những trở ngại trong cuộc chiến chống khủng bố tại Libya, diễn ra ở New York tối 27/6 vừa qua, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập phụ trách các vấn đề Arab, Tarek al-Quni nhấn mạnh, các nhóm và tổ chức khủng bố tại Libya nhận trợ giúp đặc biệt từ Qatar và các nước khác trong khu vực.
Tuy nhiên, phái đoàn Qatar tại Liên Hợp Quốc ngay lập tức khẳng định, các tuyên bố của Ai Cập là “vô căn cứ”, viện dẫn một số báo cáo của các chuyên gia chứng minh rằng Qatar không tham gia bất kỳ hoạt động nào gây bất ổn tại Libya.
Trong một động thái mới nhất được cho là nhằm trả đũa việc bị một số quốc gia vùng Vịnh hùa nhau tẩy chay, Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Qatar Ali bin Smaikh Al-Marri cho biết, nhóm của ông sẽ có hành động pháp lý chống lại Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain, những nước đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar trong tháng này.
Hiện Mỹ và Kuwait vẫn đang tích cực đóng vai trò làm trung gian hòa giải giữa các bên mâu thuẫn tại vùng Vịnh. Trong tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã có cuộc gặp gỡ đầu tiên với Bộ trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani kể từ khi các quốc gia vùng Vịnh đồng loạt cô lập Qatar.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ ngày 27/6 cũng đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Quyền Bộ trưởng Bộ Tư pháp Kuwait Sheikh Mohammad Abdullah Al-Sabah, yêu cầu các bên trao đổi mở và tìm hướng tốt nhất hóa giải mâu thuẫn vùng Vịnh.
Ông Tillerson cho biết: “Chúng tôi hy vọng tất cả các bên sẽ tiếp tục tích cực thảo luận với nhau trên tinh thần thiện chí”.
Dễ dàng nhận thấy, khủng hoảng vùng Vịnh đang có dấu hiệu leo thang khó kiểm soát. Và thực chất việc các nước đồng loạt chấm dứt quan hệ ngoại giao với Qatar cũng chỉ như “giọt nước tràn ly” bởi mối bất hòa giữa Qatar với các nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), nòng cốt là Saudi Arabia, cùng với Ai Cập không phải bây giờ mới hiện hữu mà vốn dĩ đã "âm ỉ" từ rất lâu.
Chính sự rạn nứt giữa các đồng minh Arab như thế này đang là đòn giáng mạnh vào Mỹ trong bối cảnh chiến dịch chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang lên đến đỉnh điểm ở Iraq và Syria. Bởi với Mỹ, việc hóa giải căng thẳng vùng Vịnh sẽ có ý nghĩa quan trọng, giúp bảo vệ nhiều lợi ích của Mỹ ở khu vực Trung Đông trong đó có cuộc chiến chống khủng bố.
Chính vì vậy, Mỹ thời gian gần đây liên tiếp xúc tiến các cuộc họp nhằm xoa dịu khủng hoảng vùng Vịnh cũng như tích cực liên lạc với các bên trung gian hòa giải như Kuwait và Liên Hợp Quốc.
Dẫu vậy, theo các nhà quan sát, sức nóng từ cuộc khủng hoảng ngoại giao Qatar vẫn chưa giảm nhiệt. Điều này có thể thấy rõ qua việc Qatar và các nước láng giềng vùng Vịnh gần đây vẫn chưa chịu ngừng đấu khẩu xung quanh yêu sách để giải quyết cuộc khủng hoảng tại khu vực.
Cùng với thái độ “không bên nào chịu bên nào” cũng như nguyên nhân cốt lõi sâu xa bắt nguồn từ mâu thuẫn nội bộ trong chính “đại gia đình” các nước Arab vùng Vịnh đang đẩy khu vực vốn đã rối ren, phức tạp và bất ổn đứng trước nấc thang căng thẳng mới.
Có thể nói, khủng hoảng quan hệ giữa các nước Arab vùng vịnh đang đe dọa tới sự đoàn kết, thống nhất của tổ chức Hội đồng hợp tác vùng Vịnh, và kéo theo đó là những tác động tiêu cực lên việc giải quyết các vấn đề chung của khu vực./.