Điểm sự kiện từ ngày 22/4 đến ngày 28/4/2024
* Trong tuần qua, thông tin về các cuộc xung đột vũ trang tiếp tục được dư luận thế giới quan tâm: Giao tranh giữa Israel và Hezbollah leo thang nguy hiểm ở Trung Đông; Xung đột Hamas-Israel: Saudi Arabia cảnh báo hệ lụy đối với kinh tế toàn cầu; Nga, Belarus, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên tăng cường đối thoại cấp cao; Nga trưng bày ‘chiến lợi phẩm’ mang về từ Ukraine để kỷ niệm Ngày Chiến thắng; 20 binh sĩ thiệt mạng do nổ kho đạn ở Campuchia; Nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến dịch Điện Biên Phủ tại thành phố Saint-Pierre-des-Corps (Pháp)…
- Nga, Belarus, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên tăng cường đối thoại cấp cao
Sự gia tăng công khai về số lượng và tần suất của những cuộc gặp giữa những nước trên là đáng chú ý, thể hiện sự tăng cường đối thoại giữa các bên liên quan nhằm thúc đẩy hợp tác quân sự và chính trị của họ trong cuộc cạnh tranh và đối đầu với phương Tây.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (thứ 5, phải) và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov (thứ 4, trái) tại cuộc hội đàm ở Moskva ngày 18/9/2023. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ ngày 27/4, các cuộc gặp công khai giữa các quan chức Nga, Belarus, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên đã tăng mạnh trong những ngày gần đây, với ít nhất 10 cuộc gặp song phương cấp cao từ ngày 22 đến 26/4, nhấn mạnh mối quan hệ đối tác đa phương ngày càng sâu sắc.
Cụ thể ngày 26/4, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã tham dự cuộc họp giữa các bộ trưởng quốc phòng của thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Astana, Kazakhstan. Nhân dịp này, ông Shoigu đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Đổng Quân (Dong Jun) bên lề sự kiện và nhấn mạnh mức độ “chưa từng có” trong quan hệ Nga - Trung.
Ông Shoigu cũng gặp Bộ trưởng Quốc phòng Iran Mohammed Reza Ashtiani và tuyên bố rằng Moskva sẵn sàng mở rộng hợp tác quân sự và kỹ thuật quân sự Nga - Iran. Ông Đổng Quân và ông Ashtiani đã tổ chức một cuộc gặp song phương và kêu gọi tăng cường hợp tác Trung Quốc - Iran, bao gồm cả lĩnh vực quốc phòng và quân sự.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin cũng đã gặp người đồng cấp Trung Quốc và Iran tại cuộc họp của SCO. Cuộc họp của SCO hôm 26/4 đánh dấu lần đầu tiên Iran tham dự với tư cách là quốc gia thành viên tổ chức này kể từ khi chính thức gia nhập vào tháng 7/2023.
Các cuộc họp của SCO chỉ là sự kiện mới nhất trong một loạt cuộc gặp song phương giữa Nga, Belarus, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên. Thứ trưởng Ngoại giao Nga và Đại diện đặc biệt của Tổng thống Nga tại các nước Trung Đông và châu Phi Mikhail Bogdanov đã gặp Thứ trưởng Ngoại giao Iran phụ trách Chính trị Ali Bagheri Kani tại Moscow vào ngày 26/4.
Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev đã gặp Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Bí thư Ủy ban Chính Pháp Trung ương Trung Quốc Trần Văn Thanh (Chen Wenqing) vào ngày 23/4 tại St. Petersburg và thảo luận về việc tăng cường hợp tác giữa các cơ quan tình báo Nga và Trung Quốc.
Ông Patrushev cũng đã gặp Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Iran Ali Akbar Ahmadian tại St. Petersburg vào ngày 24/4 và họ đã ký một bản ghi nhớ giữa hội đồng an ninh hai nước. Trong khi đó, một phái đoàn Triều Tiên do Bộ trưởng Quan hệ Kinh tế Đối ngoại Yun Jong Ho dẫn đầu đã tới Iran vào ngày 23/4.
Người đứng đầu Cơ quan Hợp tác Quân sự Quốc tế của Bộ Quốc phòng Belarus, Thiếu tướng Valery Revenko đã gặp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Iran và hiệu trưởng Đại học Công nghệ Malek Ashtar Mehdi Jafari vào ngày 22/4 tại Minsk.
