Tổng thống Donald Trump: Thành quả nhạt nhòa, khó khăn chồng chất
Tuy vậy, người đứng đầu Chính phủ Mỹ không có được một lễ kỷ niệm ngọt ngào, bởi hàng loạt khó khăn, thách thức đang bủa vây và dự báo rất nhiều trắc trở đang chờ đợi ông trong hai năm còn lại của nhiệm kỳ thứ nhất.
Với xuất phát điểm là một doanh nhân, tỷ phú và là người có cá tính mạnh lên làm tổng thống, trong hai năm qua, ông Donald Trump đã thực hiện quản lý, điều hành Chính phủ theo phương thức “phi truyền thống”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters) |
Điều đó khiến cho tình hình chính trị nội bộ Mỹ luôn ở trạng thái căng thẳng, trong khi quan hệ giữa Mỹ không chỉ với các nước đối địch, mà ngay cả các nước đồng minh và đối tác cơ bản xấu đi.
Tính đến ngày 21/01, tình trạng đóng cửa một phần Chính phủ đã bước sang ngày thứ 31, thời gian dài nhất trong lịch sử nước Mỹ, khiến 800 nghìn công chức Liên bang phải nghỉ việc tạm thời hoặc đi làm mà không được trả lương, rất nhiều hoạt động bị đình trệ và cuộc sống của người dân Mỹ bị đảo lộn.
Thiệt hại về mặt kinh tế là không hề nhỏ, bởi cứ mỗi tuần Chính phủ Mỹ ngừng hoạt động thì tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ sụt giảm 0,1 điểm phần trăm, tương đương với số tiền 1,2 tỷ đôla. Tổn thất kinh tế đối với người dân Mỹ cũng ngày càng tăng. Đây là một trong những lý do chính khiến tỷ lệ ủng hộ ông Donald Trump sụt giảm liên tục. Kết quả điều tra dư luận mới nhất do hãng NPR/Marist poll tiến hành trên cả nước cho thấy, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Donald Trump hiện chỉ ở mức 39% và không ủng hộ là 53%.
Về mặt chính trị, theo Viện Brookings, trong hai năm cầm quyền vừa qua, có tới hơn 60% quan chức trong Chính quyền đã ra đi do bất đồng về quan điểm và chính sách, nhiều hơn bất kỳ tổng thống nào.
Đáng chú ý, trong số đó có những quan chức hàng đầu như Ngoại trưởng Rex Tillerson, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis,…. Sau cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11 năm 2018, đảng Dân chủ đã giành lại quyền kiểm soát Hạ viện khiến thế đối đầu giữa hai phe bị đẩy lên một nấc thang mới.
Các cuộc điều tra do phe Dân chủ khởi xướng đang xoay quanh những bê bối liên quan tới chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 2016 và đế chế kinh doanh của gia đình Donald Trump. Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát đã sẵn sàng “tra khảo” ông Michael Cohen, cựu luật sư riêng và “người đi đút lót” của Tổng thống Donald Trump, tại phiên điều trần của Ủy ban Tư pháp Hạ viện trong một vài tuần nữa.
Trong lĩnh vực kinh tế, Đạo luật cắt giảm thuế và việc làm năm 2017 đã bơm hàng tỷ đôla vào nền kinh tế Mỹ, cùng với đó là chính sách nới lỏng kiểm soát doanh nghiệp góp phần thúc đẩy đầu tư kinh doanh và tăng trưởng trong Quý 3 năm 2018 lên mức cao nhất kể từ năm 2014. Trung tâm chính sách thuế ước tính, việc cắt giảm thuế đã giúp tăng thêm 0,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2018, tại thời điểm tăng trưởng trên toàn cầu đang giảm dần. Chuyên gia Courtney McCaffrey thuộc Công ty tư vấn quản lý AT Kearney nhận định, trong cả năm 2018, hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới bắt đầu tăng trưởng chậm lại nhưng nền kinh tế Mỹ thì không.
Biện pháp kích thích kinh tế đó đã giúp thị trường việc làm tăng trưởng mạnh, tỷ lệ thất nghiệp trong năm tháng cuối năm 2018 luôn duy trì ở mốc 3,7%, mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm 1969.
Trên mặt trận đối ngoại, với khẩu hiệu “nước Mỹ trước tiên”, ông Donald Trump đã thực thi chính sách đối ngoại theo hướng bất cứ điều gì có lợi cho Mỹ mới làm, không bận tâm đến phản ứng của các nước, cho dù là đồng minh hay đối tác. Ông Donald Trump cũng đã tuyên bố từ bỏ vai trò “Cảnh sát toàn cầu” của Mỹ.
