Tổng thống Macron và bài toán “cương - nhu” với Tổng thống Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón tiếp trọng thị trong lễ duyệt binh chào mừng Quốc khánh Pháp.
Mới nhưng không bỡ ngỡ
Thời gian ngồi ghế Tổng thống Pháp của ông Emmanuel Macron mới hơn 2 tháng, nhưng vị Tổng thống trẻ nhất lịch sử Pháp đang chứng tỏ mình là người không hề e dè hay chậm chạp chút nào trong việc bắt nhịp vào đời sống chính trị quốc tế. Thậm chí, có thể nói là đối ngoại đang là lĩnh vực mà ông Macron đang thể hiện thành công nhất ở cương vị Tổng thống Pháp.
Thời gian vừa qua, ông Macron đã có hàng loạt các cuộc gặp ấn tượng, đầu tiên phải kể tới là việc mời Tổng thống Nga, Vladimir Putin đến Versailles kỷ niệm 300 năm ngày Sa hoàng Nga Pierre Đại Đế thăm Pháp. Tiếp đến là sự xuất hiện ấn tượng tại Thượng đỉnh G7, G20 và bây giờ là việc tiếp đón Tổng thống Mỹ Donald Trump trong lễ duyệt binh Quốc khánh Pháp, nhân kỷ niệm 100 năm nước Mỹ tham chiến tại Thế chiến I.
Cả ông Macron và ông Trump hiện đều hướng tới mục tiêu củng cố quan hệ song phương. (Ảnh: Reuters) |
Việc ông Macron liên tiếp có các tiếp xúc chặt chẽ với lãnh đạo các cường quốc hàng đầu thế giới cho thấy, vị tân Tổng thống Pháp đang rất nỗ lực đưa nước Pháp trở lại với vai trò lớn trong quan hệ quốc tế, với cái đích biến nước Pháp và Paris thành một đối tác trung gian tin cậy của mọi tiếp xúc lớn trên phạm vi toàn cầu.
Trong nhiều đời Tổng thống Pháp gần đây, vai trò của Pháp suy giảm khá nhiều, dù nước này vẫn là một Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hiệp quốc. Ông Macron đang phấn đấu thay đổi điều này và cho đến lúc này thì mọi việc đang tiến triển tốt. Sự năng động và năng lượng mới mẻ mà ông Macron đem đến có vẻ như đang giúp Pháp dần lấy lại hình ảnh.
Bối cảnh hiện tại trong quan hệ quốc tế đang có lợi cho chiến lược của ông Macron. Tại châu Âu, sức ảnh hưởng của nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel, người vẫn được xem như là lãnh đạo của châu Âu, đang bị thu hẹp vì nhiều vấn đề. Bà Merkel hiện có quan hệ không tốt, nếu không muốn nói là rất xấu với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ngoài ra, trong 2 tháng nữa bà Merkel sẽ phải đối mặt với một cuộc bầu cử vô cùng quan trọng để giữ ghế Thủ tướng nên không gian hành động hiện tại của bà Merkel tương đối hạn chế.
Một cường quốc châu Âu khác là Anh thì đang rối bời vì Brexit và bất ổn nội bộ trên chính trường.
Trong hoàn cảnh đó, ông Macron nổi lên như một ngôi sao mới, sẵn sàng chìa bàn tay làm cầu nối với tất cả các bên, xoa dịu quan hệ đang căng thẳng giữa Mỹ với Đức hay với Nga. Việc mời ông Trump đến dự lễ duyệt binh quốc khánh Pháp, chính là một bước đi nữa trong chiến lược này đang rất thành công này của ông Macron.
Thuyết phục đến cùng
Một tuần trước tại Hamburg (Đức), khi đang tham dự Hội nghị G20, Tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố “tôi không bao giờ có ý nghĩ tuyệt vọng khi phải thuyết phục ai đó” khi được hỏi về việc Donald Trump rút nước Mỹ khỏi Thoả thuận Paris về chống biến đổi khí hậu.
Trong đánh giá mình, Emmanuel luôn cho rằng dù hiện nay giữa Mỹ và Pháp cũng như các đồng minh phương Tây khác có rất nhiều bất đồng về nhiều chủ đề, từ biến đổi khí hậu đến vai trò của NATO hay việc thực thi chính sách bảo hộ trong thương mại… nhưng trước sau Mỹ vẫn là một đối tác không thể bỏ qua với Pháp. Chính vì thế, dù nhiều lần công khai phản đối ông Trump nhưng ông Macron vẫn giữ liên hệ rất mật thiết với Tổng thống Mỹ.
Sau cái bắt tay “nắn gân” không ai chịu ai trong lần đầu tiên gặp mặt, Macron và Trump đã trao đổi với nhau qua điện thoại rất nhiều lần thời gian qua và việc Macron mời Trump đến dự quốc khánh Pháp là một hành động rất trọng thị, trong thời điểm mà Donald Trump đang cần nâng cao hình ảnh cá nhân hơn bao giờ hết.