Theo ISW, mặc dù chi tiết và kết quả của các cuộc gặp song phương khác nhau này vẫn chưa rõ ràng, nhưng sự gia tăng công khai về số lượng và tần suất của những sự kiện trên là đáng chú ý và thể hiện sự tăng cường đối thoại giữa các bên liên quan nhằm thúc đẩy hợp tác quân sự và chính trị của họ trong cuộc cạnh tranh và đối đầu với phương Tây.
- Ngày 23/4 (giờ địa phương), Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật yêu cầu ứng dụng mạng xã hội cực kỳ phổ biến TikTok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance của Trung Quốc hoặc bị loại khỏi thị trường Mỹ.
Những người sáng tạo nội dung trên TikTok phản đối đạo luật bên ngoài điện Capitol Mỹ ngày 12/3. Ảnh: NY Times |
Quốc hội Mỹ đã thực hiện bước đi quyết định để buộc ByteDance cấm TikTok trên mạng xã hội.
Biện pháp này là một phần của gói viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, bao gồm hỗ trợ quân sự cho Ukraine, Israel và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), hiện đã được Quốc hội thông qua và đã chuyển đến cho Tổng thống Joe Biden ký ban hành.
Các quan chức Mỹ và phương Tây khác đã lên tiếng cảnh báo về sự phổ biến của TikTok với giới trẻ, cáo buộc nó cho phép Trung Quốc thu thập dữ liệu và theo dõi người dùng. Riêng ở Mỹ, đã có đến 70 triệu người dùng ứng dụng chia sẻ video trực tuyến này.
Trước đó, vào ngày 20/4, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật buộc TikTok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc, nếu không sẽ phải đối mặt với lệnh cấm trên toàn nước Mỹ. Những nhà phê bình này cũng cho rằng TikTok là kênh tuyên truyền phục vụ cho Trung Quốc. Phía công ty này và cả Trung Quốc đều phủ nhận mạnh mẽ những tuyên bố nói trên.
Được Thượng viện thông qua với số phiếu 79-18, ba ngày sau khi Hạ viện thông qua với sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng, dự luật có thể kích hoạt bước đi hiếm hoi là cấm một công ty hoạt động tại thị trường Mỹ. Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố rằng ông sẽ ký ban hành thành luật.
TikTok đã kịch liệt phản đối sau cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện ngày 20/4, nói rằng thật không may khi các nhà lập pháp đã tìm cách gây cản trở thông qua một dự luật cấm, điều này "sẽ chà đạp quyền tự do ngôn luận của 170 triệu người Mỹ, tàn phá 7 triệu doanh nghiệp và đóng cửa một nền tảng đóng góp 24 USD tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ hàng năm".
Theo dự luật, ByteDance sẽ phải bán ứng dụng này trong vòng một năm hoặc bị loại khỏi các cửa hàng ứng dụng của Apple và Google ở Mỹ.
Ông Steven Mnuchin, người từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính Mỹ dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump cho biết, ông quan tâm đến việc mua lại TikTok và đã tập hợp một nhóm các nhà đầu tư.
TikTok trong nhiều năm đã nằm trong tầm ngắm của chính quyền Mỹ. Ngay từ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã nhiều lần đe dọa sẽ cấm TikTok, nhưng đến nay vẫn chưa có lệnh cấm chính thức nào được đưa ra.
* Trong tuần qua, Thainguyentv.vn đăng tải nhiều thông tin thời sự trong nước được dư luận xã hội quan tâm: Ban chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để đồng chí Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ; “Ba tăng cường”, “Năm đẩy mạnh” trong chuyển đổi số; phiên đấu thầu vàng miếng sau 11 năm ngưng hoạt động; dịp 30/4-1/5, nắng nóng nhất trong 10 năm qua; hầu hết các địa phương đã công bố lịch và môn thi vào lớp 10; vụ tai nạn lao động nghiêm trọng tại Yên Bái…
- Ngày 26/4/2024, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp xem xét, cho ý kiến và đồng ý cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác đối với đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đồng chí Vương Đình Huệ. Ảnh: TTXVN |
Đồng chí Vương Đình Huệ là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở; được phân công giữ nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, đồng chí đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Những vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Vương Đình Huệ đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân đồng chí. Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, đồng chí đã có Đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác.