Có lẽ, dấu ấn lớn nhất của Tổng thống Donald Trump trong hai năm vừa qua là cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử lần đầu tiên với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore vào tháng 6 năm 2018 và đang thúc đẩy cuộc gặp lần thứ hai vào cuối tháng 2 tới. Đây được xem là sự đảo chiều hoàn toàn trong cách tiếp cận của Mỹ đối với vấn đề Triều Tiên, bởi thời điểm ông Donald Trump mới lên nắm quyền hai bên đã ở rất gần một cuộc “chiến tranh tàn khốc”.
Bên cạnh đó, tháng 7 năm 2018, ông Donald Trump gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Phần Lan, đã giúp làm dịu thế đối đầu căng thẳng Nga - Mỹ và Nga - phương Tây trong một thời gian dài trước đó.
Trái ngược với hai cuộc gặp được xem là “dấu ấn” nêu trên là hàng loạt các quyết định của ông Donald Trump gây tranh cãi và bị công luận lên án mạnh mẽ. Đầu tiên là quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Chính quyền Tổng thống Barack Obama đã kiên trì đàm phán và ký kết.
Tháng 5 năm 2017, ông Donald Trump cũng quyết định rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran dưới tên gọi Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) và một tháng sau đó là Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Ông Donald Trump cũng còn đơn phương công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và áp đặt các mức thuế cao lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, khơi mào cho cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa biết đến khi nào mới được hóa giải.
Ông Donald Trump cũng yêu cầu các nước đồng minh phải đàm phán lại các hiệp định tự do thương mại song phương, đa phương, trong đó ưu tiên thỏa thuận song phương theo hướng có lợi hơn cho nước Washington và từng tuyên bố xem Liên minh châu Âu (EU) là “kẻ thù” của Mỹ về lĩnh vực thương mại. Ông Donald Trump nhiều lần đòi hỏi các đồng minh châu Âu trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phải chia sẻ gánh nặng lớn hơn trong việc đảm bảo an ninh bằng cách tăng chi tiêu quốc phòng của mỗi nước lên mức 2% vào năm 2024. Mới đây nhất, ông Donald Trump tuyên bố sẽ rút toàn bộ 2.000 lính Mỹ đang tham chiến tại Syria về nước.
Đánh giá về những hành động trên trường quốc tế của Tổng thống Mỹ trong hai năm vừa qua, cựu Ngoại trưởng John Kerry cho rằng điều đó không giúp ích gì cho nước Mỹ và ông Donald Trump không phải là nhà đàm phán. Trả lời phỏng trên Truyền hình CNN phát sóng tối 17/01, cựu Ngoại trưởng John Kerry nhấn mạnh, ông Donald Trump là một tổng thống rút lui, bỏ đi và không mang lại những lợi ích cho nước Mỹ. Theo ông John Kerry, dù luôn tuyên bố mình là nhà đàm phán vĩ đại nhất thế giới, thực tế ông Donald Trump đang không đàm phán và đã tự cô lập nước Mỹ.
Với những gì đã thực thi trong hai năm vừa qua, có thể khẳng định rằng dấu ấn cá nhân và thành quả mà ông Donald Trump mang lại cho nước Mỹ là không đáng giá, ngược lại, những chính sách đó đang gây ra sự chia rẽ, đối đầu căng thẳng không chỉ trên chính trường Mỹ, mà còn với rất nhiều nước trên thế giới.
Ông Donald Trump đã chính thức bước vào năm thứ ba của nhiệm kỳ đầu tiên trong bối cảnh chính phủ tiếp tục phải đóng cửa một phần và chưa biết khi nào mở lại; tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại và các thị trường chứng khoán hỗn loạn.
Các quyết sách kinh tế của ông Donald Trump trong nửa nhiệm kỳ đầu đã giúp nền kinh tế Mỹ tăng tốc trong năm 2018, nhưng hầu hết các dự báo đều cho thấy nền kinh tế số một thế giới đang bắt đầu bước vào chu kỳ suy giảm, nhất là trong bối cảnh căng thẳng thương mại không chỉ với Trung Quốc mà cả EU, Nhật Bản tiếp diễn.
Thỏa thuận thương mại vừa ký với Mexico và Canada (USMCA), phiên bản mới của Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) có nguy cơ sẽ không được Quốc hội phê chuẩn. Cuộc chiến ngân sách giữa Nhà Trắng và Hạ viện, không chỉ liên quan tới số tiền 5,7 tỷ đôla để xây bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico, mà còn nhiều khoản chi khác sẽ tiếp tục. Tóm lại, rất nhiều khó khăn, trắc trở trên cả mặt trận đối nội và đối ngoại đang chờ đợi Tổng thống Donald Trump trong hai năm còn lại của nhiệm kỳ đầu tiên./.