Tổng thống Trump chuẩn bị trừng phạt các bên can thiệp vào bầu cử Mỹ
Theo Reuters, Tổng thống Donald Trump có kế hoạch ký một lệnh hành pháp vào ngày 12/9 (giờ Mỹ) với nội dung trừng phạt bất cứ công ty hoặc cá nhân nước ngoài nào can thiệp vào các cuộc bầu cử Mỹ, dựa trên các phát hiện của các cơ quan tình báo Mỹ.
Thông tin do 2 nguồn tin quen thuộc vấn đề này đưa ra.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters. |
Tổng thống Trump chủ động chứng tỏ mình vô tội?
Quyết định trên của Tổng thống Trump trùng hợp với việc các cơ quan tình báo, quân đội và thực thi pháp luật của Mỹ chuẩn bị bảo vệ cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ vào ngày 6/11 tới trước các cuộc tấn công qua mạng của nước ngoài, thậm chí ngay cả khi ông Trump chế giễu một cuộc điều tra đặc biệt nhằm vào cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016.
Nhà Trắng từ chối đưa ra bình luận về vấn đề này.
Một quan chức Mỹ nói với Reuters rằng các mục tiêu trừng phạt bao gồm các cá nhân và toàn thể các công ty bị tố can thiệp vào bầu cử Mỹ bằng các cuộc tấn công qua mạng internet và các phương tiện khác.
Quan chức này cho hay: “Chính quyền muốn tạo ra một thông lệ mới trong không gian mạng. Đây là bước đầu tiên trong việc vạch ra các ranh giới và công khai tuyên bố phản ứng của chúng tôi đối với các hành vi xấu”.
Lệnh hành pháp nói trên là mới nhất trong chuỗi các nỗ lực của chính quyền ông Trump trong việc giám sát chặt chẽ an ninh bầu cử trước cuộc bầu cử vào tháng 11 tới – sự kiện bầu cử này sẽ quyết định liệu đảng Cộng hòa của ông Trump có giữ được đa số ở cả Hạ viện và Nghị viện Mỹ hay không.
Tập trung vào cáo buộc tấn công mạng
Các nguồn tin cho biết: Theo lệnh này, một loạt cơ quan sẽ được giao trách nhiệm quyết định xem liệu việc can thiệp có xảy ra hay không. Hoạt động xem xét này sẽ đặt dưới sự dẫn dắt của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia và bao gồm các cơ quan như Cục Tình báo Trung ương (CIA), Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), và Bộ An ninh Nội địa Mỹ.
Dựa trên bản thảo gần đây của lệnh này mà quan chức Mỹ nói trên được xem thì các cơ quan liên bang biết về sự can thiệp bầu cử từ nước ngoài sẽ phải chuyển thông tin đó sang Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia.
Trong sắc lệnh này, sự can thiệp vào bầu cử sẽ được xác định là các nỗ lực tấn công qua mạng chống lại “cơ sở hạ tầng bầu cử” và các nỗ lực tác động lên công luận thông qua tuyên truyền kỹ thuật số hay việc cố tình làm rò rỉ thông tin chính trị cá nhân một cách có hệ thống.
Các quan chức tình báo Mỹ đã phát hiện ra rằng trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016, các tin tặc Nga đã xâm nhập vào hệ thống máy tính của Ủy ban Quốc gia của đảng Dân chủ và làm rò rỉ các thông tin mật.
Các tờ báo Washington Post và Nhật báo Phố Wall trước đó từng đưa tin về các bản thảo sớm hơn nữa của sắc lệnh hành pháp đó.
Lách Quốc hội Mỹ?
Quan chức Mỹ giấu tên cho hay, Quốc hội Mỹ đã bị gạt ra một cách có chủ ý khỏi quá trình soạn thảo sắc lệnh hành pháp nói trên, bởi vì chính quyền Mỹ muốn ngăn cả Hạ viện và Thượng viện xem xét vấn đề này.
Các nghị sĩ Mỹ đã giới thiệu nhiều luật khác nhau liên quan đến Nga, bao gồm “Đạo luật Răn đe”, để xác định hình thức trừng phạt đối với việc can thiệp vào bầu cử. Họ cũng đã giới thiệu một dự luật trừng phạt nặng nề nhằm vào Moscow liên quan đến tội phạm mạng và hoạt động của họ ở Syria, Ukraine và các nơi khác.
Cả phe Dân chủ và phe Cộng hòa đều đang tìm cách sửa đổi điều mà họ coi là quan điểm mềm yếu của ông Trump đối với các cáo buộc về sự can thiệp của Nga vào bầu cử Mỹ 2016 khi ông Trump gặp Tổng thống Nga Putin tại một hội nghị thượng đỉnh vào tháng 7.
Quốc hội Mỹ đã thông qua một dự luật trừng phạt Nga cách đây hơn một năm. Một số nghị sĩ (kể cả những người thuộc đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ) tỏ ra khó chịu với điều mà họ coi là sự lưỡng lự của chính quyền trong việc thực thi luật trừng phạt đó. Tổng thống Trump chỉ ký ban hành luật này sau khi Quốc hội Mỹ thông qua nó với đa số áp đảo.
Chiểu theo luật trừng phạt này, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mạnh với 24 người Nga, trong có những người được cho là đồng minh của Tổng thống Nga Putin./.