Tổng thống Mỹ Donald Trump – “Người phá vỡ thỏa thuận”?
Ông Donald Trump, tác giả cuốn “Nghệ thuật thương thuyết”, luôn tự xây dựng cho mình phong cách của một “người làm nên thỏa thuận” (dealmaker). Nhưng trên cương vị Tổng thống Mỹ, đến nay ông chưa xây dựng được thỏa thuận nổi bật nào trên trường quốc tế, ngoài một thỏa thuận mua bán vũ khí nhiều tỷ USD với Saudi Arabia mà thực tế bị cho là không thực sự “hoành tráng” như Washington quảng bá.
Tổng thống Mỹ Donald Trump bị nhiều nhà phân tích coi là“Người phá vỡ thỏa thuận”. (Ảnh minh họa: Forbes) |
Thẳng tay “kết liễu” loạt thỏa thuận đa phương
Thay vào đó, Tổng thống Trump dường như biến mình thành “người phá vỡ thỏa thuận” (dealbreaker) khi lần lượt rút nước Mỹ khỏi thỏa thuận khí hậu Paris, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và đảo ngược chính sách cởi mở hơn với Cuba.
Chưa hết, tuần trước, chính quyền của Tổng thống Donald Trump lại tuyên bố rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) với cáo buộc cơ quan này có “thành kiến” chống lại Israel, đồng minh của Mỹ. Đại sứ Mỹ tại UNESCO Chris Hegadorn cũng nêu 2 lí do, đó là những căng thẳng gia tăng kể từ khi UNESCO kết nạp Palestine thành một quốc gia thành viên. Điều thứ 2 đó là tổ chức này đã bị chính trị hóa, ảnh hưởng đến các hoạt động của UNESCO, trở thành một diễn đàn có xu hướng chống Israel.
Washington cũng “đánh tiếng” rằng việc đàm phán lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) “chẳng chóng thì chầy” cũng sẽ dẫn tới sự sụp đổ của thỏa thuận này.
“Nạn nhân” tiếp theo “chết” dưới tay ông Trump là thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1, còn gọi là Kế hoạch hành động chung tổng thể (JCPOA). Cùng với việc không xác nhận Iran tuân thủ JCPOA, tuyên bố ngày 13/10 của Tổng thống Donald Trump cũng công bố chiến lược mới đối với Iran, trong đó nhấn mạnh đảm bảo Tehran sẽ không bao giờ sở hữu vũ khí hạt nhân.
Chuyện Tổng thống Mỹ rút khỏi thỏa thuận hay tổ chức quốc tế không phải là chưa từng có tiền lệ. Cựu Tổng thống Ronald Reagan cũng rút Mỹ khỏi UNESCO vì lý do tổ chức này có thành kiến chống lại Washington.
Các Tổng thống Mỹ cũng không ít lần tìm cách điều chỉnh những điều khoản trong các thỏa thuận mà Mỹ tham gia, đặc biệt là khi Nhà Trắng đổi chủ khác đảng, ví dụ như việc ông Barack Obama đàm phán lại các thỏa thuận thương mại của Tổng thống tiền nhiệm George W. Bush với Colombia, Panama và Hàn Quốc.
Nhưng chưa bao giờ trong lịch sử hiện đại của nước Mỹ lại có một chính quyền lấy việc phá vỡ các thỏa thuận quốc tế làm trọng tâm như những gì mà Nhà Trắng dưới thời ông Trump đang tiến hành.
“Học thuyết rút lui” của ông Donald Trump
Cách tiếp cận này của Tổng thống Donald Trump không hoàn toàn chỉ nhằm vào việc phá vỡ những thỏa thuận được coi là di sản của người tiền nhiệm thuộc phe Dân chủ Barack Obama (gồm TPP, thỏa thuận khí hậu Paris, thỏa thuận hạt nhân Iran và tiến trình bình thường hóa quan hệ với Cuba).
Ông Trump cũng không ngần ngại “đạp đổ” những thành tựu của cựu Tổng thống đảng Cộng hòa George W. Bush với việc đưa Mỹ tái gia nhập UNESCO, hay cựu Tổng thống Bill Clinton với nỗ lực đàm phán thành công NAFTA, một thỏa thuận được “thai nghén” qua 2 đời Tổng thống Ronald Reagan và George H.W. Bush.
“Chính sách đối ngoại của ông Trump đã tìm được chủ đề. Đó là Học thuyết rút lui” – Chủ tịch tổ chức phi đảng phái có tên Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), ông Richard Haass nhận định.
Tổng thống Trump có thể biện luận rằng giờ mới chỉ là “bình minh” nhiệm kỳ của ông, rằng ông đang “phá hủy một cách có sáng tạo” và điều này là cực kỳ cần thiết cho việc tái định hình chính sách đối ngoại của Mỹ, như ông đã hứa hẹn trong chiến dịch tranh cử; Hay cho rằng ông còn chưa có cơ hội tạo ra điều gì đó mới mẻ ngay từ đầu.
Thực tế, đó chính xác là lập luận Tổng thống đưa ra trong một cuộc phỏng vấn mới đây với Forbes.
Khi phóng viên Forbes hỏi, liệu ông (Trump) có cảm thấy trách nhiệm cần phải thượng tôn những thỏa thuận mà chính quyền trước đã tham gia?
