Dạy nghề cho người nghèo: Biện pháp giảm nghèo bền vững
Vượt qua chừng hơn 40km, trước mắt chúng tôi, bên cạnh cánh đồng lúa đang lên xanh mướt là Trường Trung cấp nghề Nam Thái Nguyên khá khang trang sạch sẽ. Tại đây đang có một lớp học may công nghiệp dành cho đối tượng người nghèo.
Trường Trung cấp nghề Nam Thái Nguyên, nơi thực hiệndự án dạy nghề cho người nghèo. |
Gặp gỡ Ban lãnh đạo của trường và các giáo viên để tìm hiểu chúng tôi được biết: Chương trình hỗ trợ dạy nghề cho người nghèo đã được triển khai từ năm 2007 ở Phổ Yên với 2 lớp dạy nghề mây tre đan ban đầu. Kinh phí hỗ trợ cho hai lớp học này là 99 triệu đồng. Năm 2008 cũng có hai lớp dạy nghề với số kinh phí được cấp 100 triệu đồng. Còn năm 2009 này, Nhà trường được cấp kinh phí 250 triệu đồng cho 4 lớp dạy nghề cho người nghèo.
Các lớp đào tạo nghề cho người nghèo chủ yếu tập trung ở nghề mây tre đan, chăn nuôi thú y, điện dân dụng và may công nghiệp. Lý do các nghề trên được chọn để đào tạo cho người nghèo bởi đó là những nghề tương đối dễ học, học xong dễ kiếm việc làm có thu nhập và thời gian đào tạo ngắn, phù hợp với các học viên là người nghèo có trình độ học vấn không cao. Điều này được chứng minh qua thực tế, và đó chính là sự nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu của những người làm công tác đào tạo nghề cho người nghèo.
Ngay tại lớp học may công nghiệp ở Trường, chúng tôi tiếp xúc và chuyện trò với các học viên là các bạn trẻ có độ tuổi từ 16 đến 22, hiểu thêm về hoàn cảnh của các bạn. Bằng các nguồn thông tin khác nhau, người thì do bạn giới thiệu, người được người thân đang theo học giới thiệu, người lại được chính quyền, đoàn thể ở địa phương thông báo về chương trình dạy nghề cho người nghèo, họ đã đến với lớp học.
Các bạn trẻ cần mẫn trong Lớp dạy nghề may công nghiệp học tại Trường Trung cấp nghề Nam Thái Nguyên. |
Là học viên của lớp đào tạo nghề cho người nghèo nên tất cả các bạn học viên này đều được miễn phí đào tạo, được hỗ trợ 10.000đ/ngày, học xong được thi cấp chứng chỉ nghề và được giới thiệu định hướng việc làm tới các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, để được theo học, mọi người đều phải qua xét duyệt, phải có giấy chứng nhận người nghèo do chính quyền xã cấp.
Trong câu chuyện với bạn trẻ Trần Thị Hiền (xã Đắc Sơn huyện Phổ Yên), cô cho biết năm nay mới 17 tuổi, học hết lớp 9 thi vào THPT không đỗ, nhà lại khó khăn nên khi được chị họ cũng đang học ở lớp dạy nghề giới thiệu, cô đã hưởng ứng ngay. Còn bạn Phạm Quỳnh Nga ở xã Tiên Phong – Phổ Yên thì khi học hết cấp II đã quyết định nghỉ học, dù bố mẹ vẫn cố gắng tạo điều kiện cho em đi học. Nga nói em học cũng yếu nên tốt nhất là đi học nghề để có thể kiếm được việc làm góp phần giúp dỡ cha mẹ.
Chị Trần Thị Ngọc Lan hiện đang là giáo viên quản lý và trực tiếp giảng dạy lớp học nghề may nhận xét: Các em đều ngoan, chịu khó học hỏi, về khả năng thực hành khá tốt, tuy tiếp thu lý thuyết thì có hơi chậm. Các lớp may công nghiệp đều có việc làm ngay bởi nhu cầu lao động của các doanh nghiệp may hiện nay khá cao. Sau một thời gian hoạt động chìm lắng do suy thoái kinh tế, nay các doanh nghiệp đang dần hồi phục sau gói kích cầu của Chính phủ nên cần nhiều lao động mới.
