Tranh cãi quanh việc Nga công nhận giấy tờ phe nổi dậy Ukraine
Tranh cãi này liên quan đến việc Nga công nhận các giấy tờ tùy thân và nhiều loại giấy tờ khác do lực lượng đòi độc lập thuộc miền Đông Ukraine cấp.
"Hộ chiếu Donetsk". Ảnh: Getty. |
Theo một sắc lệnh do Tổng thống Putin ký ngày 18/2, giới chức nước này tạm thời công nhận các loại giấy tờ đăng ký dân sự tại khu vực miền Đông Ukraine, do lực lượng đòi độc lập kiểm soát, như hộ chiếu, văn bằng, giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn và giấy đăng ký phương tiện giao thông, được cấp tại hai khu vực Donetsk và Lugansk ở miền Đông Ukraine.
Quyết định này sẽ cho phép người dân ở các khu vực xung đột có thể đi du lịch, làm việc và học tập tại Nga. Theo Điện Kremlin, sắc lệnh này sẽ có hiệu lực cho đến khi một sự ổn định chính trị dựa trên thỏa thuận Minsk được thiết lập tại khu vực xung đột.
Phát biểu bên lề Hội nghị an ninh tại Munich, Đức, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói: “Vì các lý do nhân đạo, cho đến khi thỏa thuận Minsk được thực hiện và cho đến khi mọi vấn đề được giải quyết, sắc lệnh của Tổng thống Putin chấp nhận các giấy tờ tùy thân của các cư dân ở khu vực Donbass, gồm Lugansk và Donetsk. Những người này có thể đến nước Nga một cách hợp pháp và đi lại trong nước Nga bằng tàu và máy bay”.
Sắc lệnh của Nga ngay lập tức vấp phải sự phản đối của Ukraine. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho rằng, động thái này không khác gì việc thừa nhận vùng lãnh thổ đang đòi ly khai của Ukraine.
Ông Poroshenko cho biết: “Tôi đã thông báo với Phó Tổng thống Mỹ về quyết định của Nga liên quan đến việc công nhận các giấy tờ do Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng ở miền Đông Ukraine cung cấp. Đối với tôi, đây là bằng chứng rõ ràng về sự vi phạm luật pháp quốc tế của Nga”.
Sắc lệnh của Tổng thống Nga Putin về việc công nhận các loại giấy tờ do lực lượng đòi độc lập ở miền Đông cấp đưa ra cùng thời điểm Nga thông báo tại Hội nghị an ninh Munich về một lệnh ngừng bắn giữa quân đội Ukraine và phe nổi dậy tại miền Đông Ukraine sẽ có hiệu lực vào ngày 20/2 tới.
Điều này khiến một số nước phương Tây lên tiếng chỉ trích. Người phát ngôn của Thủ tướng Đức, ông Steffen Seibert nêu rõ lập trường của Đức coi sắc lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận các loại giấy tờ do hai nước Cộng hòa nhân dân Lugansk và Donetsk tự xưng cấp là gây ảnh hưởng đến sự thống nhất của Ukraine.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Pháp cũng nhấn mạnh lấy làm tiếc về quyết định này. Pháp bày tỏ mong muốn Nga chú trọng tới các điều khoản của Thỏa thuận hòa bình Minsk, coi đây là con đường duy nhất để đảm bảo một giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine.
Trước sự chỉ trích của các nước phương Tây, phía Nga tuyên bố rằng, sắc lệnh của Tổng thống Putin này là hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế.
Thông báo đăng tải trên trang web của Bộ Ngoại giao Nga nói rằng, việc công nhận các loại giấy tùy thân do lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine là vì các lý do nhân đạo. Sắc lệnh này cũng hoàn toàn tuân thủ luật pháp quốc tế, theo đó không cấm việc công nhận các giấy tờ cần thiết nhằm thực hiện quyền và tự do mà mỗi nước công nhận./.