Viêm não, sốt xuất huyết cùng gia tăng trong nắng nóng
Một trường hợp trẻ mắc viêm não Nhật Bản được điều trị tại BV Nhi Trung ương. Ảnh: H.Hải |
Thông kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho thấy, từ cuối tháng 5 đến nay, cả nước ghi nhận 80 ca viêm não vi rút, trong đó 4 bệnh nhi tử vong do bệnh này. Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 300 trường hợp viêm não vi rút, trong đó 9 ca tử vong.
Riêng tại bệnh viện Nhi Trung ương từ đầu năm đến nay, tiếp nhận 176 ca viêm não, trong đó có 24 trường hợp là viêm não Nhật Bản. Còn trong tháng 6 đã có 21 trẻ nhập viện vì viêm não. Đáng nói, có những trường hợp chịu di chứng nặng nề của viêm não Nhật Bản do cha mẹ quên cho trẻ đi tiêm vắc xin đủ mũi.
Theo BS Nguyễn Văn Lâm, trưởng khoa Truyền nhiễm, viêm não Nhật Bản có thể diễn ra quanh năm nhưng cao điểm từ tháng 5 đến tháng 9. Hiện nay, tuy đa số các trẻ đã được tiêm phòng đầy đủ nhưng vẫn còn rải rác các trường hợp trẻ mắc bệnh do sức đề kháng kém , chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh hoặc tiêm không đủ số mũi. Hiện tại, khoa Truyền nhiễm đang điều trị cho hai trường hợp mắc viêm não Nhật Bản. Không may mắn, cả hai bệnh nhi này đều phải gánh chịu một trong những di chứng nặng nề của bệnh.
Dịch bệnh đang gia tăng mạnh nhất hiện nay là sốt xuất huyết. Chỉ riêng trong tháng 6, cả nước phát hiện gần 9.000 trường hợp mắc, đưa số mắc từ đầu năm đến nay lên khoảng 37.000 ca, trong đó, 9 trường tử vong, chủ yếu tại các tỉnh, thành miền Nam.
Tại Hà Nội bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue cũng gia tăng nhanh. Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết trong tuần qua Hà Nội ghi nhận 574 trường hợp sốt xuất huyết. Dịch bệnh xảy ra tại nhiều quận huyện, như Hoàng Mai (129 ca), Đống Đa (127 ca), Hai Bà Trưng (46 ca), Hà Đông (35 ca), Thanh Trì, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân.
Như vậy từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 2.576 trường hợp sốt xuất huyết, trong đó 1 trường hợp tử vong tại quận Đống Đa vào tháng 5/2017.
Các dịch bệnh khác tại Hà Nội như Ho gà trong tuần vẫn ghi nhận 07 trường hợp. Lũy tích năm 2017: 90 trường hợp, 01 trường hợp tử vong; Sốt phát ban dạng sởi trong tuần ghi nhận 05 trường hợp mắc. Lũy tích năm 2017: 97 trường hợp, không có trường hợp tử vong.
Tay chân miệng trong tuần ghi nhận 03 trường hợp mắc. Lũy tích năm 2017: 65 trường hợp, không có trường hợp tử vong. Viêm não Nhật Bản trong tuần tiếp tục không ghi nhận trường hợp mắc. Lũy tích năm 2017: 04 trường hợp mắc, không có trường hợp tử vong.
Cũng trong tháng 6, cả nước ghi nhận 20 ca bệnh liên cầu lợn do ăn tiết canh, trong đó 2 trường hợp tử vong. Như vậy, từ đầu năm đến nay có 80 người mắc bệnh liên cầu lợn, trong đó 6 ca tử vong.
Theo Bộ Y tế, diễn biến dịch bệnh trong mùa hè còn phức tạp. Để phòng sốt xuất huyết, biện pháp hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt loăng quăng, không để nước đọng trong các chai lọ (lọ cắm hoa), nước đọng trong vỏ chai nước ngọt, nước đọng trong vỏ lốp xe bỏ đi … để muỗi không có môi trường đẻ trứng. Ngăn chặn muỗi đốt bằng phun hóa chất diệt muỗi, mặc áo dài tay, ngủ màn…
Các bệnh khác như viêm não Nhật Bản, ho gà, phát ban dạng sởi… hoàn toàn được bảo vệ chủ động nhờ vắc xin, cần cho trẻ đi tiêm đúng độ tuổi, đủ số mũi để được bảo vệ tốt nhất.
Riêng với liên cầu lợn, để đảm bảo không mắc bệnh cần thực hiện ăn chín, uống chín, đặc biệt không ăn tiết canh, nem sống để phòng bệnh liên cầu lợn.