Căng thẳng Mỹ - Triều: Cửa hẹp cho đàm phán?
Tuy nhiên, khả năng khôi phục đàm phán chính thức như kỳ vọng của cộng đồng quốc tế giống như những gì đạt được với Iran cách đây 2 năm lại vấp phải một thực tế là Triều Tiên tới nay vẫn quyết không chịu từ bỏ chương trình tên lửa của mình.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Joseph Dunford (trái) bắt tay Tư lệnh Chiến khu Bắc, Tống Phổ Tuyển trong chuyến thăm Trung Quốc tháng 8/2017. (Ảnh: AP) |
Căng thẳng Mỹ và Triều Tiên đã chứng kiến giai đoạn leo thang chưa từng có, với việc các bên không ngừng đưa ra những cảnh báo trả đũa lẫn nhau. Nhưng mặt khác, thời gian qua, các nhà ngoại giao Mỹ và Triều Tiên cũng đã có những cuộc tiếp xúc không chính thức bên lề Liên Hợp Quốc, được gọi với cái tên “kênh New York” hoặc trong khuôn khổ những cuộc gặp do các viện chính sách Mỹ tổ chức.
Nếu viễn cảnh một cuộc đối thoại được nối lại giữa Mỹ và Triều Tiên, thì có lẽ sẽ bắt đầu ở cấp độ này. Những cuộc thảo luận không chính thức tương tự cũng từng diễn ra với Iran trước các cuộc đàm phán chính thức được mở tại Geneva (Thụy Sĩ) và Vienne (Áo).
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, hôm 22/8 đã hoan nghênh “sự kiềm chế ở một mức độ nào đó” của Triều Tiên khi tới nay vẫn chưa có bất kỳ hành động đáp trả nào đối với cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn như vẫn tuyên bố. Mỹ hi vọng đây là sự khởi đầu của một tín hiệu mà cộng đồng quốc tế vẫn luôn chờ đợi, có thể là phác thảo đầu tiên của một con đường hướng tới đối thoại.
Trước đó hôm 7/8, phát biểu tại thủ đô Manila, Philippines, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cũng đề cập sự tồn tại của “những kênh liên lạc với Triều Tiên nhằm xác định liệu họ có muốn đàm phán hay không”.
“Tín hiệu tốt nhất mà Triều Tiên có thể phát đi đó là cho thấy sự sẵn sàng đối thoại, sẵn sàng chấm dứt các vụ thử tên lửa”, ông Tillerson nói. “Như các bạn biết, thời gian qua, Triều Tiên đã liên tục có những hành động khiêu khích và vì thế hành động tại Liên Hợp Quốc có thể xem là câu trả lời mạnh mẽ nhất gửi tới Triều Tiên. Dĩ nhiên, chúng tôi cũng có những kênh liên lạc khác nhau dành cho Triều Tiên nhằm xác định xem liệu hiệu có muốn đàm phán hay không?”
Ban đầu, Trung Quốc, với sự ủng hộ của Nga đã đề xuất Mỹ chấm dứt các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc và Triều Tiên cũng ngừng các vụ phóng tên lửa để tạo nền tảng cho việc nối lại đàm phán 6 bên bị ngưng trệ từ năm 2010.
Trong khi phía Triều Tiên dường như cho thấy nước này không có ý định phản đối đề xuất thì Mỹ dù vẫn kiên quyết cho rằng, hoạt động quân sự chung giữa nước này với Hàn Quốc là hợp pháp, song cũng đã cắt giảm số binh sĩ tham gia.
“Chúng tôi hi vọng các bên liên quan tiếp tục cho thấy sự kiềm chế và đưa ra những quyết định mang tính then chốt, những quyết định đúng đắn thể hiện trách nhệm với chính người dân của mình, cũng như hòa bình và ổn định khu vực, cũng như có những hành động giúp làm giảm căng thẳng và giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên theo một con đường tích cực hơn” - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nói.
Tuy nhiên, cách tiếp cận mới của Mỹ cho rằng có thể “lái” Trung Quốc đi theo ý mình trong hồ sơ Triều Tiên không phải là một giải pháp lâu dài.
Bởi nếu Trung Quốc càng xích lại gần Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong vấn đề này thì Triều Tiên sẽ càng cảm thấy sở hữu vũ khí hạt nhân là cần thiết. Nước này vẫn đang tự trang bị sức mạnh tấn công bằng vũ khí hạt nhân và đây là một quá trình, chứ không phải một trạng thái.
Dù tới nay, Triều Tiên mới chỉ thành công ở khoảng cách gần và với tốc độ tên lửa thấp, nhưng giới chuyên gia Mỹ thừa nhận, đây chỉ là vấn đề thời gian. Ngày 24/8, Triều Tiên đã công bố một loạt bức ảnh cho thấy nước này đang phát triển một tên lửa liên lục địa mới, mạnh hơn tất cả các loại tên lửa mà nước này đã thử nghiệm tới nay.
Cựu đặc phái viên của Mỹ tham gia vòng đàm phán 6 bên về Triều Tiên Joseph DeTrani cho rằng, đã đến lúc các bên phải hạ nhiệt căng thẳng để nhường chỗ cho giải pháp ngoại giao.
Tuy nhiên, chỉ ngoại giao sau cánh gà thôi là không đủ để chính quyền Mỹ và Triều Tiên đạt được nhận thức chung. Các bên cần phải nâng cấp đối thoại để tránh cho những mâu thuẫn nhỏ bị leo thang thành xung đột lớn dù là về quân sự hay ngoại giao.
Mỹ có lẽ là nước hiểu rõ nhất rằng, chiến tranh sẽ không mang lại lợi ích cho bất kỳ bên nào. Bài học lớn nhất của Mỹ là việc nước này đã mất tới 50.000 người trong chiến tranh Triều Tiên vào những năm 1950.
Giải pháp tốt nhất cho cuộc khủng hoảng Triều Tiên hiện nay vẫn là một chương trình thảo luận đa phương, như đã làm với Iran. Nhưng con đường này cũng không hề ít chông gai và cần quyết tâm rất lớn từ các bên.
Bởi khác với Iran, Triều Tiên coi vũ khí hạt nhân là niềm tự hào dân tộc và không dễ gì buộc nước này lui bước, nhất là khi Triều Tiên đã đạt được những bước tiến lớn trong chương trình tên lửa và hạt nhân./.