Xác định thiệt hại điểm nghẽn trong bồi thường oan sai
Chúng ta đã từng biết đến nhiều vụ án oan sai nổi tiếng như vụ ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận, ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, ông Trần Văn Thêm ở Bắc Ninh, ông Lương Ngọc Phi ở Thái Bình với hành trình dài đi tìm công lý của những người bị hại và người thân của họ. Những thiệt hại, mất mát mà họ phải gánh chịu là rất lớn và không dễ đo đếm, bù đắp được. Tưởng rằng những thiệt hại đó sẽ được bù đắp phần nào khi có Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, song trên thực tế, sau hành trình dài đi tìm sự thật của vụ án để được minh oan, họ lại bước vào hành trình mới đầy gian nan, khó khăn không kém, đó là yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Thời gian kéo dài, thủ tục phức tạp, trách nhiệm chứng minh thiệt hại thuộc về người bị hại. Không ít trường hợp, người bị oan sai đã chết mà tiền bồi thường vẫn chưa nhận được. Thực tế này được các nhà làm luật và những người thực thi pháp luật nhìn thấy rõ, nhưng việc hoàn thiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để khắc phục tồn tại vừa nêu là điều không dễ dàng.
Phóng viên VOV trao đổi với Thạc sĩ Luật học Ngọ Duy Hiểu, Thành ủy viên, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội |
Phóng viên VOV có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Luật học Ngọ Duy Hiểu, Thành ủy viên, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội.
Chỉ người bị hại mới hiểu rõ thiệt hại mình phải chịu
PV: Thưa ông, khi cho ý kiến dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sửa đổi, ông Tống Anh Hào, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, cho rằng: cái khó là chứng minh thiệt hại chứ không phải các cơ quan không muốn bồi thường mà kéo dài?
Ông Ngọ Duy Hiểu: Chứng minh thiệt hại trong các vụ án dân sự nói chung và trong các vụ việc bồi thường thiệt hại do oan sai nói riêng luôn là vấn đề khó, phức tạp trong thực tế.
Chúng ta có Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước muộn hơn so với nhiều nước trên thế giới (năm 2009 mới có Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước). Một vấn đề vốn đã phức tạp, nhạy cảm, trong khi lại chưa có luật, chưa có nhiều kinh nghiệm nên nhiều bất cập xảy ra trong thực tế là điều dễ hiểu.
Tôi nghĩ rằng, việc chứng minh thiệt hại, xác định thiệt hại cũng như lỗi, mức độ lỗi của cá nhân, tổ chức gây oan sai là điểm nghẽn trong việc thực hiện bồi thường oan sai cho người bị hại. Đó cũng là một trong nhiều lý do mà chúng ta quyết định sửa đổi Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước dự kiến sẽ được Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 và thông qua tại kỳ họp thứ 3.
PV: Theo quy định hiện hành, người bị thiệt hại phải chứng minh được thiệt hại. Nhưng việc đòi hỏi có hoá đơn, chứng từ có hợp lý hay không? Trong khi oan sai là do người thi hành công vụ gây ra, thưa ông?
Ông Ngọ Duy Hiểu: Quan điểm pháp lý chung của Việt Nam đối với vấn đề yêu cầu bồi thường thiệt hại, bao giờ nghĩa vụ chứng minh cũng thuộc về người bị hại. Quan điểm này khi được thể chế hóa đã cho thấy nó đúng và phù hợp với hầu hết các trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, với một số trường hợp đặc thù, yêu cầu bồi thường oan sai, vấn đề không hoàn toàn như vậy.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga hoàn toàn có lý khi nói rằng đã ngồi tù ít ai để ý đến việc phải để lại hóa đơn, chứng từ để một ngày nào đó yêu cầu bồi thường. Chưa kể có rất nhiều loại thiệt hại không thể lượng hóa được.
Thực tế đó đòi hỏi phải sửa luật, một mặt để quy định trách nhiệm của người bị hại, trách nhiệm chứng minh của họ, vì chỉ có người bị hại mới hiểu rõ nhất những thiệt hại mình phải chịu, những khoản tiền mình đã bỏ ra.
Tuy nhiên, vấn đề này phải được đặt trong mối quan hệ đặc thù đó là trách nhiệm hỗ trợ của các cơ quan chức năng cũng như định hình một khung pháp lý để giải quyết được nhiều trường hợp khi người bị hại không có điều kiện để chứng minh. Ví như, giữa một vụ người dân phải mất hàng trăm cân đơn từ cùng với số tiền bưu chính để gửi đến các cơ quan chức năng với trường hợp chỉ cần 3-4 lá đơn vấn đề oan sai đã được giải tỏa. Mức bồi thường sao cho hợp lý đối với những trường hợp như vậy là bài toán dành cho các nhà lập pháp.
PV: Theo ông có nên để cho cơ quan nhà nước làm sai được thỏa thuận với người bị oan sai về số tiền bồi thường hay phải có barem xác định mức độ thiệt hại cụ thể và cứ theo quy định mà làm?