Căn cứ quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và xem xét nguyện vọng của đồng chí Vương Đình Huệ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để đồng chí Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
- Tuần qua, trong nước đã diễn ra phiên đấu thầu vàng miếng SJC tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước. Tại phiên đấu thầu lần 1 ngày 23/4 diễn ra sau 11 năm phiên đấu thầu ngưng hoạt động, trong số 11 ngân hàng, doanh nghiệp đấu thầu, chỉ có SJC và ACB trúng thầu 3.400/16.800 lượng vàng miếng, khối lượng vàng miếng của một lô giao dịch là 100 lượng/lô.
Như vậy, có tới 80% khối lượng vàng đấu thầu bị “ế” vì giá cao. Việc Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng ở thời điểm này, khi giá vàng miếng SJC biến động mạnh, khiến nhiều đơn vị tham gia đấu giá cân nhắc.
Tiếp đó, phiên đấu thầu vàng lần 2 ngày 25/4 của Ngân hàng Nhà nước, với khối lượng đấu thầu 16.800 lượng vàng SJC đã bị hủy do chỉ có một đơn vị tham gia. Hầu hết đơn vị tham gia "không thỏa mãn" với mức giá sàn do Ngân hàng Nhà nước công bố, khi xét tới việc phải bỏ ra lượng vốn lớn trong bối cảnh giá vàng thế giới có xu hướng đi xuống.
Một số chuyên gia ngân hàng cho rằng: Muốn giảm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế, nhà điều hành cần bán ra với giá sát hoặc thấp hơn thị trường trong nước. Trường hợp NHNN vẫn đấu thầu như một đơn vị kinh doanh, thay vì vai trò cơ quan quản lý can thiệp thị trường, thì mục tiêu kéo giá vàng SJC gần với giá vàng thế giới chưa thể đạt được. Để phiên đấu thầu vàng thời gian tới hấp dẫn hơn, đại diện các doanh nghiệp kinh doanh vàng đề xuất, Ngân hàng Nhà nước giảm khối lượng mua tối thiểu.
- Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, trong giai đoạn 10 năm qua, chưa có năm nào cả 3 miền Bắc - Trung - Nam cùng xảy ra nắng nóng trong thời gian nghỉ Lễ 30/4 - 1/5 như năm nay.
Nắng nóng gay gắt, có nơi trên 41 độ C. |
Dự báo, tại khu vực Bắc Bộ sẽ có đợt nắng nóng diện rộng, với mức nhiệt ở Đông Bắc Bộ, trong đó có Thủ đô Hà Nội, khả năng cao tới 37 - 38 độ C. Các tỉnh phía Tây Bắc Bộ và các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa vào đến Bình Định, Phú Yên, nhiệt độ khả năng cao 37 - 39 độ C. Khu vực miền núi phía Tây Thanh Hóa đến Quảng Ngãi nhiệt độ khả năng lên tới 39 - 41 độ C. Còn khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ trong những ngày nghỉ lễ cũng xảy ra nắng nóng. Ở khu vực Tây Nguyên, nhiệt độ có thể lên tới 35 - 37 độ C, Nam Bộ nhiệt độ từ 36 - 38 độ C.
Thời gian tới, hiện tượng dông lốc, sét, mưa đá có thể xuất hiện ở Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ vì đây là giai đoạn giao mùa. Đặc biệt, dự báo năm nay với nền nhiệt cao hơn trung bình nhiều năm thì hiện tượng này sẽ mãnh liệt hơn so với trung bình nhiều năm.
- Tuần qua, gần hết các địa phương trên cả nước công bố phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025 với ba môn Toán, Văn, Tiếng Anh. Tại TP Hồ Chí Minh, lịch thi lớp 10 công lập vào ngày 6 - 7/6. Tại Hà Nội, thời gian tổ chức kỳ thi diễn ra vào ngày 8 - 9/6.
Bài thi môn Toán và Ngữ văn thi theo hình thức tự luận; bài thi môn Ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Với bài thi môn Ngoại ngữ, thí sinh đăng ký một trong các thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hàn. Điểm xét tuyển bằng tổng điểm môn Toán và Ngữ văn nhân hệ số 2, cộng điểm ngoại ngữ và điểm ưu tiên (nếu có). Mỗi thí sinh được đăng ký tối đa ba nguyện vọng, trong đó nguyện vọng 1 và 2 phải thuộc khu vực tuyển sinh, nguyện vọng 3 thuộc khu vực bất kỳ. Điểm trúng tuyển nguyện vọng 2 và 3 phải cao hơn 1 và 2 điểm so với nguyện vọng 1.
