Tiết lộ động trời của Tổng thống Erdogan về vụ thủ tiêu Khashoggi
Ngày 10/11, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo họ đã gửi đoạn băng ghi âm về vụ sát hại nhà báo Saudi Arabia bất đồng chính kiến Jamal Khashoggi tới Mỹ và các nước phương Tây khác – động thái sẽ làm gia tăng áp lực lên Tổng thống Mỹ Trump trong việc phải có biện pháp mạnh tay hơn với đồng minh Saudi Arabia liên quan đến vụ án mạng này.
Tổng thống Erdogan (thắt ca-vát đỏ) xuất hiện tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, vào hôm 10/11. Ảnh: AP. |
Diễn biến mới quan trọng
Đích thân Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã thông báo điều này. Đây là lần đầu tiên ông Erdogan thừa nhận công khai về sự tồn tại của đoạn băng ghi âm ghi lại vụ thủ tiêu nhà báo Khashoggi bên trong lãnh sự quán Saudi ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, hồi tháng 10.
Saudi Arabia đã thừa nhận nhân viên đặc vụ của họ đã ra tay giết chết nhà báo Khashoggi nhưng phủ nhận vụ sát hại này được tiến hành theo mệnh lệnh từ Thái tử Mohammed bin Salman – nhà lãnh đạo trên thực tế của vương quốc Saudi Arabia và là đồng minh thân cận của Tổng thống Trump, đồng thời có quan hệ gần gũi với con rể Jared Kushner của ông Trump.
Trong buổi họp báo ở Ankara trước khi bay tới Paris để cùng các nhà lãnh đạo thế giới dự lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế chiến 1, ông Erdogan phát biểu: “Chúng tôi đã trao cho họ các đoạn băng. Họ đã nghe các đoạn hội thoại trong đó, họ biết chuyện đó. Không cần phải bóp méo điều này”.
Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, họ đã cung cấp đoạn băng bí mật này cho Mỹ, Anh, Pháp, Đức và cả Saudi Arabia.
Tuyên bố của ông Erdogan có thể đặt ông Trump vào thế khó xử vì ông vẫn từ chối sử dụng các lệnh trừng phạt cứng rắn nhằm vào Saudi Arabia liên quan đến vụ việc. Chính quyền ông Trump cho tới nay mới chỉ có những biện pháp nhẹ nhàng đối với chính quyền Saudi, như là ngừng các chuyến bay tiếp nhiên liệu trên không cho chiến dịch quân sự của Saudi ở Yemen…
Các quan chức tình báo và giới ngoại giao cấp cao cho rằng chiến dịch ám sát ông Khashoggi gần như chắc chắn phải nhận được sự phê chuẩn từ Thái tử Salman, tuy nhiên các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố rằng các đoạn băng ghi âm không ám chỉ trực tiếp sự liên quan của vị thái tử này.
Chứng cứ sống động
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây trước đó đã thảo luận sự tồn tại của các đoạn băng ghi âm về vụ thủ tiêu, nhưng các quan chức tham gia thảo luận này đều giấu tên. Dẫu vậy, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã cho hay, đoạn ghi âm bao gồm bằng chứng rõ ràng về việc sát hại đã được mưu tính trước, trong đó một biệt đội đặc vụ Saudi Arabia đã hành động một cách nhanh chóng và có phương pháp để phân xác thi thể nhà báo Khashoggi bằng một chiếc cưa xương. Các quan chức này cho hay, đoạn băng không bao gồm chứng cớ về cáo buộc ông Khashoggi bị tra tấn.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Gina Haspel đã gặp gỡ các quan chức tình báo Thổ Nhĩ Kỳ ở Ankara vào tháng 10. Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ cùng nói rằng bà Haspel đã được phép nghe đoạn ghi âm đó nhưng không mang theo một bản sao nào.
Cách phát biểu của ông Erdogan có thể hàm ý ông này coi việc chia sẻ băng ghi âm với bà Haspel là tương đương với việc trao nó cho nước Mỹ.
Đối với CIA, việc sở hữu một bản sao đoạn ghi âm này có ý nghĩa quan trọng trong việc kiểm chứng độ xác thực, xác định cách thức tạo ra đoạn ghi âm, và độc lập phân tích nội dung của đoạn ghi âm.
Ông Erdogan không tiết lộ chi tiết về nội dung của các đoạn băng nhưng hai nguồn tin biết về vấn đề này đã nói với Reuters rằng Thổ Nhĩ Kỳ có vài đoạn băng như vậy, bao gồm đoạn băng về quá trình giết hại nhà báo và các đoạn băng ghi các đoạn hội thoại trước ngày diễn ra chiến dịch ám sát nhà báo. Chính nhờ các đoạn băng này mà Thổ Nhĩ Kỳ ngay từ giai đoạn đầu đã kết luận được đây là vụ sát hại được mưu tính trước, bất chấp các lời phủ nhận của Saudi Arabia khi ấy.
Một nguồn tin thân cận với các đoạn băng ghi âm cho hay các quan chức nào được nghe các đoạn băng đều kinh hãi vì các nội dung ghi trong đó.
Một nhân vật xuất hiện nhiều trong các đoạn băng là Saud al-Qahtani, một trong các trợ lý hàng đầu của Thái tử Salman.