Cũng cần phải nhắc lại, lần cuối cùng Pháp dành vinh dự như thế cho một vị Tổng thống Mỹ đã cách đây gần 30 năm, vào năm 1989 khi Tổng thống Pháp khi đó là Francois Mitterand mời Tổng thống Bush “cha” dự quốc khánh Pháp nhân dịp kỷ niệm 200 năm cách mạng Pháp.
Trong chuyến đi lần này đến Paris, ông Donald Trump được dành cho sự đón tiếp trọng thị nhất từ phía Pháp. Đó là điều mà ông Trump chưa từng được đón nhận từ phía các đồng minh châu Âu truyền thống từ khi lên làm Tổng thống Mỹ cách đây 6 tháng. Thậm chí chuyến thăm dự kiến của ông Trump đến Anh, đồng minh thân thiết nhất với Mỹ, còn bị hoãn do bị dư luận Anh phản đối gay gắt.
Chính vì thế, tất cả những gì Emmanuel Macron dành cho Donald Trump sẽ là một mũi tên trúng nhiều đích. Trước tiên, là nâng cao vị thế của nước Pháp như là nhân tố trung gian, hoà giải đáng tin cậy nhất hiện nay giữa các nước lớn và trong quan hệ quốc tế.
Tiếp đến, quan trọng không kém, là không đẩy chính quyền Mỹ của ông Donald Trump vào thế đối đầu bởi suy cho cùng Mỹ vẫn là siêu cường thế giới và các lợi ích của nước Pháp hay châu Âu không thể được đảm bảo nếu không duy trì được mối quan hệ mang tính xây dựng với Mỹ.
Al-Assad không còn là trở ngại bất biến
Trong chiều 13/7, hai Tổng thống Pháp và Mỹ đã hội đàm về nhiều vấn đề, từ thương mại giữa hai nước, đến an ninh, chống khủng bố và sự ổn định tại Trung Đông. Về vấn đề Syria, Tổng thống Pháp Macron tuyên bố Mỹ và Pháp thống nhất sẽ tiếp tục làm việc với nhau để đưa ra các đề xuất ngoại giao nhằm xây dựng lộ trình hậu chiến tại Syria.
Đối với một trong những vấn đề được quan tâm nhất là số phận của nhà lãnh đạo Syria, ông Bashar Al-Assad, phía Pháp tuyên bố “Pháp không muốn đặt sự ra đi của ông Al-Assad là điều kiện hàng đầu cho các thảo luận về tương lai Syria”. Đây là sự thay đổi khá đáng chú ý trong quan điểm của Pháp về Syria, bởi dưới thời Tổng thống Francois Hollande, Pháp luôn đòi hỏi mọi kịch bản hậu chiến tại Syria đều phải bắt đầu bằng việc ông Al-Assad ra đi.
Ngoài ra, Pháp và Mỹ cũng thống nhất rằng, hai bên sẽ cùng đặt ra một ranh giới đỏ với chính quyền Syria, nếu nước này vượt qua sẽ bị trừng phạt. Ranh giới đó là việc chính quyền Syria không được phép sử dụng vũ khí hoá học, nếu sử dụng Pháp và Mỹ sẽ trả đũa ngay lập tức bằng biện pháp quân sự.
Châu Âu tuỳ biến với Tổng thống Trump
Cho đến thời điểm này, có thể nói cách các nước châu Âu tiếp cận với chính quyền mới ở Mỹ cũng như với cá nhân Tổng thống Mỹ Donald Trump rất khác nhau.
Trong khi nước Đức và nữ Thủ tướng Angela Merkel đang công khai thể hiện công khai sự căng thẳng, bất đồng với Mỹ và cá nhân ông Trump thì một số nước khác, như Ba Lan, lại đang rất tung hô quan hệ với tân chính quyền mới ở Washington.
Tuy nhiên, cách tiếp cận phổ biến của các nước châu Âu và của chính Liên minh châu Âu với chính quyền mới ở Mỹ là thận trọng. Các nước này dường như vẫn chưa nắm bắt được sự thất thường trong chính sách đối ngoại, cũng như trong chính tính cách cá nhân của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cho nên, dù có thể không hài lòng về nhiều vấn đề, các quốc gia này vẫn giữ thái độ khá kín đáo bởi trước sau nước Mỹ vẫn là một siêu cường.
Trong bối cảnh đó, nước Pháp của tân Tổng thống Emmanuel Macron đang thể hiện sự chủ động và linh hoạt nhất trong quan hệ với Mỹ.
Trong thời gian trước mắt, rất khó để các nước châu Âu xây dựng được một cách tiếp cận chung đối với chính quyền Mỹ của Tổng thống Donald Trump. Mỗi nước sẽ có cách tiếp cận dựa trên lợi ích quốc gia của mình./.
Quang Dũng/VOV-Paris