“Không” – ông Trump trả lời ngay tức thì.
Và đó là tiền lệ cực kỳ nguy hiểm khi một nước Mỹ mà mỗi chính quyền, thay vì xây dựng, củng cố các thỏa thuận của những chính quyền tiền nhiệm, lại phá hủy chúng và điều này sẽ làm suy yếu đáng kể quyền uy của lãnh đạo Mỹ.
Nhưng một lần nữa ông Trump nhún vai phớt lờ: “Tôi cho rằng NAFTA sẽ phải chấm dứt nếu chúng ta muốn làm cho tốt. Nếu không, tôi tin là sẽ chẳng thể đàm phán một thỏa thuận tốt. TPP cũng chỉ là một phiên bản quy mô lớn hơn của NAFTA và nó sẽ là một thảm họa. Tôi rất vinh dự và coi là một thành tựu lớn của bản thân nếu ngăn chặn được điều đó. Nhiều người sẽ đồng ý với tôi. Tôi thích những thỏa thuận song phương”.
“Phá” quá nhiều khi chưa rõ sẽ “xây” bao nhiêu
Tất nhiên là ông Trump thích các thỏa thuận song phương bởi đó là điều ông đã làm cả đời mình. Tuy nhiên những thỏa thuận song phương luôn ngầm vẽ ra hình ảnh bên thắng, bên thua và đó dường như không phải là xu hướng của thế giới đang ngày càng đa cực này.
“Đối với tôi, nước Mỹ là trên hết. Chúng ta đã làm điều đó [viện trợ nước ngoài – ND] quá lâu nên giờ mới nợ tới 20 nghìn tỷ USD” – ông Trump lập luận.
“Tôi nhìn nhận ông Trump vẫn như là một nhà tài phiệt bất động sản”, Fiona Hill, một chuyên gia về Nga hiện góp mặt trong Hội đồng An ninh Quốc gia của ông Trump nhận định. “Ông ấy nhìn vào một ngôi nhà và nói ‘tôi sẽ kéo sập nó rồi xây một thứ gì đó mới’. Ông ấy chính xác không phải là Quý ngài thích bảo tồn”.
Vấn đề của việc “phá hủy một cách sáng tạo” là dù gì ông Trump cũng phải phá hủy một thứ gì đó.
Trong trường hợp thỏa thuận hạt nhân Iran, phe Dân chủ, các đồng minh của Mỹ ở châu Âu và thậm chí chính các cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump cũng lo ngại rằng việc không tiếp tục công nhận Iran tuân thủ JCPOA chỉ làm tổn hại uy tín của nước Mỹ.
Ở những trường hợp khác, dù đối tác là Thủ tướng Canada Justin Trudeau với thiện chí tái đàm phán NAFTA, hay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang không mặn mà với giải pháp đàm phán ngoại giao cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo này, họ đều băn khoăn xem liệu có thể tin được một nước Mỹ khó lường như tính cách của ông Trump, người đến thỏa thuận của những người tiền nhiệm cũng không tôn trọng.
“Rõ ràng việc chúng ta tôn trọng các thỏa thuận đã ký, trừ khi có sự vi phạm nghiêm trọng, sẽ có tác động đến việc các bên khác có sẵn lòng ký thỏa thuận mới hay không” – Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Joseph Dunford thừa nhận trước Quốc hội khi nói về ảnh hưởng từ quyết định của ông Trump với Iran đến giải pháp hòa bình cho bán đảo Triều Tiên.
Một học thuyết đối ngoại với quá nhiều quyết định rút lui cũng sẽ gây nghi ngờ đối với cam kết của Mỹ trong hệ thống quốc tế phức tạp mà chính nước này góp phần xây dựng sau Thế chiến thứ II, mà ở đó các nước có thể hợp tác để vượt qua bất cứ quốc gia đơn lẻ nào.
Ví dụ, nếu chính quyền của Tổng thống Donald Trump quyết định từ bỏ Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân và các nước khác như Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Iran, Nga đều đồng ý thì hành động đó sẽ nói lên điều gì về việc liệu Mỹ có muốn theo đuổi giải pháp ngoại giao cho những vấn đề khó khăn hơn như không phổ biến vũ khí hạt nhân? Rõ ràng việc ông Trump đe dọa thỏa thuận hạt nhân Iran đã cho thấy “người Mỹ đã từ bỏ trật tự tự do đa phương”, một nhà ngoại giao châu Âu bình luận trên Daily Beast.
Đại sứ Đức tại Mỹ Peter Wittig cũng chia sẻ quan điểm này, cho rằng việc ông Trump rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris trong khi gần như tất cả các nước đã ký văn bản đó đã cho thấy Tổng thống Mỹ “ưu tiên chương trình nghị sự trong nước hơn là tham vọng thể hiện vai trò lãnh đạo của Mỹ trên trường quốc tế”.
Ông Peter Wittig nhận định: “Ở đâu đó ngoài kia xuất hiện nỗi sợ rằng nước Mỹ đang bắt đầu bắt đầu một thay đổi mang tính cấu trúc trên thế giới bằng cách tạo ra hoặc để mặc một khoảng trống”./.