William Barr - Người thi hành pháp luật hay luật sư biện hộ của Trump?
Washington Post ngày 30/4 tiết lộ, Công tố viên đặc biệt Robert Mueller, người phụ trách điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016, đã phàn nàn rằng, việc Bộ trưởng Tư pháp William Barr mô tả không chính xác báo cáo của ông đã khiến công chúng mơ hồ về kết quả điều tra.
Từ trái sang: Công tố viên đặc biệt Robert Mueller, Bộ trưởng Tư Pháp William Barr và Tổng thống Donald Trump. Ảnh: CNN |
Không nắm đầy đủ bối cảnh và bản chất kết luận điều tra
Theo Wasshington Post, Công tố viên đặc biệt Robert Mueller trong một lá thư đã nói với Bộ trưởng Tư pháp William Barr rằng bản tóm tắt dài 4 trang biên soạn từ bản báo cáo dài hơn 400 trang của ông đã “không lột tả được đầy đủ bối cảnh, bản chất và nội dung của kết luận điều tra”.
Tờ báo cho biết đã nhận được bản sao của lá thư này. Theo đó, lá thư được viết vào cuối tháng 3, chỉ vài ngày sau khi Bộ trưởng Barr công bố bản tóm tắt vào ngày 24/3 trong đó nói rằng Công tố viên Mueller kết luận không có sự câu kết giữa chiến dịch tranh cử của Donald Trump với phía Nga trong cuộc bầu cử năm 2016. Trong bản tóm tắt, Bộ trưởng Barr cũng nói rằng Mueller đã không đi đến kết luận về việc Tổng thống Trump có cản trở công lý hay không.
Lá thư tóm tắt nội dung kết quả điều tra của Mueller được Bộ trưởng Tư pháp Barr gửi tới Quốc hội và sau đó công bố với công chúng vào ngày 24/3.
Theo Washington Post, Công tố viên Mueller đã đề nghị Bộ trưởng Barr công bố phần giới thiệu và tóm tắt các mục chính của bản báo cáo, mà không cần chờ bản đầy đủ được biên soạn và chỉnh lý lại.
“Công bố như vậy ở thời điểm này có thể làm giảm nhẹ sự hiểu nhầm và sẽ trả lời được các câu hỏi mà dư luận quan tâm về bản chất và kết quả cuộc điều tra của chúng tôi”, Washington Post dẫn lá thư của Mueller.
Người phát ngôn Bộ Tư pháp Kerri Kupec nói trong một tuyên bố ngày 30/4 rằng, sau khi nhận được thư của Mueller, ông Barr đã gọi điện cho công tố viên đặc biệt và hai người đã có một cuộc đối thoại "thân mật và chuyên nghiệp”.
Bà Kupec nói: “Công tố viên Mueller không nhấn mạnh có điều gì trong lá thư ngày 24/3 của Bộ trưởng Barr là không chính xác hay bị hiểu nhầm. Nhưng ông bày tỏ thất vọng về việc thiếu bối cảnh và nó tác động đến việc truyền thông đưa tin liên quan đến những phân tích cản trở công lý của ông.
“Hai bên đã thảo luận việc nên công bố sớm các bối cảnh bổ sung từ bản báo cáo của Mueller. Tuy nhiên, Bộ trưởng đã quyết định nếu công bố từng phần như vậy sẽ không hiệu quả. Hai người đồng ý sẽ công bố bản báo cáo đầy đủ với những chỉnh lý cần thiết càng sớm càng tốt”.
Theo bà Kupec, sau cuộc trao đổi với công tố viên Mueller, Bộ trưởng đã gửi thư tới Quốc hội nói rằng lá thư ngày 24/3 không phải là bản tóm tắt một cách có chủ ý, và ông tình nguyện ra điều trần trước các Ủy ban Tư pháp của Thượng viện và Hạ viện trong ngày 1-2/5.
Cố ý lèo lái kết luận của Mueller?
Đảng Dân chủ cáo buộc Barr đang cố lái kết luận theo hướng bảo vệ ông Trump. Thượng nghị sỹ Amy Klobuchar, đồng thời một thành viên của Ủy ban Tư pháp Thượng viện nói với CNN rằng bà sẽ đặt câu hỏi về lá thư của Công tố viên Mueller khi ông Barr ra điều trần ngày 1/5 (theo giờ Mỹ).
