Hội nhập kinh tế quốc tế: Doanh nhân và doanh nghiệp đi tiên phong
Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII có Nghị quyết số 06 về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Trong đó, Nghị quyết xác định quan điểm hội nhập kinh tế quốc tế là sự nghiệp của toàn dân; doanh nhân, doanh nghiệp, đội ngũ trí thức là lực lượng đi đầu.
Các doanh nghiệp đi hàng đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế (Ảnh minh họa: KT) |
Về quan điểm này, nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình và cho rằng, không ai khác, chính đội ngũ doanh nhân và doanh nghiệp Việt gánh trọng trách đi tiên phong hiện thực hóa quá trình hội nhập và gặt hái lợi ích từ hội nhập. Vấn đề đặt ra là, cần làm gì để doanh nghiệp, doanh nhân chủ động, tự tin hội nhập hiệu quả?
Thay đổi để thích ứng với hội nhập...
Theo TS. Đặng Đình Quý, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, trong hội nhập quốc tế, doanh nghiệp, doanh nhân là đội quân tiên phong. Họ đi đầu trong việc chấp hành các quy định hội nhập, họ tự nguyện chấp hành. Chẳng hạn, hội nhập với châu Âu thì phải chấp hành các luật lệ của châu Âu thì mới ký được hợp đồng. Sự chấp hành này cũng là quá trình tự chỉnh mình theo luật chơi chung.
Đồng ý quan điểm phải đặt đội ngũ doanh nghiệp vào hàng đi đầu trong hội nhập, nhưng theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, khi hiện thực hóa chủ trương này thì cần phải phân vai cho rõ ràng. Bởi các doanh nghiệp thì sống chết là phải vào cuộc. Nhưng để đồng hành hội nhập thành công hay không thì cần chỉ rõ các tổ chức Đảng, bộ máy Nhà nước, các hiệp hội... làm gì và làm thế nào? Dẫn một ví dụ cụ thể, ông Vũ Khoan đánh giá, “đổi mới doanh nghiệp nhà nước còn rất chậm. Cái đó là lỗi của ta chứ không phải lỗi của hội nhập. Hội nhập tạo nên cái cạnh tranh là tất nhiên. Nhưng ta yếu thì bị người ta lấn thôi, nhất là bây giờ ta hội nhập rộng hơn, cam kết cao hơn”.
Liên quan đến vấn đề doanh nghiệp hội nhập, tại hội thảo khoa học về “Hội nhập kinh tế quốc tế: 30 năm nhìn lại và thực tiễn Quảng Ninh” cách đây không lâu, nhóm chuyên gia của Viện Nghiên cứu Thương mại (TS. Nguyễn Lương Thanh và ThS Võ Thị Kim Tuyến) cập nhật số liệu so sánh đến năm 2014 cho rằng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam đã tụt 16-17 chỉ số so với năm 2003, chủ yếu do yếu tố đối mới công nghệ, ứng dụng khoa học của doanh nghiệp còn chưa được chú trọng đúng mức. Thành ra “khi doanh nghiệp Việt Nam đi được 10m thì công nghệ thế giới đã vượt chặng đường 20m rồi. Điều đó giải thích tại sao chỉ số so sánh tăng trưởng của ta với thời gian trước vượt bậc mạnh mẽ, nhưng so sánh với các nước lại tiếp tục tụt hậu trên bảng tổng sắp thế giới”.
Nhìn vào đội ngũ doanh nhân hiện nay, nhóm nghiên cứu dẫn đánh giá của TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng doanh nghiệp vẫn chỉ khai thác cái sẵn có để bán ra thế giới hơn là cạnh tranh vươn lên trong chuỗi giá trị, nhập vào chuỗi cạnh tranh, với mục tiêu trèo lên bậc thang cao hơn. Doanh nghiệp Việt mới chỉ là “đội thuyền thúng ra biển lớn”.
Còn GS. John H. Behzad, chuyên gia tư vấn chiến lược hàng đầu của Mỹ, nhận định doanh nghiệp Việt chưa xem trọng hệ thống quy chuẩn, ít có nơi nào đặt ra các quy tắc cho doanh nghiệp, nếu có cũng không tuân thủ chặt chẽ. Phát triển không dựa trên năng lực cạnh tranh, dựa trên lợi thế so sánh, sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam không thể có được thương hiệu trên thị trường.
Một khuyết điểm khác của doanh nghiệp Việt được chỉ ra là không xem đào tạo là nhiệm vụ quan trọng. Họ xem đó là một hoạt động chi tiêu mất đi chứ không xem đó là đầu tư. Nhóm nghiên cứu cho rằng, “nếu các doanh nghiệp Việt Nam chưa thay đổi được những điểm này thì đừng nghĩ đến việc ra nước ngoài cạnh tranh với các tập đoàn quốc tế. Vì môi trường kinh doanh, văn hóa, chính sách... ở nước ngoài đều rất khác ở Việt Nam, nếu không thay đổi để thích ứng thì rất khó cạnh tranh”.
