Tòa án nhân dân tối cao ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Ảnh minh họa. (Nguồn: plvn.vn) |
Theo đó, việc tổ chức lấy ý kiến về các quy định của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhằm mục đích huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tòa án và các vị Hội thẩm trong việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức ngành Tòa án và các vị Hội thẩm trong việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và thi hành Hiến pháp.
Cụ thể, nội dung lấy ý kiến bao gồm toàn bộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ngoài ra, còn lấy ý kiến về những nội dung liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân quy định tại Chương VIII Dự thảo Hiến pháp sửa đổi (từ Điều 107 đến Điều 114); trong đó, cần đặc biệt tập trung đóng góp ý kiến đối với các quy định về chức năng, nhiệm vụ của TANDTC để tiếp tục đề xuất bổ sung vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 quy định về chức năng giải thích pháp luật và ban hành án lệ của TANDTC.
Đối tượng lấy ý kiến bao gồm: Hội đồng Thẩm phán TANDTC; các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao; các Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp; các cán bộ, công chức, viên chức công tác trong ngành Tòa án, Hội thẩm nhân dân và Hội thẩm quân nhân.
TANDTC thành lập Ban Chỉ đạo việc tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Chánh án TANDTC làm Trưởng ban để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra thực hiện Kế hoạch.
Lãnh đạo TANDTC yêu cầu Tòa án quân sự Trung ương, các đơn vị thuộc TANDTC, các Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp có trách nhiệm phổ biến, quán triệt để Thẩm phán, Hội thẩm, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án và các cán bộ, công chức, viên chức khác của Tòa án tham gia đóng góp ý kiến và phản ánh trung thực, kịp thời ý kiến đóng góp về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; không để các đối tượng xấu, thế lực thù địch lợi dụng chống phá, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo chặt chẽ của lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao và lãnh đạo của Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp trong việc lấy ý kiến Thẩm phán, Hội thẩm, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án và các cán bộ, công chức, viên chức khác của ngành Tòa án về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Việc tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 phải được coi là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm của ngành cần được ưu tiên và tập trung chỉ đạo thực hiện, bảo đảm chất lượng và đúng tiến độ theo yêu cầu. Theo đó, việc tổ chức lấy ý kiến phải được tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, công khai, thiết thực và tiết kiệm. Ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 phải được tập hợp đầy đủ, chính xác, khách quan, trung thực và là cơ sở để góp phần hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Theo Kế hoạch, đến trước ngày 25/2, các đơn vị trực thuộc TANDTC, Tòa án nhân dân và Tòa án Quân sự các cấp tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo, xây dựng báo cáo của cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Trước ngày 31/3, TANDCTC sẽ tổng hợp, gửi Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp Báo cáo Tổng hợp ý kiến của ngành Tòa án về dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992./.
Theo Báo điện tử ĐCSVN