“Tôi sẽ đặt câu hỏi, vì tôi nghĩ nó là một ví dụ khác về việc lá thư tóm tắt 4 trang mà ông Barr gửi đã bị chính trị hóa như thế nào. Và vấn đề ở đây không phải là về chính trị, mà nó là về việc bảo vệ nền dân chủ của chúng ta”, bà Klobuchar nói.
Còn Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ biện Jerry Nadler thì nói rằng, Bộ trưởng Barr “không nên tự ý mô tả các kết luận của Mueller theo hướng có lợi cho Tổng thống Trump”.
Trong một tuyên bố trên Twitter đêm 30/4, Chủ tịch Nadler, người dự kiến sẽ nghe Bộ trưởng Barr điều trần đã “đề nghị” cung cấp lá thư của Công tố viên Mueller. Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ này nói rằng, bản sao của lá thư này phải được gửi tới Ủy ban Tư pháp Hạ viện trước 10h sáng ngày 1/5.
“Bộ trưởng William Barr cũng không nên giấu giếm lá thư với Quốc hội nếu ông ta đã nhận. Bộ trưởng Barr đã bày tỏ miễn cưỡng khi xuất hiện trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện. Những thông tin này càng khiến ông phải có mặt và trả lời các câu hỏi của chúng tôi. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ thúc giục Bộ Tư pháp ấn định ngày để Công tố viên Mueller ra điều trần sớm nhất có thể”, ông Nadler cho nhấn mạnh.
Thượng nghị sỹ Mark Warner, thành viên hàng đầu của đảng Dân chủ tại Ủy ban Tình báo Thượng viện cho rằng, “Ở điểm này, Bộ trưởng Barr đã mất hết tín nhiệm và cách duy nhất để làm rõ mọi việc là để Mueller ra điều trần công khai”.
Người thi hành pháp luật hay luật sư biện hộ của Donald Trump?
Nếu Bộ trưởng Tư pháp William Barr cố ý lèo lái kết luận báo cáo của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller theo hướng có lợi cho Tổng thống Trump, dư luận sẽ đặt câu hỏi Bộ trưởng Tư pháp là người thi hành pháp luật hay là luật sư biện hộ của Tổng thống Trump.
Hai ngày sau khi nhận được bản báo cáo của Công tố viên Mueller hồi tháng 3/2019, Bộ trưởng Barr đã đưa ra một bản tóm tắt có các trích dẫn nhưng không có bối cảnh cụ thể và đưa ra quan điểm riêng của ông rằng Tổng thống Trump vô tội với cáo buộc cản trở công lý, dù Mueller bác bỏ rằng ông đã đi đến kết luận như vậy. Cuộc họp báo ngày 18/4 là nỗ lực thứ hai cho thấy ông Barr đang cố định hình câu chuyện trước khi công bố bản báo cáo đầy đủ của Mueller. Vậy tại sao ông không để công tố viên Mueller tự lên tiếng?
Văn phòng Tư vấn pháp lý của Bộ Tư pháp đã đưa ra một quan điểm năm 2000 nhấn mạnh rằng, Tổng thống đương nhiệm sẽ không bị truy tố vì điều đó sẽ can thiệp vào các trách nhiệm hiến pháp. Báo cáo của Mueller đã làm rõ rằng ông bị ràng buộc bởi quan điểm đó, và đây là một phần lý do ông không nói Tổng thống Trump có cản trở công lý hay không. Tuy nhiên, Bộ trưởng Barr đã “giảm bớt sự thật” trong buổi họp báo ngày 18/4 khi nói với các phóng viên rằng Mueller vẫn không thể buộc tội được Tổng thống cho dù có tồn tại của quan điểm của Văn phòng tư vấn pháp lý hay không. Tại sao Barr lại nói khác lời Mueller?
Sẽ còn nhiều câu hỏi cứng rắn khác mà Bộ trưởng Barr phải đối mặt trong các phiên điều trần trước Ủy ban Tư pháp của Thượng viện và Hạ viện. Nếu không trả lời được những câu hỏi “khó”, ông Barr có nguy co bị coi là “con rối” của Tổng thống.
Dưới thời Tổng thống George. H.W. Bush, ông William Barr đã để lại hình ảnh về một vị Bộ trưởng Tư pháp liêm chính. Nhưng hình ảnh này có thể sẽ không còn sau chuyến thăm Đồi Capitol của ông trong tuần này./.