VEC từ chối phục vụ 15.600 xe quá tải trên các tuyến cao tốc
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, trong 9 tháng năm 2016, lưu lượng phương tiện lưu thông trên cả 3 tuyến cao tốc của VEC đang quản lý khai thác đạt trên 22,4 triệu lượt, tăng 31,42% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, lượng phương tiện tham gia giao thông trên tuyến cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây tăng mạnh nhất là 36,6% so với cùng kỳ năm trước, với trên 9,9 triệu lượt phương tiện, trung bình hơn 36.000 lượt phương tiện/ngày đêm.
VEC tăng cường công tác kiểm soát tải trọng nhằm bảo vệ kết cấu hạ tầng. |
Tương ứng con số này trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai là 5,3 triệu lượt phương tiện, trung bình khoảng 19.000 lượt/ngày đêm. Tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đạt 7,2 triệu lượt phương tiện, bình quân trên 26.000 lượt phương tiện/ngày đêm và khả năng trong tháng 10 này tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình sẽ đón phương tiện thứ 30 triệu.
VEC cũng cho biết, trong 9 tháng qua, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong công tác phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện kiểm soát và xử phạt phương tiện quá tải, nhất là tại các đầu ra của đường cao tốc; các nhân viên thực hiện nhiệm vụ cân xe thường xuyên bị các đối tượng xã hội mua chuộc, đe dọa, thậm chí hành hung… Tuy nhiên VEC vẫn cương quyết và tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát tải trọng nhằm bảo vệ kết cấu hạ tầng, nâng cao khả năng khai thác và hiệu quả đầu tư các dự án đường cao tốc.
Trong 9 tháng qua, VEC đã tổ chức cân tải trọng gần 1 triệu lượt phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai và TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, thực hiện từ chối phục vụ trên 15.600 phương tiện. Riêng trên tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai đã có trên 800.000 lượt phương tiện quá cân, tỷ lệ từ chối phục vụ chiếm 1,84%.
Hiện tại, công tác lắp đặt 7 trạm cân cố định trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đang được VEC tích cực triển khai, dự kiến trong quý IV sẽ đưa vào khai thác. Với hệ thống cân kiểm soát tải trọng được VEC bố trí trên 3 tuyến cao tốc đang khai thác sẽ góp phần nâng cao công tác bảo đảm an toàn giao thông, bảo vệ kết cấu công trình, nâng cao chất lượng và tuổi thọ các tuyến đường cao tốc do VEC đầu tư, quản lý.
Song song với việc tăng cường kiểm tra tải trọng phương tiện, từ chối phục vụ phương tiện quá tải theo quy định, từ 25/1/2016 VEC còn thực hiện từ chối phục vụ phương tiện dừng, đỗ đón trả khách trên cao tốc khi vi phạm từ lần thứ 3 trở lên.
Do đó, trong 9 tháng qua, VEC thực hiện từ chối phục vụ 43 phương tiện dừng, đỗ đón trả khách. Trong đó, riêng quý III thực hiện từ chối phục vụ 18 phương tiện (15 phương tiện trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai và 3 phương tiện trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình).
Cũng trong 9 tháng đầu năm 2016, trên các tuyến cao tốc do VEC quản lý khai thác xảy ra 260 sự cố giao thông, làm 9 người chết (giảm 40% so với cùng kỳ 2015), 65 người bị thương (giảm 18% so với cùng kỳ năm 2015), gây thiệt hại một số tài sản đường cao tốc. Đặc biệt, trên tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, số người chết giảm trên 50%.
Nguyên nhân chủ yếu của các sự cố là do người dân sinh sống dọc theo đường cao tốc vi phạm các quy định an toàn giao thông khi cố tình điều khiển xe máy đi vào đường cao tốc; người điều khiển phương tiện không làm chủ tốc độ, ngủ gật, say rượu bia...
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp, trước đề nghị của các địa phương về việc bố trí các điểm dừng đỗ xe trên đường cao tốc để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, trên tinh thần cầu thị tiếp thu, VEC đang nghiên cứu xem xét và đề xuất phương án bố trí các điểm dừng đỗ xe ngoài các nút giao.
Tuy nhiên do vấn đề này liên quan trực tiếp đến anh ninh, trật tự an toàn giao thông đường cao tốc, nên trước mắt VEC tiếp tục duy trì công tác tuyên truyền pháp luật đến người dân để dần dần hình thành “văn hóa giao thông đường cao tốc”, bên cạnh đó không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ “Vì sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp”.
VEC đã và đang đầu tư, quản lý 6 dự án đường cao tốc có tổng chiều dài gần 600km, với tổng mức đầu tư 134.315 tỷ VNĐ (tương đương 6 tỷ USD); trong đó, có 3 tuyến cao tốc đã đưa vào khai thác(Dự án xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, Dự án xây dựng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây), 02 dự án đang triển khai thi công (Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành) và 01 dự án đã cơ bản hoàn thành công tác thiết kế kỹ thuật (Dự án đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn đoạn Cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng (Km1+800 – Km44 + 749,67))./.