Tổng thống Trump muốn sức mạnh hạt nhân Mỹ phải là số 1
Ngày 23/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông muốn mở rộng kho vũ khí hạt nhân Mỹ và đưa nó đạt “đẳng cấp hàng đầu”, đồng thời cho rằng, Mỹ đang bị tụt hậu về năng lực vũ khí nguyên tử.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc trả lời phỏng vấn của Reuters. (Ảnh: Reuters) |
Trong cuộc trả lời phỏng vấn Reuters, ông chủ Nhà Trắng cũng cho rằng, Trung Quốc có thể giải quyết các thách thức đặt ra từ phía Triều Tiên một cách “rất dễ dàng nếu họ muốn”. Theo ông Trump, Washington sẽ tiếp tục gia tăng áp lực lên Bắc Kinh để gây ảnh hưởng nhiều hơn nữa, kiềm chế những hành động gây hấn của Bình Nhưỡng.
Nếu các nước có vũ khí hạt nhân, Mỹ phải đứng đầu
Tuy bày tỏ muốn nhìn thấy một thế giới không có vũ khí hạt nhân nhưng ông Trump lại lo ngại việc Mỹ đang dần “thụt lùi trong việc tăng cường năng lực vũ khí nguyên tử”.
“Tôi là người đầu tiên muốn thấy không một ai sở hữu hạt nhân, nhưng chúng tôi chưa bao giờ phải đứng sau bất kỳ quốc gia nào, thậm chí đến ngay cả với một quốc gia thân thiện, về sức mạnh vũ khí hạt nhân. Sẽ là thật tuyệt vời khi giấc mơ về một thế giới không có vũ khí hạt nhân trở thành hiện thực. Tuy nhiên, nếu các quốc gia có vũ khí hạt nhân, chúng tôi sẽ phải đứng đầu”, ông Trump nói.
Theo quỹ Ploughshares - một nhóm chống hạt nhân, Nga hiện sở hữu 7.000 đầu đạn hạt nhân, trong khi con số này của Mỹ là 6.800.
Daryl Kimball, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Kiểm soát vũ khí độc lập cho biết: “Nga và Mỹ có số vũ khí nhiều hơn cần thiết để ngăn chặn các cuộc tấn công hạt nhân”.
Hiệp ước về hạn chế vũ khí hạt nhân mới giữa Nga và Mỹ, hay còn gọi là “START mới” quy định, đến ngày 5/2/2018, cả hai nước phải giới hạn kho vũ khí hạt nhân chiến lược về mức tương đương nhau trong 10 năm.
Hiệp ước này cho phép cả hai nước không có quá 800 bệ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa triển khai trên tàu ngầm và trên đất liền; không triển khai máy bay ném bom hạng nặng trang bị vũ khí hạt nhân và giới hạn ở mức cân bằng về các vũ khí hạt nhân khác.
Tổng thống Trump muốn sức mạnh hạt nhân Mỹ phải là số 1. (Ảnh: Reuters) |
Trong cuộc trả lời phỏng vấn, khi đề cập đến “START mới”, ông Trump gọi đây là thỏa thuận “một mặt”.
“Chỉ cần đó là một thỏa thuận xấu mà nước Mỹ đã ký, cho dù đó là START hay là thỏa thuận hạt nhân với Iran… Chúng tôi sẽ bắt đầu thực hiện những giao dịch tốt”, ông Trump nói.
Mỹ đang trong giai đoạn hiện đại hóa đội tàu ngầm có khả năng mang tên lửa đạn đạo, máy bay ném bom và tên lửa trên đất liền. Quá trình này được lên kế hoạch thực hiện trong 30 năm với kinh phí lên đến 1.000 tỷ USD.
Ông Trump đã phàn nàn rằng, việc Nga triển khai tên lửa hành trình ở một số khu vực là vi phạm hiệp ước năm 1987 cấm Nga, Mỹ triển khai tên lửa tầm trung trên đất liền.
“Đối với tôi, đó là một vấn đề lớn”, Tổng thống Mỹ Donald Trump, người nhiều lần công khai muốn có mối quan hệ tốt đẹp hơn với Nga, cho biết.
Khi được hỏi, liệu có nêu vấn đề này với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ cho biết, sẽ làm như vậy “nếu chúng tôi gặp nhau”. Tuy nhiên, ông Trump cho biết, trong kế hoạch của ông chưa hề có lịch cho cuộc gặp nào với nhà lãnh đạo Nga.
Trump “rất bực mình” với Triều Tiên
Cũng liên quan đến vấn đề vũ khí hạt nhân, nhưng là về mối đe dọa từ Triều Tiên, ông Trump đã bày tỏ lo ngại về vụ thử tên lửa đạn đạo tầm trung mới đây của Bình Nhưỡng và cho biết, việc “tăng tốc” triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa cho các đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc nằm trong số nhiều lựa chọn có sẵn.
Một quả tên lửa của Triều Tiên rời bệ phóng. (Ảnh: Reuters) |
Trước đó, truyền thông Nhật Bản đưa tin, sau Hàn Quốc, Nhật Bản đã bắt đầu có kế hoạch lấy ý kiến về việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ trên lãnh thổ nước này để cải thiện năng lực phòng vệ trước các mối đe dọa tiềm tàng đến từ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
Ông Trump cho biết, Trung Quốc có thể giải quyết thách thức an ninh quốc gia mà Triều Tiên gây ra “rất dễ dàng nếu họ muốn”, ngầm ý hối thúc Bắc Kinh phải có ảnh hưởng nhiều hơn để kiềm chế các hành động ngày một hiếu chiến từ phía chính quyền Bình Nhưỡng.
Trung Quốc đã nói rõ rằng, họ phản đối chương trình hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên và nhiều lần kêu gọi phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, kêu gọi Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán 6 bên.
Tuy vậy, những nỗ lực với mong muốn thay đổi hành vi của Triều Tiên thông qua các biện pháp trừng phạt trong quá khứ thường thất bại, phần lớn là vì sự e ngại của Bắc Kinh khi cho rằng, những biện pháp quá mạnh tay có thể gây hệ lụy khôn lường và tạo ra làn sóng người tị nạn chạy qua biên giới sang Trung Quốc.
Để giải quyết bài toán khó Triều Tiên, ông Trump không hoàn toàn loại trừ khả năng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào một thời điểm nào đó trong tương lai nhưng cho rằng, có vẻ như điều này đã là quá muộn.
"Việc này đã quá muộn. Chúng tôi rất tức giận về những gì ông ấy (Kim Jong-un) đã làm. Thành thật mà nói, vấn đề này lẽ ra phải được thực hiện dưới thời ông Obama", Tổng thống Mỹ Donald Trump nói./.