Căng thẳng Mỹ-Triều leo thang, bên nào sẽ “ra tay” trước?
Màn “kiên nhẫn chiến lược” đầy cân não
Theo các chuyên gia, việc xác định bên nào có ý định “tuốt gươm” trước là hết sức khó khăn bởi cho đến thời điểm này, cả Mỹ và Triều Tiên đều cáo buộc bên kia chủ định khiêu khích và mình chỉ hành động đáp trả nếu cảm thấy bị đe dọa.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters |
Mới đây nhất, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho khẳng định chính Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công khai gây chiến trước với Triều Tiên. Ông Ri Yong Ho cảnh báo, Triều Tiên sẽ “đánh chìm bất kỳ tàu sân bay và bắn hạ bất kỳ máy bay ném bom nào của Mỹ bay qua khu vực dù các tàu sân bay và máy bay ném bom đó không xâm phạm không phận và hải phận Triều Tiên”.
“Cả thế giới cần nhớ rõ rằng, chính Mỹ mới là nước lên tiếng đầu tiên về việc gây chiến với chúng tôi”, ông Ri Yong Ho tuyên bố trước các phóng viên bên lề cuộc họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 25/9.
Lời khẳng định của ông Ri Yong Ho không phải không có lý khi chính Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó chia sẻ trên Twitter rằng, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un “sẽ không tồn tại được lâu” nếu nước này dám tấn công các mục tiêu trên đất Mỹ như nước này đã đe dọa.
Đáp lại, ông Ri Yong Ho thách thức: “Câu hỏi về việc ai mới không tồn tại được lâu sẽ sớm có lời giải đáp. Trước tuyên bố gây chiến của Tổng thống Mỹ Donald Trump, các tướng lĩnh Triều Tiên đã chuẩn bị sẵn mọi phương án quân sự để đệ trình lên nhà lãnh đạo Kim Jong-un”.
Về phần mình, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders lên tiếng khẳng định, Mỹ không phải là bên khiêu chiến trước và gọi lời cáo buộc của ông Ri Yong Ho là “hết sức bất thường”.
Mỹ lo ngại khả năng tính toán sai lầm
Dù Tổng thống Donald Trump lớn tiếng dọa nạt Triều Tiên, chính Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ H.R. McMaster đã phải lên tiếng thừa nhận, Mỹ không dễ dàng gì có thể “tuốt gươm” với Triều Tiên.
“Chúng tôi không cho rằng Mỹ sẽ có một giải pháp quân sự dễ dàng cho vấn đề Triều Tiên. Mỹ chưa có được phương án tấn công một cách chính xác để giải quyết việc này mà không gây tổn hại cho các đồng minh”, ông McMaster nhấn mạnh.
Theo ông H.R. McMaster, vấn đề Triều Tiên chỉ có thể giải quyết được nhờ nỗ lực của cộng đồng quốc tế. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ cũng cảnh báo về nguy cơ căng thẳng Mỹ-Triều bị đẩy lên quá nóng khiến nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể đưa ra những quyết định vội vã.
Triều Tiên toan tính gì khi vẫn án binh bất động?
Trái với sự lo ngại của ông McMaster, Triều Tiên đã không có động thái bất thường nào khi Mỹ triển khai các máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-1B Lancer và chiến đấu cơ F-15 bay dọc theo bờ biển phía Đông của Triều Tiên.
Giới chức tình báo Hàn Quốc cho biết, trước màn “phô trương thanh thế” trực tiếp của Mỹ, Triều Tiên chỉ điều chỉnh lại vị trí của một số chiến đấu cơ và tăng cường năng lực phòng vệ bờ biển của mình chứ không tiến hành đánh trả như đã đe dọa.
Cũng theo giới tình báo Hàn Quốc, các binh sĩ Triều Tiên đã nhận được lệnh không gây ra bất kỳ đụng độ quân sự “không mong muốn nào” dọc khu vực biên giới liên Triều và “phải báo cáo trước khi tiến hành bất kỳ một biện pháp quân sự nào”.
Dù vậy, Phó Chủ tịch Trung tâm Phân tích Chiến lược Stratfor Rodger Baker vẫn bày tỏ lo ngại, động thái này của Triều Tiên trong bối cảnh căng thẳng hiện nay có thể dẫn tới những “xung đột không đáng có”.
“Cả Mỹ và Triều Tiên đều chưa từng phải đối mặt với những tình huống tương tự trong quá khứ và họ cũng không rõ phải hành xử với nhau như thế nào trong trường hợp này. Rất có thể họ sẽ “đọc sai” tín hiệu mà đối phương muốn truyền đi và giao tranh có thể nổ ra ngoài mong muốn”, ông Baker nói.
Tuy nhiên, ông Baker cũng lên tiếng trấn an rằng, cho đến thời điểm này, cả Mỹ và Triều Tiên đều chưa triển khai binh sĩ rầm rộ và sơ tán dân thường- những chỉ dấu xuất hiện nếu cả hai bên sẵn sàng cho một cuộc chiến thực sự.
Trong khi đó, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Viện Lowy Euan Graham lại cho rằng, việc Mỹ chỉ có thể “đe dọa suông” đối với Triều Tiên sẽ khiến uy tín của họ trong mắt Triều Tiên và các đồng minh bị tổn hại nghiêm trọng.
“Khó có khả năng Mỹ tiến hành một cuộc chiến nhằm phủ đầu Triều Tiên. Điều này khiến Triều Tiên có thể “được đà lấn tới” và khiến những lựa chọn của Mỹ trong việc hành xử đối với Triều Tiên ngày một thu hẹp lại”, ông Euan Graham nhấn mạnh./.
Trần Khánh/VOV.VN