Khác với lớp học may công nghiệp chỉ toàn các bạn trẻ và học tại Trường, lớp học chăn nuôi thú y có các học viên đều đã trung, cao tuổi và được tổ chức học tại cơ sở xóm, xã.
Đến thăm gia đình anh Lê Văn Đĩnh ở xóm Tơm xã Thành Công – một học viên lớp dạy nghề cho người nghèo năm 2008 anh cho biết: Em học nghề điện, học xong đi làm thuê gần một năm sau đó em mạnh dạn vay vốn từ họ hàng, vay vốn ngân hàng đầu tư một cửa hàng nho nhỏ với số vốn 30 triệu đồng, trong đó riêng đầu tư cho nghề điện 10 triệu đồng. Nay em cũng thu được khoảng 3 triệu/tháng. Trừ chi phí cho thuế, lãi ngân hàng khoảng trên 200.000/tháng thì số còn lại cũng tạm đủ cho cuộc sống và trang trải dần số vốn đã vay.
Anh Lê Văn Đĩnh ở xóm Tơm xã Thành Công đã thoát nghèo nhờ lớp học nghề điện dân dụng. |
Còn tại xóm Bến Chảy xã Vạn Phái, chúng tôi được chứng kiến một lớp học đan hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu đang được chị em tham gia rất nhiệt tình. Trong lớp học tự tổ chức này có nhiều chị đã được đào tạo bởi lớp học dành cho người nghèo như chị Ngô Thị Minh. Theo chị Minh thì tuy làm hàng thủ công không thể nói là có thể làm giàu nhưng cũng góp phần giảm bớt khó khăn cho các chị - những người phụ nữ lam lũ tảo tần. Hàng thủ công các chị làm được doanh nghiệp Bình Định xã Hồng Tiến huyện Phổ Yên cung cấp nguyên liệu và bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Tập đan sản phẩm mỹ nghệ xuất khẩu theo mẫu hàng mới. |
Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, dạy nghề cho người nghèo là một dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010 được Sở LĐTB-XH tỉnh Thái Nguyên triển khai từ năm 2007 đến nay tại 9 huyện, thành, thị trong tỉnh, qua đó giải quyết được một phần đối tượng nghèo có việc làm, tăng thu nhập và dần tiến tới thoát nghèo. Huyện Phổ Yên được coi là một trong những địa phương làm tốt công tác này, mà những trường hợp chúng tôi gặp gỡ nêu trên chỉ là một vài ví dụ minh chứng cho kết quả ban đầu mà dự án đem lại.
Trở lại trường Trung cấp nghề Nam Thái Nguyên, trao đổi với ông Nguyễn Đại Minh, hiệu trưởng nhà Trường ông cho rằng: Bên cạnh những điệu kiện thuận lợi như cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được quan tâm, đáp ứng nhu cầu giảng dạy và ưu tiên cho các lớp đạo tạo nghề cho người nghèo thì cũng còn những khó khăn nhất định. Đó là khó khăn trong khâu tuyển sinh bởi do nhận thức của nhân dân, mà đặc biệt là người nghèo còn hạn chế, mang nặng tư tưởng khoa bảng. Sự phối kết hợp giữa các bên liên quan là Nhà nước, Nhà trường và Nhà doanh nghiệp chưa nhịp nhàng, đồng bộ: Cụ thể là các doanh nghiệp khi đầu tư thì hứa sẽ nhận lao động tại địa phương bị thu hồi đất cho dự án nhưng về cơ bản là sử dụng được ít hoặc không sử dụng được lao động tại chỗ bởi nhiều lý do chủ quan, khách quan. Nhà trường đào tạo lao động cho doanh nghiệp cũng chưa được nhiều...