* Trong tuần Thainguyentv.vn cập nhật các hoạt động, sự kiện nổi bật trong tỉnh trong chương trình Thời sự, các bản tin, chuyên mục, chuyên đề... với nhiều tin đáng chú ý: Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 68 - khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025; Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 32: Cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng; Đoàn ĐBQH tỉnh đã tiếp xúc cử tri các địa phương; Kỳ họp thứ Mười tám, HĐND tỉnh thông qua 14 nghị quyết quan trọng; Nhiều hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng ĐBP; Phát động Tháng Công nhân, tôn vinh công nhân viên chức lao động tiêu biểu năm 2024; Khai mạc Mùa du lịch năm 2024; Giải Cờ tướng Bát kiệt - Hương trà Thái Nguyên;…
- Ngày 22/4, sau Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đã chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 32, khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025.
Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 32, khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025 |
Trên cơ sở thảo luận kỹ lưỡng, cũng như tiếp tục lắng nghe các cơ quan chuyên môn như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nhgiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư giải trình, làm rõ một số nội dung liên quan về điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất, các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh; điều chỉnh chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn (đoạn qua địa phận tỉnh Thái Nguyên). Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất cao về mặt chủ trương đối với các nội dung được thảo luận, cho ý kiến, đồng thời đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh rà soát thận trọng, kỹ lưỡng đối với việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch đầu tư công năm 2024. Việc phân bổ vốn phải bảo đảm đúng nguyên tắc, tiêu chí, định mức, đúng đối tượng, đúng mục đích, đầy đủ thủ tục đầu tư theo quy định.
Kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, các cơ quan tham mưu, giúp việc UBND tỉnh tiếp tục tiếp thu, bố sung đẩy đủ các ý kiến thảo luận, hoàn thiện hồ sơ, nội dung văn bản bảo đảm đúng chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trước khi trình tại Kỳ họp thứ 18 (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh khoá XIV xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Đối với các các nhiệm vụ công tác trong thời gian tới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các Ban Xây dựng Đảng, các Chi, Đảng bộ trực thuộc tập trung làm tốt công tác về Tổ chức cán bộ, Tuyên giáo, Dân vận, Kiểm tra theo chương trình nhiệm vụ đã được Ban chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua. Trong đó chú trọng thực hiện tốt các nội dung tuyên truyền, tổ chức kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tổ chức thành công tác sự kiện thể thao, văn hóa cấp khu vực và toàn quốc do tỉnh Thái Nguyên đăng cai góp phần quảng bá, thu hút, phát triển du lịch, dịch vụ góp phần thúc đảy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
- Chuẩn bị cho kỳ họp thứ bảy, QH khóa XV, trong tuần qua, đoàn ĐBQH tỉnh đã tiếp xúc cử tri chuyên đề để lấy ý kiến góp ý về một số dự thảo Luật.
Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên tiếp xúc cử tri huyện Phú Bình |
Đối với Dự thảo Luật công nghiệp Quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, một số cư tri kiến nghị Bộ quốc phòng một số nội dung đề nghị xem xét, cho phép tăng chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển chọn công nhân viên quốc phòng, quân nhân chuyên nghiệp hàng năm cho các nhà máy trong tổng cục; Tiếp tục có cơ chế cụ thể để thực hiện chính sách nhà ở, đất ở trong quân đội; Tăng cường cơ chế chính sách quy định trong phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức cá nhân phù hợp với điều kiện của nền kinh tế,
Còn các cử tri ngành y tế đã kiến một số vấn đề như: Đề xuất Bộ Y tế sớm xây dựng và ban hành định mức kinh tế kỹ thuật tiến tới tính đúng, tính đủ giá dịch vụ kỹ thuật để các cơ sở khám, chữa bệnh có thể tự chủ tài chính; Điều chỉnh thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công là động sản đối với Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Sở có giá trị dưới 1 tỷ đồng/1 đơn vị tài sản hoặc gói thầu mua sắm có nhiều tài sản để đơn vị chủ động; Có định hướng cho đội ngũ y sỹ đặc biệt là Y sĩ y học cổ truyền để phù hợp với mục tiêu chăm sóc bảo vệ sức khoẻ nhân dân tại tuyến y tế cơ sở.
