Trồng tiêu bằng mọi giá - Nông dân nhận trái đắng
Hồ tiêu Tây Nguyên phát triển quá nóng là lo ngại đặt ra đã gần chục năm nay. Tuy nhiên, các rủi ro tiên đoán của nhà quản lý và nhà khoa học không được người dân quan tâm. Thời điểm này, loại cây cho thu nhập bạc tỷ này đã đạt diện tích gấp đôi mục tiêu năm 2020.
Sau 2 đợt mưa tháng 11 và 12 vừa qua, rủi ro thật sự đã xảy ra trên diện rộng, với cả nghìn ha chết vì ngập úng, thối rễ. Riêng ở Đăk Lăk, có ít nhất 700 ha thiệt hại, 60% diện tích này bị mất trắng. Nhiều nông hộ đang hái trái đắng, có nguy cơ vỡ nợ vì đầu tư vào hồ tiêu bằng mọi giá.
Nhiều nông hộ dân đứng trước nguy cơ vỡ nợ vì đầu tư vào hồ tiêu bằng mọi giá. |
Lũ đã rút từ lâu nhưng vườn tiêu hơn 700 trụ đang chuẩn bị thu hoạch của gia đình anh Đào Xuân Hùng, ở thôn 2A, xã Ea Ô, huyện Ea Kar tan hoang, nhếch nhác. Khoảng 300 trụ đã chết héo khô dây, lá và chùm quả non thâm đen rụng tơi tả xung quanh gốc, trộn lẫn với bùn lầy.
Hơn 400 trụ còn lại vẫn đang tiếp tục rụng lá, héo rũ ngọn tiếp tục chết dần, chết mòn. Anh Hùng cho biết, hy vọng của gia đình về việc có sản phẩm bán để trả nợ đầu tư vườn tiêu này, đã hoàn toàn tan thành mây khói.
“Thời tiết vừa mưa, vừa nắng khiến tiêu chết hết. Nếu năm nay không bị lũ lụt như các năm trước, đợt thu hoạch tới này gia đình sẽ thu được khoảng từ 200-300 triệu đồng. Nhưng giờ lũ tràn vào tiêu chết hết khiến tổng thiệt hại lên tới gần 500 triệu đồng”, anh Hùng cho biết.
Cũng chịu thiên tai do đợt mưa lụt kéo dài vừa qua, gia đình bà Phan Thị Sim ở cuối thôn 2A, xã Ea Ô, huyện Ea Kar bị mất trắng toàn bộ 300 trụ hồ tiêu đang trong thời kỳ kinh doanh, ước tính thiệt hại lên đến trên 200 triệu đồng. Bà Sim cho biết, trước đây thấy bà con trong xã ồ ạt trồng tiêu nên gia đình cũng vay mượn trồng dù diện tích đất này nằm ở vùng trũng, tiếp giáp khu vực bờ sông.
“Gia đình trồng mấy sào tiêu để tăng thu nhập nhưng năm nay mưa nhiều quá nên lụt, khiến tiêu chết hết giờ không biết tính sao. Nếu trồng tiêu lại cũng sợ gần thu hoạch tiêu lại bị chết, trồng cà giá cả bấp bênh, làm hoa màu không đủ tiền phân, tiền nhân công”, bà Sim lo lắng.
Theo phòng NN&PTNT huyện Ea Kar, thời gian qua, các xã phía Đông Nam của huyện Cư Bông, Cư Yang, Ea K'mút, Ea Păl và Cư Elang bị ngập úng cục bộ do mưa lớn kéo dài khiến đời sống của bà con hết sức khó khăn. Riêng diện tích cây hồ tiêu, đợt mưa lụt vừa qua đã phá hủy khoảng 200 ha, thiệt hại cả trăm tỷ đồng.
Ông Hồ Tấn Cư, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ea Kar cho biết, mưa kéo dài như thời gian vừa qua, thiệt hại lớn ở những vườn tiêu trồng đất thấp là điều khó tránh khỏi.
“Cây hồ tiêu rất sợ nước, sợ úng nhưng không thể thiếu nước. Trong quy hoạch trồng cây hồ tiêu, huyện có định hướng khuyến cáo cho một số xã ở vùng trũng là bà con không nên trồng tiêu. Tuy nhiên, một bộ phận dân cư thấy lợi nhuận cao họ vẫn trồng, qua đợt lũ này, người dân họ mới được tầm quan trọng khuyến cáo của ngành chức năng”, ông Cư cho hay.
Theo rà soát của Sở NN&PTNT Đăk Lăk, toàn tỉnh có ít nhất 700 ha hồ tiêu bị ảnh hưởng nặng bởi mưa lũ hồi tháng 11 và tháng 12 vừa qua. 409 ha trong đó bị mất trắng, thiệt hại trên 210 tỷ đồng.
Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Đăk Lăk nhận định, diện tích hồ tiêu bị bệnh, chết do mưa kéo dài sẽ chưa dừng lại. Nông dân cần lắng nghe khuyến cáo của ngành nông nghiệp, chuyển đổi diện tích bị chết sang các loại cây khác, hoặc phương thức kinh doanh khác ít rủi ro hơn.
“Bà con nào đã trồng tiêu cần xem xét lại khả năng đào rãnh thoát nước để chăm sóc cho tốt. Những vùng đất thấp thì cần chuyển sang cây hàng năm sẽ an toàn hơn, có thể trồng cỏ phục vụ cho chăn nuôi bò, trồng các loại ngô lúa phục vụ thức ăn cho chăn nuôi. Bởi vì hiện nay, nhu cầu về thức ăn cho gia súc đang cần nguồn rất cao”, ông Thích nói./.