Tướng Mattis có thể là “cây gậy” của ông Trump với Nga
New York Times dẫn lời ông James N.Mattis trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ ngày 12/1 cho rằng Tổng thống Nga Vladimir V. Putin đang tìm cách “phá vỡ liên minh Bắc Đại Tây Dương”.
Bình luận này cho thấy ứng viên Bộ trưởng Quốc phòng có lập trường cứng rắn hơn nhiều so với Tổng tư lệnh tương lai của quân đội Mỹ, cũng là người đã đề cử ông, Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Khác với Tổng thống đắc cử Donald Trump, ứng viên Bộ trưởng Quốc phòng bất ngờ có những tuyên bố cứng rắn với Nga. Ảnh Getty Images. |
“Nước Mỹ hãy nhìn vào sự thật mối quan hệ với Nga”
Tướng James Mattis khẳng định ông tán thành quan điểm chung của chính quyền mới là hòa giải. Song ông cũng cho là nước Mỹ cần phải nhìn thẳng vào sự thật rằng “ngày càng có ít những lĩnh vực có thể hợp tác trong khi có càng nhiều lĩnh vực phải đối đầu với Nga”.
Trong phiên điều trần kéo dài 3 giờ đồng hồ ngày 12/1, Tướng James Mattis đã thuyết phục các nghị sỹ Mỹ ủng hộ việc mở rộng các lực lượng vũ trang, nâng cao tính sẵn sàng của quân đội để có thể tham chiến tức khắc bất cứ lúc nào. Ông cũng đề xuất phải tiếp thêm sức mạnh cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bằng cách duy trì sự hiện diện quân sự lâu dài của Mỹ tại các nước Baltic để đề phòng và ngăn chặn nguy cơ tấn công từ Nga.
Tướng Mattis khẳng định quan điểm rằng “những quốc gia có đồng minh thì sẽ lớn mạnh, còn những quốc gia không có đồng minh thì không”.
Quan điểm đối nghịch với ông Trump
Những bình luận của tướng Mattis trong phiên điều trần gần như đối nghịch với những tuyên bố của Tổng thống đắc cử Donald J. Trump trong suốt chiến dịch tranh cử của ông.
Ông Trump cho rằng sự ủng hộ của Mỹ đối với các nước đồng minh nên đi kèm điều kiện đóng góp tài chính của những nước này. Ông cũng cho rằng tái lập mối quan hệ tốt với Nga là vì lợi ích của nước Mỹ.
Trong khi đó, bên cạnh những tuyên bố đầy tính hoài nghi đối với Nga và thể hiện sự ủng hộ đối với NATO, Tướng Mattis cũng đứng phía bên kia chiến tuyến với ông Trump và phần lớn những thành viên Cộng hòa khác trong vấn đề hạt nhân Iran.
Tổng thống đắc cử Trump đã tuyên bố rằng một trong những ưu tiên hàng đầu của ông là rút khỏi thỏa thuận hạt nhân “thảm họa” với Iran.
Nhưng ứng viên Bộ trưởng Quốc phòng mà ông chọn lại kêu gọi Mỹ nên có những biện pháp nhằm thực thi thỏa thuận này một cách nghiêm ngặt. Tướng Mattis cho rằng “đây là một thỏa thuận kiểm soát vũ khí không hoàn hảo – nó không phải là một hiệp ước hữu nghị” song ông nhấn mạnh “khi nước Mỹ đã cam kết thì cần phải tuân thủ nó đến cùng và phải hợp tác với các đồng minh” để thực hiện điều đó. Mặc dù vậy, Tướng Mattis cũng thể hiện rõ ràng việc ông ủng hộ những phản ứng cứng rắn hơn với Iran. New York Times cho biết, trong một văn bản gửi Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Tướng Mattis đã miêu tả Iran là “lực lượng gây bất ổn lớn nhất ở Trung Đông”.
Ủng hộ một số chính sách của chính quyền Obama
Tướng Mattis cũng cho biết ông không có ý định xem lại những quyết định mang tính xã hội của chính quyền Tổng thống Barack Obama liên quan tới Bộ Quốc phòng như việc cho phép phụ nữ tham gia các sứ mệnh chiến đấu hay cho phép người đồng tính phục vụ trong quân đội. Tướng Mattis tin rằng “nghĩa vụ quân sự là một chuẩn cho lòng yêu nước của bất cứ ai”.
