Thủ tướng Đức Merkel sẵn sàng phương án “liên minh Jamaica”
Hôm 7/10, Thủ tướng Đức Angela Merkel xác nhận rằng, bà sẽ bắt đầu đàm phán với đảng Tự do và đảng Xanh để cố gắng hình thành một chính phủ liên hiệp mới sau cuộc bầu cử tháng trước.
Chính trị gia Angela Merkel. Ảnh: Spiegel. |
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, việc thành lập chính phủ như vậy sẽ là một quá trình khó khăn, có thể kéo dài nhiều tháng trước khi các đảng nhất trí được một thỏa thuận liên minh, có thể vào tháng 11 hoặc 12 tới.
Trong một bài phát biểu tại thành phố Dresden ở miền Đông nước Đức, bà Merkel cho biết các cuộc đàm phán sẽ "khó khăn", nhưng cũng "hy vọng liên minh sẽ được thành lập".
“Như chúng ta đã biết, ngày mai chúng ta sẽ có cuộc đàm phán giữa Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU). Và sau đó chúng ta phải đàm phán về cách xây dựng một chính phủ đáng tin cậy bao gồm Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), Đảng Tự do (FDP) và Đảng xanh. Đây sẽ là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Chúng ta sẽ phải chiến đấu để có câu trả lời về việc thành lập một chính phủ mà sẽ phải làm việc tới tận năm 2021, làm sao chính phủ này có thể làm tốt hơn những gì của năm 2017”.
Đảng Xanh là cái tên được nhắc đến với một chính phủ kiểu "Jamaica", ám chỉ 3 màu : Đen (Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), Vàng (Đảng tự do-FDP) và Xanh (đảng Xanh) theo quốc kỳ Jamaica.
Tuy nhiên, việc thành lập chính phủ như vậy sẽ là một quá trình khó khăn, có thể kéo dài nhiều tháng trước khi các đảng nhất trí được một thỏa thuận liên minh, có thể vào tháng 11 hoặc 12 tới. Các lãnh đạo đảng Xanh và Đảng tự do cũng cho biết sẵn sàng đàm phán để tham gia chính phủ.
Liên đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo đã giành được 33% số phiếu trong cuộc bầu cử tháng 9, theo sau là đảng Dân chủ Xã hội (SPD) với 20-21% số phiếu. Lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội đã tuyên bố không liên minh với Liên đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo và sẽ trở thành đảng đối lập.
Cuộc bầu cử đã chứng kiến một cơn "địa chấn chính trị" khi đảng bài Hồi giáo AfD đã giành được 12,6% số phiếu để lần đầu tiên có chân trong quốc hội, trong khi Đảng Tự do giành 10,7% và đảng Xanh được 8,9% cử tri ủng hộ.
Nhìn lại kết quả bầu cử, có thể thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ của đảng cực hữu AfD cũng như việc các đảng nhân dân truyền thống mất đi tỷ lệ ủng hộ rõ rệt, trong khi một bộ phận không nhỏ cử tri không đồng tình với các chính sách của chính phủ đã quay sang bỏ phiếu cho một đảng chủ trương bài ngoại và hoài nghi châu Âu như AfD đã phần nào nói lên sự chia rẽ trong xã hội Đức
Dù giành chiến thắng, song nhiệm kỳ thứ 4 có lẽ là khó khăn nhất trong sự nghiệp của nữ chính trị gia được đánh giá là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới.
Thủ tướng Merkel sẽ phải dung hòa các lợi ích với các đảng trong liên minh cầm quyền, tìm cách giành lại số cử tri đã dồn lá phiếu cho AfD, đồng thời giải quyết các thách thức và thúc đẩy các mối quan hệ quốc tế, trong đó có nỗ lực cải cách Liên minh châu Âu, thúc đẩy thương mại tự do và chống biến đổi khí hậu. Giải được những bài toán hóc búa này, bà Merkel có thể vượt qua ông Helmut Kohl trở thành người giữ vị trí thủ tướng lâu nhất ở Đức./.