Triều Tiên chuẩn bị phóng vệ tinh sau nghị quyết trừng phạt của LHQ
Đây là thông tin được báo chí Hàn Quốc đăng tải ngày 26/12, trong bối cảnh Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vừa thông qua loạt biện pháp trừng phạt thứ 9 không chỉ nhằm buộc Triều Tiên phải từ bỏ các chương trình tên lửa và đạn đạo, mà còn cả các vụ phóng vệ tinh của nước này.
Phóng vệ tinh Kwangmyongsong-4 của Triều Tiên. Ảnh: SpaceFlight Insider. |
Nhật báo Joogang Ilbo của Hàn Quốc hôm nay (26/12) dẫn lời một quan chức chính phủ nước này cho biết, Triều Tiên đã hoàn tất việc chế tạo một vệ tinh mới có tên Kwangmyongsong-5.
Kế hoạch cụ thể là phóng vệ tinh có trang bị camera và các thiết bị viễn thông.
Theo cơ quan tình báo Hàn Quốc, Kwangmyongsong-5 có thể sẽ được phóng từ một bệ phóng di động, chứ không phải từ bãi phóng Sohae như lâu nay. Giới chức tình báo và quân sự Hàn Quốc đang giám sát chặt chẽ mọi hoạt động trên bán đảo Triều Tiên.
Thông tin về khả năng Triều Tiên chuẩn bị phóng vệ tinh được đưa ra trong bối cảnh Triều Tiên những ngày qua liên tục có những tuyên bố bảo vệ quyền phát triển hạt nhân và phát triển vũ trụ của nước này sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 22/12 thông qua nghị quyết trừng phạt mới.
Ngay ngày hôm qua, tờ Rodong Simmun, cơ quan ngôn luận của đảng cầm quyền Triều Tiên một lần nữa khẳng định bản chất chương trình phát triển vũ trụ của Triều Tiên là hòa bình và mỗi nước đều có quyền phát triển chương trình vũ trụ.
Tuy nhiên thông tin về kế hoạch phóng vệ tinh của Triều Tiên không phải là mới. Bởi cách đây vài tuần, tờ Rossiyskaia Gazeta của Nga dẫn lời chuyên gia quân sự nước này Vladimir Khrustalev cũng khẳng định, thời gian tới Triều Tiên có thể sẽ phóng liên tiếp 2 vệ tinh, một là vệ tinh viễn thông và một là vệ tinh quan trắc.
Ông Khrustalev đưa ra thông tin sau chuyến thăm Triều Tiên hồi giữa tháng 11 vừa qua và khi đó đã có cuộc gặp với các quan chức Cơ quan hàng không vũ trụ Triều Tiên. Trước đó, hồi tháng 10, Phó Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Kim In-ryong cho biết, nước này vẫn tiếp tục thực hiện kế hoạch 4 năm (2016-2020) về phát triển vũ trụ góp phần thúc đẩy nền kinh tế và cải thiện điều kiện sống của người dân. Ông này cũng cho biết thêm, Triều Tiên đã bước vào giai đoạn phát triển vệ tinh với việc phóng thành công vệ tinh Kwangmyongsong-4 hồi tháng 2/2016.
Trong một phát biểu trước báo chí ngày hôm nay, người phát ngôn của Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc Roh Jae Cheon dù khẳng định, không có dấu hiệu bất thường nào liên quan đến khả năng Triều Tiên phóng vệ tinh, song cũng cho biết, Hàn Quốc luôn sẵn sàng trước mọi động thái của Triều Tiên, bao gồm một vụ phóng tên lửa tầm xa núp dưới việc phóng vệ tinh.
>> Xem thêm: Vì sao Triều Tiên quyết thử tên lửa đạn đạo bằng mọi giá?
Theo các nhà phân tích, việc Triều Tiên lên kế hoạch phóng vệ tinh vào thời điểm hiện nay có thể được xem là câu trả lời của nước này đối với nghị quyết mới được thông qua của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Điều này có thể làm thổi bùng lên những căng thẳng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên và đặc biệt là giữa nước này và Mỹ. Cuộc khẩu chiến giữa hai bên thời gian qua đã làm cho tình hình khu vực luôn trong tình trạng quá nóng và chỉ cần một mồi lửa có thể làm bùng cháy dữ dội. Song mặt khác, diễn biến mới này cũng một lần nữa cho thấy sự cần thiết phải thay đổi cách tiếp cận trong vấn đề Triều Tiên khi vòng xoáy “trừng phạt- trả đũa- trừng phạt” tiếp tục khiến cuộc khủng hoảng Triều Tiên trở thành bài toán không lời giải.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nói: "Chúng tôi hy vọng rằng tất cả các bên liên quan có thể thực hiện các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bao gồm Nghị quyết 2397 về CHDCND Triều Tiên một cách toàn diện và cân bằng. Trong tình hình hiện nay, các bên cần thể hiện sự kiềm chế và có những nỗ lực tích cực, xây dựng để giảm căng thẳng bán đảo Triều Tiên và giải quyết đúng vấn đề."
Trong một diễn biến liên quan, Bộ Thống nhất Hàn Quốc hôm 26/12 nhận định Triều Tiên có thể tiếp tục tăng cường các năng lực tên lửa và hạt nhân đồng thời sẽ tìm kiếm "một lối thoát". Trong quá trình tìm kiếm sự công nhận về quy chế là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân trên thực tế, Triều Tiên sẽ thăm dò khả năng đàm phán với Mỹ, trong khi có thể tìm cách vận động Hàn Quốc khôi phục mối quan hệ liên Triều vào năm tới. Điều này cho thấy, cách tiếp cận về vấn đề Triều Tiên trong năm tới sẽ có nhiều thay đổi và theo các nhà phân tích, điều này sẽ phần nào được sáng tỏ trong bài diễn văn năm mới của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày 1/1/2018./.