Vụ tấn công chợ Giáng sinh ở Berlin: Bóng ma khủng bố vẫn khó lường
Vụ tấn công được cảnh báo trước
Qua điều tra sơ bộ, người ta có thể khẳng định đây không phải là một tai nạn giao thông thông thường. Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maizière nhận định "có nhiều lý do" để cho rằng đây là một vụ khủng bố. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) cũng đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ việc này.
Hiện trường vụ tấn công chợ Giáng sinh tại Berlin. Ảnh: Reuters |
Chiếc xe tải đã phá hủy nhiều gian hàng và đâm nhiều người trên một quãng đường dài từ 60-80m trên tuyến đi bộ Breitscheidplatz, gần nhà thờ Tưởng niệm Hoàng đế Wilhelm, một trong những trục đường đông khách bộ hành nhất Berlin vào giờ cao điểm.
Trên chiếc xe gây thảm họa, có hai người, trong đó một người đã chết. Cảnh sát Đức xác định người chết là một công dân Ba Lan, không cầm lái vào thời điểm xảy ra vụ việc.
Người kia là một công dân Pakistan, 23 tuổi, đến Đức xin tị nạn theo con đường qua bán đảo Balkan, vào khoảng tháng 2/2016. Tuy nhiên, sau khi thẩm vấn anh này đã được loại khỏi diện tình nghi và được thả.
Nhiều khả năng chiếc xe đã bị phần tử này cướp để thực hiện vụ tấn công, nhưng thủ phạm vẫn đang lẩn trốn. Nhiều nhân chứng cho biết, xe hoàn toàn không bật đèn và rất có thể đây là hành động chủ ý của người lái để gây bất ngờ tối đa.
Vụ việc diễn ra như theo một định mệnh, bởi Chính phủ Pháp, Mỹ và nhiều nước châu Âu đã lên tiếng cảnh báo về khả năng xảy ra các cuộc tấn công khủng bố vào dịp Giáng sinh, đặc biệt tại những nơi tập trung đông người như chợ Noel, các trung tâm vui chơi, mua sắm, các nhà ga, bến tàu....
Sau vụ an ninh Pháp bắt được 7 kẻ tình nghi khủng bố ở Strasbourg và Marseilles hồi cuối tháng 11/2016, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve nhận định rằng chưa bao giờ mối đe dọa khủng bố lại cao đến thế bên trong lãnh thổ Pháp và châu Âu.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khuyến cáo công dân cẩn trọng khi tới các nước châu Âu nhân dịp Giáng sinh vì nguy cơ xảy ra các cuộc khủng bố. Cơ quan điều tra liên bang Mỹ (FBI) cảnh báo về khả năng có tấn công của khủng bố trong thời gian Lễ Tạ ơn, hay ngày tuyên thệ nhậm chức Tổng thống tại Mỹ.
Bản thân các nước có đông người hồi giáo ở châu Á như Indonesia, Malaysia, Thái Lan...cũng lên tiếng cảnh báo khả năng trở về của các phần tử IS từ Iraq và Syria kèm theo các hoạt động khủng bố.
Hiện Mỹ và Liên quân chống IS đang đẩy mạnh chiến dịch tiêu diệt IS với các chiến dịch tái chiếm Mosul (Iraq) và Raqqa (Syria). Nga cũng hỗ trợ Chính phủ Assad giành lại thành phố chiến lược Aleppo (Syria). IS đứng trước nguy cơ bị xóa sổ trên thực địa và sẽ chuyển hướng hoạt động bí mật, phân tán, đồng thời tiến hành các cuộc tấn công trả đũa.
Các nước châu Âu (Pháp, Đức, Bỉ...), các nước và khu vực cận kề (Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Bắc Phi...), các nước có tỷ lệ người Hồi giáo cao...sẽ là những địa bàn nhạy cảm, dễ xảy ra các cuộc khủng bố.
Cuộc chiến vô hình vẫn tiếp diễn
Vụ "xe điên" tại chợ Giáng sinh Berlin vừa qua là sự tái hiện kỳ lạ kịch bản tại đại lộ Promenade des Anglais, thành phố Nice (Pháp) đêm 14/7/2016 khiến 86 người chết và hơn 400 người bị thương.
Một cách thức tấn công khủng bố mới đang được áp dụng, bổ sung thêm vào tập hợp rất đa dạng các cách thức khủng bố từ trước tới nay. Chỉ cần một phần tử Hồi giáo có tư tưởng cực đoan, manh động, một "con sói" đơn độc và một chiếc xe cướp được, là có thể tạo nên một thảm họa.
Sự kiện trên nối dài các vụ tấn công khủng bố với hình thức đa dạng trên đất Pháp và châu Âu năm 2015 - 2016: Bằng tiểu liên AK, những kẻ khủng bố đã cướp đi sinh mạng của 12 phóng viên và biên tập viên tòa báo Charlie Hebdo (Paris -Pháp) ngày 7/1/2015.
Các cuộc tấn công liên hoàn bằng thuốc nổ và AK đêm 13/11/2015 tại Paris (Pháp) khiến 130 người chết, 352 người bị thương, riêng tại nhà hát Bataclan 89 khán giả bị sát hại.
Các cuộc đánh bom tại Brucxel (Bỉ) sáng 22/3/2016; cuộc tấn công bằng xe tải ở Nice (Pháp) đêm 14/7/2016; Các cuộc tấn công khủng bố bằng vũ khí lạnh ở Munich (Đức) 22/7/2016, ở Rouen (Pháp) 26/7/2016...
Lãnh địa IS tại Iraq, Syria có thể bị xóa sổ, nhưng cuộc "Thánh chiến" sẽ vẫn tiếp tục. Châu Âu, thế giới vẫn luôn phải đối phó với bóng ma khủng bố, ở bất kỳ đâu, bất cứ lúc nào với những cách thức khó lường nhất./.