Phổ Yên là huyện cửa ngõ phía nam của tỉnh Thái Nguyên với nhiều tiềm năng phát triển kinh tế xã hội theo hướng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Toàn huyện hiện có gần 150 nghìn dân, trong đó số người ở độ tuổi lao động chiếm 59%. Tuy nhiên đại đa số lực lượng lao động trên lại nằm trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp với tỷ lệ lên tới 70%. Đây cũng chính là một trong nhiều nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ hộ nghèo của huyện Phổ Yên còn chiếm tới trên 14%. Vậy nên theo ông Nguyễn Văn Chính, Phó chủ tịch UBND huyện thì việc đào tạo nghề cho người nghèo luôn là một nhiệm vụ quan trọng của đảng bộ và chính quyền địa phương, được đặt ra trong Nghị quyết của HĐND huyện. Được đào tạo người lao động có thể vào làm việc tại các khu, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất hay áp dụng tại gia đình để phát triển kinh tế.
Thực tế cho thấy từ khi thực hiện dự án hỗ trợ học nghề cho người nghèo đến thời điểm này, các ngành nghề do Trường Trung cấp nghề Nam Thái Nguyên đào tạo đã đáp ứng mọt phần nhu cầu học nghề của đối tượng nghèo trong huyện, đặc biệt là các xã cùng sâu vùng xa. Điều ý nghĩa nhất là sau mỗi khóa học ngắn hạn các học viên đều nhận được sự tư vấn, giới thiệu công việc đảm bảo được lao động bằng chính nghề của mình đã học, có thu nhập và thoát nghèo.
Tính đến nay, sau hơn 2 năm tham gia dự án “hỗ trợ học nghề cho người nghèo” Trường Trung cấp nghề Nam Thái Nguyên đã tổ chức thành công 6 lớp học cho 180 học viên là đối tượng hộ nghèo với 4 ngành nghề là may công nghiệp, mây tre đan, chăn nuôi thú y và điện dân dụng. Riêng trong năm 2009 này có 4 lớp đào tạo theo các ngành nghề nói trên, được mở cho khoảng 250 học viên là đối tượng nghèo.
Từ năm 2007 đến nay Sở Lao động Thương binh xã hội đã được Nhà nước giao kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng để thực hiện Dự án dạy nghề cho đối tượng nghèo trên phạm vi toàn tỉnh. Trong đó chương trình đặc biệt quan tâm đến các xã vùng sâu vùng xa có tỷ lệ hộ nghèo cao, có nhiều người dân tộc thiểu số. Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện đã có 51 lớp học với các ngành nghề phù hợp được triển khai, giải quyết được cho trên 2.400 người nghèo có nghề.
Cùng với huyện Phổ Yên, một số huyện như Phú Lương, Định Hóa, Đại Từ cũng đã làm tốt công tác dạy nghề cho đối tượng nghèo. Một điều đáng mừng là trong tổng số 2.400 người sau khi được đào tạo nghề có đến trên 60% đã ổn định cuộc sống và thoát nghèo. Từ đó bộ mặt các xã nghèo có nhiều thay đổi, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt.
Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận là hiện nay số người nghèo đang chưa có việc làm và chưa được học nghề vẫn còn chiếm tỷ lệ khá lớn. Điều này đòi hỏi các cấp các ngành và các địa phương cần tiếp tục có sự quan tâm, tạo nhiều cơ hội hơn cho người nghèo, (đặc biệt là người cận nghèo) có nghề để tìm việc làm ổn định lâu dài, góp phần ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế cho gia đình và xã hội.
Rời Phổ Yên trong ánh hoàng hôn mùa Hạ, hình ảnh chiếc cầu treo tròng trành lắt lẻo và hình ảnh những người phụ nữ lam lũ với đôi bàn tay thô ráp đang tập làm những sản phẩm thủ công bằng cói cứ bám riết trong tôi. Người nghèo sẽ vươn lên thoát nghèo khi những chủ trương chính sách lớn về xóa đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước được triển khai kịp thời một cách đồng bộ và có hiệu quả. Để làm được điều ấy, trong quá trình thực hiện ngoài sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và các địa phương còn rất cần sự nỗ lực, cố gắng của chính những người nghèo, cùng với sự chung tay, góp sức của toàn xã hội. Thực hiện dạy nghề cho người nghèo hiệu quả, giúp họ tự vươn lên chính là biện pháp giảm nghèo bền vững./.
Bài và ảnh: Duy Hưng