Một số kiến nghị, đề xuất của các cử tri đã được các sở, ngành chức năng trả lời. Những kiến nghị không thuộc thẩm quyền sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp, nghiên cứu để trình tại kỳ họp QH sắp tới. Cùng với đó, các thành viên trong Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiến hành tiếp xúc cử tri các địa phương để thông tin dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.
- HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức Kỳ họp thứ Mười tám (Kỳ họp chuyên đề) để xem xét và quyết định nhiều nội dung quan trọng theo thẩm quyền.
Tại Kỳ họp này, HĐND tỉnh xem xét, thảo luận, quyết định 14 nội dung do Thường trực HĐND tỉnh và UBND tỉnh trình. Trong đó có nhiều nội dung quan trọng, có tác động lớn tới sự phát triển của tỉnh, như: Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của tỉnh Thái Nguyên; Tờ trình điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch đầu tư công tỉnh Thái Nguyên năm 2024; Tờ trình chủ trương đầu tư Dự án đường nối từ tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc đến Cụm công nghiệp Tân Phú; các tờ trình về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án. Với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm cao, trên cơ sở tờ trình của UBND tỉnh, báo cáo thẩm tra của các Ban của HĐND tỉnh, báo cáo giải trình của UBND tỉnh và ý kiến thảo luận tại Kỳ họp, HĐND tỉnh đã thống nhất thông qua 14 nghị quyết với sự nhất trí cao của đại biểu HĐND tỉnh tham dự.
- Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tuần qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh Thái Nguyên long trọng tổ chức Chương trình "Gặp mặt Chiến sĩ Điện Biên, TNXP, Dân công hỏa tuyến, thân nhân liệt sĩ trực tiếp tham gia Chiến dịch lịch sử này.
Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tặng quà cho các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. |
Tại chương trình, tỉnh Thái Nguyên đã trao tặng phần quà từ quỹ Đền ơn đáp nghĩa và của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, thân nhân liệt sĩ trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Đó là tấm lòng tri ân, sự biết ơn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Nguyên đối với công lao to lớn của các liệt sĩ, chiến sĩ đã không tiếc xương máu bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc. Cùng với đó, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức đoàn dâng hương, tri ân các anh hùng liệt sỹ hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ tại các nghĩa trang liệt sỹ tại tỉnh Điện Biên, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như: tặng quà, động viên, thăm hỏi các gia đình chiến sỹ Điện Biên, TNXP, dân công hỏa tuyến trên địa bàn.
- Ngày 25/4, tỉnh Thái Nguyên tổ chức Khai mạc Mùa du lịch năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”. Tham dự chương trình có đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hiệp hội Du lịch Việt Nam; lãnh đạo một số tỉnh tham gia kí kết du lịch.
Các đại biểu ấn nút khai mạc Mùa du lịch năm 2024. |
Với nhiều hoạt động hấp dẫn, mới mẻ, nhằm thu hút du khách như: Chương trình Nghệ thuật chào mừng, khiêu vũ thể thao; tổ chức trưng bày quảng bá sản phẩm, văn hóa trà và trình diễn văn hóa phi vật thể; Biểu diễn đua thuyền hiện đại, trưng bày ảnh đẹp về văn hoá, du lịch Thái Nguyên, trình diễn, chế biến các món ăn đặc trưng của Thái Nguyên … Đặt biệt với điểm nhấn hoạt động trải nghiệm du thuyền trên Hồ và không gian trải nghiệm Khinh khí cầu đầu tiên tại Thái Nguyên, buổi lễ Khai mạc Mùa Du lịch năm nay để lại nhiều ấn tượng đối với du khách trong và ngoài nước.
- Lần đầu tiên tổ chức, giải Cờ tướng Bát kiệt - Hương trà Thái Nguyên diễn ra với 16 màn so tài đỉnh cao của các kỳ thủ thuộc nhiều thế hệ vận động viên khác nhau, 04 kỳ thủ lọt vào vòng sau cùng thuộc đủ 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Các trận đấu có sức hấp dẫn, kịch tính. Giải đấu đã khép lại thành công, để lại nhiều dấu ấn về chuyên môn lẫn công tác tổ chức. Không chỉ là giải thi đấu thể thao mà đây còn là sự kiện mang đậm nét văn hóa, trí tệ Việt Nam dành cho người yêu cờ tướng./.