Tháng trước, hai nguồn tin tình báo độc lập nói với Reuters rằng Qahtani đã ra lệnh cho các sát thủ vụ Khashoggi tại lãnh sự quán Saudi thông qua mạng Skype. Khi ấy Qahtani đã không phản ứng lại các câu hỏi từ Reuters. Truyền thông nhà nước Saudi Arabia thì nói rằng Quốc vương Saudi Arabia đã sa thải ông này và 4 quan chức khác liên quan đến vụ thủ tiêu. Nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy các nghi phạm này bị bắt giữ.
Ông Erdogan ngày càng quyết liệt phơi bày sự thật
Theo New York Times, kể từ khi xảy ra vụ giết người, Tổng thống Erdogan ngày càng tỏ dấu hiệu phát động một chiến dịch toàn diện để gây tổn hại cho Thái tử Saudi Salma, thậm chí có thể là để hạ bệ nhân vật này.
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ vừa thông báo rằng Washington là trọng tâm chính trong các nỗ lực của Tổng thống Thổ Erdogan, bởi lẽ ông này tin rằng chỉ có Mỹ mới có đủ ảnh hưởng ở Saudi Arabia và khu vực để trừng phạt Thái tử Salman.
Tình trạng đối đầu giữa Tổng thống Erdogan và Thái tử Salman bắt nguồn từ chủ trương đối ngoại khác nhau: Ông Erdogan ủng hộ phong trào Mùa Xuân Arab, còn Thái tử Salman muốn trấn áp phong trào đó. Ngoài ra, ông Erdogan còn là bạn của nhà báo Khashoggi từ thời nhà báo này viết bình luận về các vấn đề khu vực cho truyền thông Saudi Arabia.
Tuy nhiên trong các tuần ban đầu sau vụ án mạng, ông Erdogan khá thận trọng trong việc thông tin về vụ Khashoggi. Có lẽ có 2 nguyên nhân. Một là, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia có chung nhiều lợi ích trong khu vực. Hai là, ông Erdogan lưỡng lự trong việc thừa nhận sở hữu đoạn băng ghi âm vì đoạn băng này có thể đã có được qua con đường… theo dõi tình báo bên trong cơ sở ngoại giao của Saudi Arabia. Thực tế hoạt động cài rệp nghe lén rất phổ biến trong lĩnh vực tình báo nhưng điều này lại trái với thông lệ ngoại giao.
Có lẽ chính thái độ của Saudi Arabia (đầu tiên là phủ nhận, sau đó gọi đó là một tai nạn do ẩu đả, rồi cuối cùng thừa nhận có âm mưu sát hại) đã khiến Tổng thống Thổ Erdogan trở nên cứng rắn hơn.
Hôm 10/11, Tổng thống Thổ Erdogan không lặp lại lời cáo buộc của ông về việc chiến dịch ám sát này được tiến hành theo chỉ đạo của cấp cao nhất trong chính quyền Saudi. Tuy nhiên, ông Erdogan kêu gọi Riyadh nhận diện hung thủ. Theo Erodgan, hung thủ hẳn phải là một thành viên trong biệt đội tử thần đã tới Thổ Nhĩ Kỳ vài tiếng trước khi Khashoggi biến mất.
Ông Erdogan nói: “Không cần phải xuyên tạc vấn đề này. Họ biết chắc chắn rằng sát thủ hoặc các sát thủ nằm trong số 15 người Saudi này. Chính quyền Saudi có thể tiết lộ thông tin này bằng cách buộc 15 người này phải lên tiếng”.
Ông Erdogan cũng kết tội công tố viên Saudi, Mojeb, là có đến Thổ Nhĩ Kỳ nhưng lại từ chối hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ.
Một nguồn tin cho hay, ông Mojeb khi đến Thổ Nhĩ Kỳ chỉ chăm chăm hỏi về những chuyện như điện thoại di động của Khashoggi mà nhà báo này để lại cho vợ chưa cưới trước khi bước vào lãnh sự quán Saudi.
Tổng thống Erodgan lặp lại yêu cầu tìm kiếm thông tin về vị trí thi thể của Khashoggi. Một cố vấn cho ông Erdogan cho biết thi thể đã bị cắt nhỏ để phi tang. Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay đã kêu gọi điều tra về thông tin cho rằng thi thể Khashoggi sau đó đã bị phân hủy bằng axit.
Tuần trước, một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng Saudi Arabia đã gửi 2 người gồm một nhà hóa học và một nhà độc chất học tới Istanbul vào thời điểm 1 tuần sau vụ sát hại Khashoggi (vào ngày 2/10) để tẩy các dấu vết vụ án mạng, coi đây là dấu hiệu giới chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ biết về vụ sát hại này.
Theo một nguồn tin của phủ Tổng thống Pháp, sau cuộc họp ở Paris hôm 10/11, Tổng thống Mỹ Trump và Tổng thống Pháp Macron nhất trí rằng giới chức Saudi cần làm sáng tỏ vụ án Khashoggi. Quan chức này cũng cho biết, 2 nhà lãnh đạo nhất trí rằng không nên để vấn đề này làm bất ổn thêm tình hình Trung Đông và sự việc có thể tạo cơ hội để tìm ra giải pháp chính trị cho cuộc chiến ở Yemen./.