Thượng đỉnh liên Triều sẽ định hình chuyển động địa chính trị khu vực
Người dân Hàn Quốc theo dõi hình ảnh Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) bắt tay nhau tại đường ranh giới phân định hai miền. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Đây không chỉ đơn thuần là cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc mà còn là ván bài định hình các chuyển động về địa chính trị khu vực trong thời gian tới.
Theo bài phân tích trên trang CBC News của tác giả Saša Petricic, khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đặt chân tới khu phi quân sự (DMZ) để tham dự cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, mọi phương án đều đã được tính toán chi tiết trên tất cả các phương diện, từ công tác tổ chức, an ninh, hậu cần đến việc đưa tin và hình ảnh.
Kể từ khi lên nắm quyền, ông Kim Jong-un chưa bao giờ đặt chân đến DMZ. Vì thế, trong suốt nhiều tuần qua, các quan chức hai nước đều đã rất tích cực phối hợp chuẩn bị và lên kế hoạch chi tiết cho cuộc gặp.
Để có được những bước tiến tới thời điểm này, Tổng thống Moon Jae-in đã đi nước cờ chiến lược đầu tiên khi ông chủ động mời Triều Tiên tham gia Thế vận hội mùa Đông hồi tháng Hai vừa qua, thậm chí đã gạt bỏ những nguyên tắc ngoại giao cứng nhắc để chủ động tiến tới bắt tay nhà lãnh đạo Kim Jong-un cùng các quan chức Triều Tiên. Chính những cử chỉ này đã đặt nền tảng cho một loạt đột phá sau đó trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Một cuộc gặp thượng đỉnh khác cũng rất quan trọng cũng sẽ diễn ra trong nay mai giữa hai nhà lãnh đạo “khó đoán định” nhất thế giới là ông Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, kết quả cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sẽ là nhân tố quyết định việc cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều có diễn ra hay không. Vì thế, mọi ánh mắt giờ đang đổ dồn về làng đình chiến Panmunjom, nơi chứng kiến cuộc gặp quyết định các chuyển động địa chính trị lớn ở khu vực trong thời gian tới./.