Thổ Nhĩ Kỳ là điểm nóng khủng bố, nơi chồng chéo lợi ích các quốc gia
Hành động ám sát nhằm vào Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ đã xảy ra ngay giữa một triển lãm ảnh ở thủ đô Ankara vào tối 19/12 (giờ địa phương) khiến Đại sứ Karlov tử vong tại chỗ. Kẻ thủ ác chính là một cảnh sát chống bạo động làm việc ở Ankara.
Hung thủ Altintas cầm súng đứng bên Đại sứ Nga Karlov nằm bất động trên sàn phòng trưng bày ảnh ở Ankara. Ảnh: AFP. |
Altintas - viên cảnh sát đã ra tay sát hại Đại sứ Karlov - đã hành động vì mục đich tự thân của anh ta hay có tổ chức nào đó đứng đằng sau? Câu hỏi này cần phải chờ các phát ngôn từ các lực lượng thuộc diện nghi vấn cũng như kết quả điều tra của cơ quan cảnh sát, tình báo của cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Khủng bố táo tợn
Tuy nhiên có một điều chắc chắn - đây là một hành động tội phạm, một hành động khủng bố công khai. Trong vụ này, hung thủ đã có nhiều thời gian “tuyên truyền” khá lâu trước ống kính máy quay và máy ảnh của các phóng viên có mặt tại hiện trường.
Cả Ngoại trưởng Anh và Mỹ đều lên án vụ sát hại gây rúng động dư luận quốc tế này.
Trong khi đó, an ninh Thổ Nhĩ Kỳ đã tiêu diệt viên cảnh sát gây án, lục soát nhà của gia đình Altintas ở quê, tạm giữ cha mẹ và em gái y. Giới chức cũng lục soát nơi tá túc của Altintas ở Ankara và tạm giữ người bạn chung phòng với y ở thủ đô, cũng là một cảnh sát chống bạo động.
Vụ ám sát diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang đạt được nhiều thắng lợi ở cả Iraq và Syria.
Diễn biến mới này một lần nữa cho thấy, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một thiên đường mới cho chủ nghĩa khủng bố, bên cạnh Iraq và Syria.
Từ khi chiến tranh Syria bùng phát và nhất là từ khi IS mạnh lên, người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã phải chứng kiến nhiều vụ khủng bố đẫm máu trong lãnh thổ nước họ. Chuyện đánh bom hay xả súng làm chết nhiều người (trong đó có những vụ do IS tiến hành) đã không còn là chuyện quá xa lạ đối với họ.
Tình trạng bạo lực này là điều không bất ngờ nếu xét đến vị trí địa chiến lược đặc biệt của Thổ Nhĩ Kỳ (nằm giữa Đông và Tây, gần các điểm nóng Syria, Iraq), vị thế của Thổ trong NATO, và tham vọng nước lớn của họ. Tại Thổ Nhĩ Kỳ có sự hội tụ và chồng chéo của lợi ích nhiều nhóm dân tộc, tôn giáo và quốc gia.
Vấn đề Nga và Syria
Vụ ám sát Đại sứ Nga Karlov ở Ankara rõ ràng có liên quan đến yếu tố Nga và vấn đề Syria. Hung thủ Altintas đã hướng phát ngôn của mình vào Đại sứ Nga và tuyên bố rằng y “trả thù cho Syria và Aleppo”. Vụ sát hại xảy ra đúng một ngày trước hội nghị Ngoại trưởng Nga -Thổ Nhĩ Kỳ - Iran tại Moscow bàn về giải pháp cho xung đột Syria, cụ thể là về vấn đề Aleppo. Còn tại Thổ Nhĩ Kỳ, trước đó đã có nhiều cuộc biểu tình phản đối Nga can dự vào Syria và hậu thuẫn cho Tổng thống Assad.
Có thể nói một cách hình ảnh rằng vụ ám sát là một cú tát vào thể diện của cường quốc Nga.
Bộ Ngoại giao Nga gọi đây là vụ tấn công khủng bố và cho biết sẽ đưa vấn đề này ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Phát ngôn viên của bộ này lên tiếng khẳng định các phát súng của Altintas nhằm vào vị Đại sứ cũng đồng thời là những phát đạn bắn vào nhiều người dân Nga khác và vào chính nước Nga.
