Thủ tướng Iraq hủy thăm Iran vào phút chót do sức ép từ Mỹ?
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi sẽ không tới thăm Iran theo như lịch trình trước đó, tức vào ngày 15/8 tới – ngay sau khi kết thúc chuyến thăm 1 ngày tới Thổ Nhĩ Kỳ (14/8).
Thủ tướng Iraq Abadi. Ảnh: waarmedia. |
Hiện có nhiều ý kiến “trái chiều” về quyết định hủy bỏ chuyến thăm quốc gia láng giềng vốn có nhiều hợp tác của nhà lãnh đạo Iraq, song phần lớn ý kiến cho rằng quyết định hủy bỏ đầy “khó khăn” của chính quyền Baghdad đã đến từ sức ép quá lớn từ một quốc gia đồng minh - đó là Mỹ.
Theo kế hoạch trước đó, chuyến thăm tới Thổ Nhĩ Kỳ và Iran của Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi sẽ nhằm mục đích thúc đẩy mối quan hệ song phương giữa Baghdad và các đối tác láng giềng thân cận, trong đó sẽ đặc biệt tập trung vào các hợp tác kinh tế và an ninh.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Iraq đã thay đổi quyết định vào phút chót, rằng sẽ chỉ thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày mai (14/8) và hủy bỏ chuyến thăm tới Iran ngay sau đó 1 ngày, với lý do “lịch trình bận rộn”.
Lý do về quyết định hủy bỏ chuyến thăm Iran ngay lập tức gây ra nhiều “tranh cãi”, bởi Iran đang nổi lên như một đối tác quan trọng của Iraq trong nhiều năm trở lại đây khi mà mối quan hệ song phương đã được cải thiện khá nhiều. Cụ thể, Iraq đã trở thành quốc gia lớn thứ 2 nhập khẩu hàng hóa phi dầu mỏ của Iran, với tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu lên tới 6 tỷ USD trong năm ngoái. Iran cũng là quốc gia đã cung cấp điện cho Iraq thời gian qua, nhằm giúp chính phủ quốc gia láng giềng đối phó với tình trạng thiếu điện “nghiêm trọng” – vốn đã gây ra sự bất bình trong xã hội Iraq thời gian qua.
Do đó, lý do “lịch trình bận rộn” của Thủ tướng Iraq đã không thuyết phục được những người đang kỳ vọng rất nhiều vào những hợp tác mới giữa Iran và Iraq, nhất là tại thời điểm Baghdad đang bắt đầu công cuộc tái thiết đất nước thời kỳ hậu xung đột.
Phản ứng trước thông tin hủy chuyến thăm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Gasemi khẳng định, Bộ này không có bất kỳ thông tin hay sự chuẩn bị nào cho chuyến thăm của Thủ tướng Iraq, tức là chuyến thăm này thậm chí còn không có trong lịch trình trước đó.
Tuy nhiên, cả truyền thông Iran, Iraq và quốc tế đều cho rằng chính phủ Iran đã không chấp nhận chuyến thăm của nhà lãnh đạo Iraq bởi những tuyên bố gần đây của ông Abadi liên quan tới các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Tehran.
“Chúng tôi coi các lệnh trừng phạt Iran là một sai lầm chiến lược và không phù hợp. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tuân thủ chúng để bảo vệ lợi ích của người dân. Chúng tôi sẽ không tương tác với lệnh trừng phạt cũng như ủng hộ chúng, song chúng tôi sẽ tuân thủ.”
Thực tế, ông Abadi đã không ủng hộ bất kỳ lệnh trừng phạt nào của Mỹ nhằm vào Iran khi nhận thấy các lệnh trừng phạt vào Iraq trước đây cũng đã làm hỏng, phá hủy quốc gia của mình. Tuy nhiên, Thủ tướng Iraq cho rằng ông không thể “mạo hiểm” với các lệnh trừng phạt của Mỹ, bởi lẽ Mỹ là “một quốc gia lớn”.
Do đó, ngày 11/8 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Iraq thông báo đã ngừng các giao dịch thương mại với Iran bằng đồng USD vài ngày sau khi Mỹ tái áp đặt những lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Tehran. Theo đó, việc sử dụng đồng USD để giao dịch với các ngân hàng Iran đều bị cấm. Người phát ngôn chính phủ Iraq, ông Saad al-Hadithi khẳng định, sẽ khó khăn để duy trì quan hệ thương mại với Iran khi nước này đang chịu trừng phạt. Tuy nhiên, những biện pháp mới sẽ sớm được áp dụng, nhằm giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt liên quan đến hoạt động thương mại.
Theo một số nguồn tin từ giới chính trị Iraq, ban đầu Iran đã đồng ý về chuyến thăm của Thủ tướng nước này, song sau đó lại đổi ý do không hài lòng về những động thái gần đây của Baghdad khi mà quốc gia láng giềng này đang phải chịu một sức ép quá lớn từ nước Mỹ.
Hiện, Mỹ đã áp đặt gói trừng phạt đầu tiên nhằm vào các giao dịch mua bán đồng USD, vàng và các kim loại quý, cùng một số ngành công nghiệp chủ chốt như than, nhôm, thép và phần mềm sử dụng trong công nghiệp của Iran.
Dự kiến đến ngày 5/11 tới, Washington sẽ tiếp tục áp đặt gói biện pháp trừng phạt thứ 2, nhằm vào các lĩnh vực cảng biển, năng lượng, vận tải biển và đóng tàu, giao dịch dầu mỏ và thỏa thuận kinh doanh giữa các định chế tài chính nước ngoài với Ngân hàng Trung ương Iran./.