Về cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Tướng Mattis không cho biết cần duy trì bao nhiêu lính Mỹ ở Iraq song ông khẳng định rằng Mỹ cần phải duy trì ảnh hưởng ở khu vực này sau khi giành lại thành trì Mosul (Iraq) từ tay IS để đảm bảo rằng Iraq sẽ không chịu sự chi phối của Iran. Tướng Mattis cũng cho rằng cần phải xem lại hoặc phải tiếp thêm năng lượng cho chiến lược của Mỹ nhằm giành lại Raqqa (Syria) từ tay IS.
Chiến thuật để giành sự ủng hộ của cả 2 đảng
Quan điểm của ông Mattis về việc cương – nhu phù hợp tùy đối tượng chứ không quá phụ thuộc vào những phát ngôn của ông Trump lại “được lòng” các nghị sỹ của cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Bằng chứng là các nghị sỹ Mỹ đã bỏ qua một điều luật quy định rằng các sỹ quan quân đội Mỹ bị cấm không được giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng trừ khi họ đã nghỉ hưu ít nhất 7 năm, trong khi Tướng Mattis mới nghỉ hưu tháng 5/2013.
Do một Tổng thống đảng Cộng hòa đề cử nhưng Tướng Mattis lại giành được sự ủng hộ của hầu hết các thành viên đảng Dân chủ tại Thượng viện bởi họ dường như đặt hy vọng rằng ông sẽ kiếm chế những sáng kiến an ninh quốc gia có phần “hung hăng” của Tổng thống đắc cử Trump. Và quả thực Tướng Mattis cho phe dân chủ nhiều tia hy vọng.
Một số chính trị gia kỳ cựu của đảng Dân chủ đã bị thuyết phục bởi cách tiếp cận khá trung lập và độc lâp của tướng Mattis, tầm ảnh hưởng của ông trong giới chức quân đội cũng như những cam kết tôn trọng nguyên tắc kiểm soát dân sự và phải tham vấn với Quốc hội.
Trong những thành viên Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ có Thượng nghị sỹ đảng Dân Chủ của Rhode Island Jack Reed và cựu ứng viên Phó Tổng thống đảng Dân chủ Tim Kaine đã bỏ phiếu ủng hộ Tướng Mattis.
Sau phiên điều trần tướng Mattis, Thượng viện do phe Cộng hòa chiếm đa số đã dứt khoát thông qua đề cử ông trở thành Bộ trưởng Quốc phòng với 81 phiếu thuận và 17 phiếu chống. Trong một cuộc bỏ phiếu riêng biệt khác, Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ chỉ thông qua đề cử ông Mattis với 34 phiếu thuận và 28 phiếu chống.
New York Times cho biết, những người ủng hộ tưởng Mattis hy vọng Tổng thống đắc cử Trump sẽ ký phê chuẩn vị trí Bộ trưởng Quốc phòng ngay trong ngày đầu tiên tại nhiệm sở.
Vẫn là chiêu “cây gậy và củ cà rốt”
Tổng thống đắc cử Donald Trump gần đây khiến dư luận Mỹ băn khoăn vì quan điểm có phần “dễ dãi” với Nga. Tuy nhiên, việc ông đề cử Tướng James Mattis làm Bộ trưởng Quốc phòng đã cho thấy các nhà lãnh đạo Mỹ không bao giờ quên bài học “cây gậy và củ cà rốt”.
Nếu ông Trump không ngần ngại thể hiện quan điểm muốn xây dựng lại mối quan hệ đang rạn nứt với Nga thì ứng viên Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis sẵn sàng đóng vai trò “cây gậy” răn đe đối thủ hàng đầu của Mỹ.
Khác với biệt danh “Chó điên” (Mad Dog) mà ông Trump và các phương tiện truyền thông Mỹ thường đề cập khi nhắc tới James Mattis, vị Tướng nghỉ hưu này khẳng định ông sẽ không hấp tấp trong việc kêu gọi sử dụng vũ lực trong mọi trường hợp./.