Ngay trong đêm 19/12, Tổng thống Vladimir Putin đã họp khẩn với Ngoại trưởng và các Giám đốc của cơ quan an ninh, tình báo Nga. Trong một cuộc điện đàm, ông Putin có nói với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan rằng đây là “một ngày bi kịch trong lịch sử nước chúng tôi và ngành ngoại giao Nga”.
Cả Tổng thống Putin và Bộ Ngoại giao Nga đều khẳng định, Nga quyết truy tìm kẻ đứng đằng sau vụ ám sát này. Ông Putin tuyên bố sẽ đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố để đáp trả.
Tất nhiên vấn đề không chỉ giới hạn vào Nga và Syria. Có những dấu hiệu của khủng bố theo phong cách Hồi giáo cực đoan trong vụ ám sát Đại sứ Nga. Kẻ thủ ác đã ra tay một cách táo tợn và công khai. Y còn tranh thủ tuyên truyền rất nhiệt tình cho lực lượng Hồi giáo cực đoan. Y hô to bằng tiếng Arab cụm từ “Allahu Akbar” (Đấng Allah là vĩ đại nhất) và tự nhận mình là con cháu của những người ủng hộ thánh chiến Hồi giáo. Với những biểu hiện sơ bộ này, không thể loại trừ hung thủ Altintas có mối liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS, lực lượng khủng bố quốc tế al-Qaeda hay “Mặt trận al-Nusra”.
Âm mưu chia rẽ
Một câu hỏi lớn được đặt ra là quan hệ Nga-Thổ và tiến trình hòa bình Syia sẽ bị tác động xấu ra sao sau sự kiện mới nhất này.
Theo Tổng thống Nga Putin, vụ ám sát là âm mưu phá hoại quá trình bình thường hóa quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ và phá hoại tiến trình hòa bình Syria. Tổng thống Thổ Erdogan nhắc lại các nhận định của ông Putin cho rằng đây là âm mưu phá hoại quan hệ 2 nước vừa mới được cải thiện.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ từng đối đầu nhau trong nhiều thế kỷ. Trong năm 2015, căng thẳng giữa 2 nước lên đến đỉnh điểm với việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiến đấu cơ của Nga tham chiến ở Syria. Thế nhưng cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7/2016 lại như một liều thuốc giúp hàn gắn quan hệ đôi bên. Trong thời quan qua, hai nước đã “làm lành” đáng kể với nhau và dù bênh vực các phe khác nhau ở Syria nhưng hai nước vẫn liên hệ chặt chẽ với nhau và hợp tác để kiến tạo một thỏa thuận ngừng bắn toàn diện ở Syria.
Điều đáng mừng là cả lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều tỏ ra bình tĩnh và tỉnh táo trước vụ ám sát Đại sứ Nga và họ cùng khẳng định không để cho vụ việc này tác động xấu lên quan hệ song phương. Lãnh đạo cao cấp của Nga và Thổ đều thể hiện tinh thần hợp tác trong việc truy tìm các tổ chức, các lực lượng đứng đằng sau vụ ám sát.
Trên thực tế, Hội nghị Ngoại trưởng 3 nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran vẫn diễn ra vào ngày 20/12 bất chấp sự cố vừa xảy ra. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đã tới Moscow và cho biết ông vẫn dự họp như kế hoạch.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã khẳng định không để vụ ám sát kia “phủ bóng đen” lên mối quan hệ vừa được cải thiện giữa 2 nước. Tổng thống Thổ Erdogan còn cho rằng cả Nga và công chúng nước ông có đủ ý chí để tránh bẫy khiêu khích của các thế lực thù địch với 2 nước.
Tất nhiên thách thức vẫn còn nhiều, nếu không xử lý khéo thì tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành ngòi nổ cho “thùng thuốc súng” Trung Đông. Vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15/7 đã bị dập tắt nhưng nó cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội và nền chính trị nước này. Giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tồn tại nhiều khác biệt, như trong cách nhìn nhận các vấn đề ở Trung Đông và xung đột Nagorno-Karabakh (ở Azerbaijan). Riêng ở Syria, lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ khá phức tạp khi họ một mặt chống IS, mặt khác họ chống cả lực lượng người Kurd, và do vậy lại vô tình tạo điều kiện cho IS lớn mạnh vì dân quân người Kurd chính là một trong các lực lượng hiệu quả chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng./.