“Nhân danh Nhà nước mà tuyên án không đúng thì phải bồi thường“
Sáng nay (9/1), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Các ý kiến tán thành phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, theo đó quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong ba lĩnh vực: quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình |
Phát biểu tại phiên họp, Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình cho rằng, số vụ án oan sai phải bồi thường chiếm tỷ lệ nhỏ trong các án nhưng ảnh hưởng rất lớn, do đó cần quy định cụ thể trách nhiệm từng khâu. Sai sót là xuyên suốt từ trước đến sau thì khi xử lí phải xử lí từ đầu đến cuối, nếu không anh điều tra thảy cho kiểm sát, còn ông kiểm sát lại thảy cho ông tòa.
Ông Lê Hữu Thể, Viện phó Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng bày tỏ, do quy định còn định tính, chưa rõ nên vướng trong khâu bồi thường. Trường hợp có hoá đơn chứng từ thì dễ nhưng có những tổn thất như công ăn việc làm, sức khoẻ suy sụp, gia đình tan nát thì cần có barem tương đối rõ mới dễ thương lượng và tìm được sự đồng cảm trong dân.
“Oan là vấn đề nhức nhối, bây giờ giảm xuống rất nhiều. Về nguyên tắc nhà nước phải bồi thường, vì các cán bộ công chức thay mặt nhà nước phải làm, con dại cái mang. Về bồi hoàn, anh cố ý làm sai thì phải đền, dẫn đến oan sai phải tự bỏ tiền ra, nhưng có những cái lớn thì cả đời cũng không trả được. Nếu do trình độ mà gây ra oan, sai rồi phải đền thì thấy băn khoăn. Nên có thái độ thế nào cho người ra biết “ – ông Thể nói.
Liên quan trách nhiệm từ điều tra, truy tố, xét xử, Viện Phó VKSNDTC cũng đồng tình cơ quan cuối cùng làm sai thì thay mặt nhà nước đứng ra xin lỗi, nhưng phải xác định trách nhiệm từng người ngay từ đầu để không có chuyện “đá bóng”.
Là cơ quan tiếp nhận, tổng hợp ý kiến của cử tri, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải chia sẻ, điều khiến cử tri và nhân dân băn khoăn là lấy tiền ở đâu để bồi thường, nhất là tiền thuế của dân đóng góp. Do đó, cần có sự tách bạch như đề xuất lập quỹ lấy tiền từ xử phạt bồi thường để người dân khỏi băn khoăn.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, hoạt động của Nhà nước thì phải do ngân sách đảm nhiệm là nguyên tắc, dù là tiền xử phạt hay khoản thu khác cũng đều là tiền ngân sách. Việc còn lại là giải thích cho dân hiểu.
Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển: "Nhân danh Nhà nước mà tuyên án không đúng thì phải bồi thường" |
“Anh nhân danh Nhà nước mà tuyên án không đúng thì phải bồi thường và lấy nguồn từ ngân sách. Không nên lập quỹ vì ta có nhiều quỹ quá rồi, mà quỹ thì cũng hoạt động từ ngân sách” – ông Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm và cho rằng, tất cả hoạt động gây oan, sai thì phải bồi thường, không đổ cho không khả thi hay điều kiện đất nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị lượng hoá bồi thường nếu không sẽ gây tranh cãi không hồi kết. Còn về ai bồi thường thì nên quy định cấp nào ra quyết định sai thì cấp đó phải bồi thường, xin lỗi. Ngoài ra cần làm rõ trách nhiệm liên đới từ điều tra, truy tố đến xét xử để không đổ trách nhiệm, đảm bảo minh bạch.
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho rằng, nhân danh Nhà nước, công quyền mà làm oan, sai thì trước mắt lấy ngân sách bồi thường để đảm bảo quyền lợi của người bị oan. Bên cạnh đó cũng xác định mức bồi hoàn tương xứng để nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh cần bàn kỹ, thận trọng dự luật này vì liên quan tới quyền lợi người dân và người thực thi công vụ. Sau phiên họp hôm nay, các cơ quan phải tiếp tục ngồi lại để tiếp thu, xử lý, sớm tổ chức hội nghị đại biểu chuyên trách, mời các chuyên gia cho ý kiến để báo cáo UBTVQH cho ý kiến trước khi trình Quốc hội./.