Ông Ngọ Duy Hiểu: Điều 19 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Điều 52 Dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sửa đổi, có quy định về vấn đề thương lượng việc bồi thường. Đây là thủ tục cần thiết để hai bên cùng bàn và có nhận thức chung về các loại thiệt hại, số tiền bồi thường, việc khôi phục quyền, lợi ích nếu có, phương thức bồi thường… Trường hợp người được bồi thường nghĩ rằng mức bồi thường không phù hợp mong muốn của họ với quy định của pháp luật thì họ hoàn toàn có quyền khởi kiện ra tòa. Việc thương lượng không làm mất đi quyền của người bị hại, nhưng đương nhiên phải trên cơ sở các quy định của pháp luật, để làm được điều đó cần phải có một barem phù hợp.
Luật phải dự liệu và khái quát hóa được các loại thiệt hại
PV: Trong nhiều trường hợp rất khó đưa ra một barem cụ thể trong cách tính mức độ thiệt hại, trong khi thủ tục hành chính để thực hiện việc bồi thường quá rườm rà. Ông có đề xuất nào hay có kinh nghiệm quốc tế nào theo ông có thể tham khảo?
Ông Ngọ Duy Hiểu: Mỗi vụ việc oan sai có thể phát sinh rất nhiều loại thiệt hại. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hay giảm sút, thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết, sức khỏe bị xâm hại, thiệt hại về tinh thần… Mỗi vụ việc, hoàn cảnh với từng đối tượng bị hại cụ thể, mức thiệt hại là khác nhau: Anh A bị đi tù oan 5 năm trong lúc vợ đang có thai 6 tháng lại đang nuôi con nhỏ, có mẹ đẻ ở cùng đang mắc bệnh hiểm nghèo chắc chắn sẽ khác với ông B 50 tuổi khi đi tù con cái đã học xong đại học, có việc làm, vợ khỏe mạnh, khác với ông C bị đi tù oan ngay sau khi khai trương một công ty ông này đã đầu tư vào đó vài trăm tỷ đồng, vì ông đi tù, không có người điều hành nên công ty phải tạm dừng hoạt động…
Thực tế đó đặt ra yêu cầu trong việc xây dựng luật phải dự liệu và khái quát hóa được các loại thiệt hại, các mức thiệt hại từ tối thiểu đến tối đa để xây dựng pháp luật làm căn cứ đối chiếu, áp dụng cho từng vụ việc cụ thể, hoàn cảnh cụ thể, đưa ra mức bồi thường hợp lý.
Luật pháp của các nước về cơ bản đều xây dựng theo hướng này. Như ở Nhật Bản, Luật Bồi thường Nhà nước năm 1950 của nước này quy định mức bồi thường cho một ngày tù oan sai từ 1.500-12.000 Yen, lượng hóa vào từng trường hợp cụ thể là trách nhiệm của các cơ quan thực thi. Còn ở Trung Quốc, Luật Trách nhiệm bồi thường năm 1994 của nước này quy định thiệt hại do thu nhập bị mất nếu người bị hại bị gây thương tích, mỗi ngày thu nhập bị giảm được tính theo bình quân lương của nhân viên nhà nước của năm trước đó nhưng tối đa không vượt quá 5 lần.
PV: Theo ông, cần có những biện pháp nào để việc bồi thường oan sai cho công dân đáp ứng mong đợi của họ, không còn vướng mắc và không gây lúng túng cho các cơ quan thực thi?
Ông Ngọ Duy Hiểu: Trước hết là việc sửa đổi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 phù hợp với thông lệ quốc tế, điều kiện của Việt Nam cũng như giải quyết những vấn đề thực tế đặt ra, những vướng mắc trong quá trình bồi thường thiệt hại của người bị oan sai phải được giải quyết một cách căn bản và triệt để. Ở giác độ cá nhân, theo tôi những vấn đề sau cần được quan tâm khi sửa luật:
Phải dự liệu và định hình, đưa ra được các loại thiệt hại có thể xảy ra sao cho phù hợp. Có những nước người ta còn tính đến các thiệt hại cho tương lai. Ví như nhiều vụ việc, do bố đi tù oan mà con đang học hành giỏi giang dẫn tới chán nản, hư hỏng… Những thiệt hại như vậy chúng ta vẫn chưa tính đến được. Và trong từng vụ việc sẽ có sự ảnh hưởng, tác động khác nhau.
Xác định mức thiệt hại có thể chấp nhận được đối với từng trường hợp cụ thể; quy định rõ trách nhiệm bồi thường trong trường hợp có sự liên đới giữa nhiều cơ quan khác nhau; việc xác định trách nhiệm hoàn trả theo hướng tăng mức đối với những lỗi do vô ý. Thủ tục quy định cần rõ và gọn hơn theo hướng đáp ứng mong mỏi của người dân.
PV: Xin cảm ơn ông./.