Quốc hội quyết định ngân sách Trung ương và địa phương
Khoản 4, Điều 75, trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 nêu 2 phương án về Quốc hội quyết định ngân sách Nhà nước.
Phương án 1: Quốc hội quyết định dự toán ngân sách Nhà nước và phân bổ ngân sách Trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước.
Phương án 2: Quốc hội quyết định dự toán và phân bổ ngân sách Trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách Trung ương.
Về nội dung này, đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP HCM) cho rằng cần phân định rõ ràng ngân sách quốc gia do Chính phủ trung ương đại diện và thông qua Quốc hội gồm có phần chi trung ương và phần chi phân bố cho địa phương. Cho nên phải phân biệt rạch ròi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Cái gì của quốc gia thì 1 đồng Quốc hội phải dự toán, phải giám sát và phải quyết toán. Còn cái gì của địa phương dù có 100 đồng thì cái đó do Hội đồng nhân dân địa phương quyết định. “Tôi ủng hộ phương án 2 nhưng phải làm rõ hơn cái nào là ngân sách địa phương phần nào là ngân sách quốc gia, hỗ trợ địa phương là nằm trong phần phải xử lý. Điều khoản này phải tạo điều kiện tăng tự chủ phần ngân sách địa phương. Phần địa phương nào mà khoản tiền tự thu càng lớn thì tự chủ càng lớn, còn phần nào tự thu càng nhỏ thì tự chủ càng nhỏ. Đấy là một động lực để chúng ta phát triển lâu dài”.
Tán thành với phương án 1 và cho ý kiến về nội dung này, Đại biểu Đặng Đình Luyến (đoàn Khánh Hòa) lập luận: Phương án 1 cơ bản kế thừa Hiến pháp năm 1992 và trên thực tế trong những năm qua, chúng ta không có gì vướng mắc. Hơn nữa, Nhà nước ta là Nhà nước đơn nhất, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, nên việc quản lý, điều hành đất nước, trong đó có việc quyết định vấn đề ngân sách Nhà nước phải bảo đảm sự thống nhất toàn diện và việc giao cho Quốc hội quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước bao gồm ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, đây là một phương án hợp lý và bảo đảm tính thống nhất.
Cùng quan điểm này, đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (đoàn Đắk Nông) cho rằng: Quốc hội đã quyết định dự toán phân bổ loại ngân sách gì thì phê chuẩn, quyết toán ngân sách đó là phù hợp.
Đại biểu giải thích, phương án 1, Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước, nghĩa là trong đó bao hàm cả việc phê chuẩn quyết toán ngân sách Trung ương. Phương án 1 bao gồm cả phương án 2. Mặt khác, phương án 2 có thêm ý, “xem xét báo cáo tổng hợp dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước” là không cần thiết. Vì trước khi quyết định dự toán và phân bổ cũng như phê chuẩn quyết toán ngân sách, Quốc hội phải nghiên cứu, thảo luận, xem xét dự toán và quyết toán ngân sách.
Đại biểu Bùi Đức Thụ (đoàn Lai Châu) cũng đồng tình phương án thứ nhất, và cho rằng qui định như phương án 1 là phù hợp thẩm quyền của Quốc hội với tư cách là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, phù hợp nghĩa vụ của đại biểu Quốc hội là đại diện cho nhân dân của cả nước quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước, trong đó có vấn đề về tài chính, ngân sách. Quyết định ngân sách nhà nước chứ không phải là một bộ phận của ngân sách Nhà nước. Quy định theo phương án 1 cũng đảm bảo tính thống nhất hệ thống ngân sách nhà nước và nếu Quốc hội chỉ quyết định ngân sách trung ương thì sẽ dẫn đến việc thực hiện một số lĩnh vực như giáo dục đào tạo, KHCN là không thực hiện được. Phần ngân sách này vừa bố trí ở trung ương, vừa ở địa phương (phần do 63 tỉnh thành tự quyết định thì không thể bằng phần từ Nghị quyết Trung ương).
Theo Luật quản lý nợ công thì nghĩa vụ của Quốc hội là quản lý nợ công. Luật qui định nợ công gồm nợ chính phủ, nợ chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương. “Nếu Quốc hội chỉ quyết định phần ngân sách trung ương thì tôi e rằng quản lý nợ công của chúng ta sẽ khó kiểm soát, ảnh hưởng tới an ninh tài chính quốc gia”./.
Theo VOV