Vụ "chặn xe cán bộ tỉnh phản đối cát tặc": Chủ tịch tỉnh đối thoại với dân
Ông Nguyễn Văn Quang – Chủ tịch UBND tỉnh - chủ trì buổi đối thoại. |
Từ cuối tháng 4 đến giữa tháng 5 /2017, Cty CP khai khoáng Sahara và cty TNHH xây dựng Hùng Yến đã vi phạm trong hoạt động khai thác cát sỏi như đưa nhiều tàu cuốc, tàu vận chuyển vào thực hiện khai thác, khai thác với khối lượng lớn và ngoài phạm vi cho phép, hoạt động cả vào ban đêm làm ảnh hưởng đến ANTT tại khu vực.
Với lỗi vi phạm này, mỗi công ty đã bị xử phát 50 triệu đồng và bị tạm dừng hoạt động từ ngày 22/5 đến ngày 31/7/2017.
Vi phạm của 2 công ty cũng gây bức xúc cho nhân dân. Tại buổi đối thoại, nhân dân xã Hợp Thịnh không đồng tình với chủ trương của tỉnh cho doanh nghiệp tái khai thác cát trở lại trên địa bàn.
Nhân dân kiến nghị xác định mốc lộ giới, diện tích được khai thác, phương pháp cũng như công nghệ khai thác phải đảm bảo theo đúng quy định và đảm bảo môi trường, tránh gây sạt lở 2 bờ sông.
Ngoài ra, người dân địa phương cũng mong muốn rút ngắn thời gian khai thác; đối với cá nhân, tổ chức vi phạm phải được xử lý nghiêm và đề nghị nếu các doanh nghiệp tái phạm thì rút giấy phép khai thác.
Người dân cương quyết yêu cầu tỉnh không cho doanh nghiệp khai thác cát trở lại. |
Bà Nguyễn Thị Thảo - Công ty Cổ phần khai khoáng Sahara - cho rằng công ty của bà chỉ khai thác từ 6h sáng đến 17h hàng ngày. Bà này cho rằng người dân khi phản đối việc khai thác cát không phân biệt được tàu nào của công ty nào, khiến nhiều tháng nay Sahara bị dừng hoạt động.
Cty Sahara đề nghị được khai thác trở lại, đồng thời cam kết sẽ thực hiện đúng phép và sự chỉ đạo của cơ quan có trách nhiệm của địa phương; nếu công ty khai thác vượt phép gây ảnh hưởng đến người dân hoặc gây sạt lở bờ sông, sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước bà con nhân dân.
Ông Hoàng Đức Tài - người dân xã Hợp Thịnh, Kỳ Sơn - nêu quan điểm, cũng cần phải cho doanh nghiệp khai thác cát trở lại, nếu không lấy cát đâu mà xây dựng?
“Hiện tại nhà tôi đang xây nhà, trước đây chỉ mua 40.000đ/m3 cát, bây giờ phải mua 130 000đ/m3 cát”, ông Tài than.
Ông Nguyễn Xuân Lâm - người dân xã Hợp Thịnh - đồng quan điểm để các công ty được khai thác cát nhưng với quy mô vừa và nhỏ hơn. Theo ông Lâm, nhà nước không cho khai thác cát thì sẽ nảy sinh nạn cát tặc. Ngay trong thời gian tạm đình chỉ các doanh nghiệp khai thác cát đã xuất hiện tình trạng cát tặc khai thác trộm lúc nửa đêm.
Kết luận buổi đối thoại, ông Nguyễn Văn Quang - Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình - khẳng định, việc cấp phép khai thác cát sỏi cho cho Cty CP khai khoáng Sahara và Cty TNHH xây dựng Hùng Yến là đảm bảo đúng quy định của pháp luật và nằm trong quy hoạch của tỉnh. Đồng thời tỉnh Hòa Bình đã xin ý kiến của các bộ ngành Trung ương.
Chủ tịch tỉnh Hòa Bình cũng chỉ ra những vi phạm của 2 doanh nghiệp, cũng như các sở ngành chưa làm tròn chức năng quản lý nhà nước về quản lý khai thác khoáng sản.
Ông Nguyễn Văn Quang yêu cầu tổ công tác liên ngành của tỉnh thành lập chốt tại xã Hợp Thịnh, hoạt động 24/24h; thiết lập đường dây nóng để xử lý kịp thời những phản ánh của người dân. Trong quá trình khai thác cát sỏi nếu 2 doanh nghiệp còn tái phạm cương quyết xử lý theo quy định, đồng thời rút giấy phép.
Trước đó như Dân trí đã đưa tin, vào ngày 19/5, dư luận xôn xao thông tin một số người dân xã Hợp Thịnh, huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) phản đối doanh nghiệp hút cát ở Sông Đà nhưng lại chặn bắt xe của lực lượng chức năng tỉnh Hòa Bình xuống thị sát tình trạng cát tặc.
Qua trao đổi người dân khẳng định dân không chặn xe cán bộ tỉnh mà chỉ chặn xe doanh nghiệp khai thác cát, đồng thời mong muốn lãnh đạo tỉnh lắng nghe nguyện vọng nhân dân.
Ngày 22/5, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình chủ trì cuộc họp bàn giải quyết dứt điểm các "điểm nóng" khai thác khoáng sản (cát sỏi) trái phép trên địa bàn và hạ lưu sông Đà. Lãnh đạo các địa phương, sở ban ngành có liên quan đều được triệu tập đến họp.