Phải có văn hóa kinh doanh
Thực tế đang cho thấy, các nhà quản trị ngày càng thừa nhận những đặc tính tốt của sản phẩm còn quan trọng hơn cả thị phần. Nhưng hiện tại, đa số doanh nghiệp Việt vẫn còn tư duy quản trị theo kiểu cũ, tư duy của thị phần mà chưa nhận thức được tầm quan trọng của chuỗi giá trị gia tăng và sự nỗ lực tạo ra giá trị cho mình để đạt giá trị gia tăng cao và qua đó làm tăng giá trị doanh nghiệp.
Tối 7/11, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ công bố Ngày văn hóa doanh nghiệp Việt Nam - 10/11 và phát động cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”. Thủ tướng nhấn mạnh: Văn hóa doanh nghiệp là linh hồn của thương hiệu, là yếu tố khác biệt bền vững của doanh nghiệp. Một thương hiệu tốt không chỉ là tài sản của doanh nghiệp mà còn là tài sản của quốc gia. Mọi quốc gia đều ra sức bảo vệ những thương hiệu của mình. Đó là lý do Chính phủ kiến tạo ngày nay rất quan tâm đến chủ đề văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh và đạo đức doanh nhân.... Đánh mất văn hóa nói chung và văn hóa doanh nghiệp nói riêng là đánh mất chính mình. Làm gì có tổn thất nào lớn hơn và khó khắc phục hơn là tổn thất đó. Ông bà mình đã từng nói rất đúng: Đánh mất niềm tin là mất tất cả. Văn hóa của doanh nghiệp cũng chính là niềm tin của khách hàng. Văn hóa doanh nghiệp không chỉ là hình ảnh doanh nghiệp mà còn là hình ảnh quốc gia, nhất là khi chúng ta tham gia vào các hiệp định song phương, đa phương… |
Do vậy, muốn phát triển trong bối cảnh hội nhập, doanh nghiệp Việt ngoài chủ động tăng năng lực (về trình độ quản trị, nhân lực, đổi mới công nghệ, chất lượng sản phẩm, uy tín kinh doanh...) thì phải nỗ lực để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Đặc biệt, theo ông Vũ Khoan, để hội nhập và phát triển bền vững, văn hóa kinh doanh cần được doanh nhân và doanh nghiệp đặc biệt chú trọng. “Doanh nhân và doanh nghiệp phải thuyết phục được bạn hàng làm ăn với mình do bản sắc văn hóa tốt của mình. Văn hóa cần phải được thấm vào qua thương trường, qua lịch sử, qua quá trình rèn luyện phấn đấu. Nếu văn hóa làm ăn, văn hóa doanh nghiệp nổi trội lên thì sẽ có nhiều người làm ăn với mình, từ đó mình sẽ giàu lên. Còn bây giờ ví dụ nói về hình ảnh một doanh nhân Việt Nam với nét đặc trưng là gì, không nêu được”.
Trong khi đó, nhìn sang văn hóa kinh doanh của các đối tác, ông Vũ Khoan kể: Nói đến người Nhật Bản là nghĩ ngay đến sự chỉn chu; nói đến người Đức là nghĩ ngay đến đó là người gắn với sự chính xác; người Mỹ thì nghĩ ngay đến đó là người thượng tôn pháp luật; người Hoa nói chung thì rõ nhất là tính cộng đồng.
Để phát triển được văn hóa kinh doanh, theo ông Vũ Khoan, phải có sự cộng hưởng của “3 nhà”: 1) Nhà doanh nghiệp phải lăn lộn trên thương trường, học hỏi bạn hàng, học hỏi các nước khác xem làm ăn như thế nào thì có hiệu quả, tin cậy, có khách hàng… 2) Vai trò của các nhà khoa học, văn hóa (tất nhiên chỉ bổ trợ chứ không thay thế doanh nghiệp được). 3) Vai trò của Nhà nước, hiện ta nói “chính phủ kiến tạo” thì cần có các biện pháp hành lang để kiến tạo văn hóa ấy. “Tức là cái này 3 nhà cùng phải làm, nhưng mà doanh nghiệp là trung tâm, họ phải tự làm lấy, không ai áp đặt được họ” - ông Vũ Khoan lưu ý.
Còn theo TS. Nguyễn Lương Thanh và ThS Võ Thị Kim Tuyến, doanh nhân và doanh nghiệp Việt cần tạo dựng được vị thế trên thương trường là nói tới Việt Nam là phải nói tới hàng hóa có chất lượng, giá cả phải chăng. Đó không chỉ là ở thị trường xuất khẩu mà ngay cả trên thị trường nội địa. “Phải đặt doanh nhân Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu chú đừng chăm chăm nhìn doanh nhân chỉ ở Việt Nam, với bản sắc dân tộc Việt Nam”.
Muốn làm được như vậy, các chuyên gia này cho rằng, Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống luật dân sự bảo đảm điều chỉnh kín kẽ và đồng bộ các quan hệ hàng hóa – tiền tệ trong nền kinh tế; kiểm soát chặt hoặc ngăn chặn tình trạng độc quyền; cần một mức thuế hợp lý trên cơ sở mở rộng diện thu và nuôi dưỡng nguồn thu; đẩy nhanh tiến trình tái cấu trúc doanh nghiệp; xây dựng thương hiệu và quảng bá hình ảnh doanh nghiệp.../.