Thị trường điện: Đầu vào phát điện cạnh tranh, bán lẻ vẫn điều tiết
Thị trường phát điện cạnh tranh chính thức được đưa vào vận hành từ 1/7/2012. Đến nay, đã có 87 nhà máy điện tham gia giao dịch trên thị trường, tổng công suất lắp đặt đạt 22.946MW, tăng 2,8 lần so với thời điểm mới vận hành thị trường vào tháng 7/2012 (chỉ có 31 nhà máy điện).
Ông Lê Hồng Hải, chuyên gia thị trường điện, Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, khi vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, hệ thống điện vận hành an toàn, cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội, không có sự cố; tăng tính minh bạch, công bằng trong việc lập lịch, huy động các nhà máy điện, góp phần tối ưu toàn hệ thống, tạo động lực và sự tin tưởng để thu hút các nhà đầu tư.
Cục Điều tiết Điện lực cũng khẳng định, việc vận hành thí điểm thị trường bán buôn điện cạnh tranh trong thời gian vừa qua là cơ sở để đánh giá tính phù hợp của các cơ chế vận hành thị trường bán buôn điện theo thiết kế chi tiết đã được phê duyệt; đồng thời, các đơn vị thành viên thị trường đã từng bước làm quen với các cơ chế mới, đào tạo nâng cao năng lực.
Là đại diện doanh nghiệp đang tham gia thị trường phát điện cạnh tranh, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty Nhiệt điện Hải Phòng cho rằng, khi tham gia vào thị trường điện có nhiều thuận lợi trong việc chủ động lập kế hoạch. Trong mùa khô, công ty vừa có thể phát điện sản lượng cao và lợi nhuận cao, có kế hoạch trong sửa chữa máy. Mùa mưa, doanh nghiệp bố trí sửa chữa các tổ máy để phục vụ trong mùa khô phát công suất cao.
Cùng chung quan điểm trên, nhưng ông Phùng Văn Sinh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Phát điện 1 cho rằng, đối với các nhà máy nhiệt điện, do chào giá theo chi phí biến đổi nên giá thị trường trong ngày thay đổi từng chu kỳ giao dịch, dẫn tới phải tăng giảm tải nhiều lần trong ngày, ảnh hưởng tuổi thọ thiết bị và tăng nguy cơ sự cố.
Còn đối với các nhà máy thủy điện, do phải đảm bảo khả năng vận hành tối ưu trong mùa lũ để giảm lưu lượng xả qua tràn cũng khó được đáp ứng trong các chu kỳ phụ tải thấp. Nhiều nhà máy phải chạy công suất thấp để điều chỉnh điện áp hệ thống trong các giờ thấp điểm hoặc các ngày có phụ tải thấp, gây ảnh hưởng đến doanh thu và tăng tỷ lệ điện tự dùng...
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), mặc dù số lượng các nhà máy điện và công suất các nhà máy điện tham gia thị trường điện đã tăng đáng kể, nhưng mới đạt 49% tổng công suất đặt hệ thống.
“Qua thí điểm, các đơn vị bước đầu đã làm quen thị trường bán buôn, Cục Điều tiết điện lực đã chuẩn bị cơ sở hạ tầng, đào tạo, các văn bản pháp lý cần thiết cho thị trường bán buôn. Khó khăn lớn nhất là làm sao xây dựng cơ chế bù chéo cho các Tổng công ty Điện lực, vì hiện nay khâu phát điện (đầu vào) đã tiến hành thị trường, trong khi giá bán lẻ (đầu ra) vẫn tiếp tục điều tiết”, ông Tuấn nói.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực |
Cũng theo Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn, Cục Điều tiết sẽ tiếp tục nghiên cứu để đưa các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu của EVN tham gia thị trường điện. “Điều này còn liên quan đến vấn đề triển khai cơ chế bù chéo giữa các Tổng công ty phát điện ra sao. Cùng với đó là việc nghiên cứu để đưa các nhà máy năng lượng tái tạo như điện, gió... tham gia thị trường điện để có thể thí điểm, rút kinh nghiệm”, ông Tuấn lý giải và cho rằng, đây là cơ chế khó vì đây là các nhà máy có nguồn phân tán, phụ thuộc nhiều vào cơ sở hạ tầng, phương thức điều độ... nên khi thực hiện được các giải pháp này sẽ tăng được số lượng các nhà máy tham gia thị trường điện.
Theo thứ trưởng Bộ Công Thương - ông Hoàng Quốc Vượng, thị trường điện vẫn còn khá mới mẻ và nhiều việc cần phải làm. Các đơn vị cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện để thị trường điện lực đưa vào vận hành đầy đủ các cấp độ, an toàn tin cậy, cung ứng điện đảm bảo hiệu quả kinh tế. Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu để hoàn thiện khung khổ pháp lý, đưa vào triển khai chính thức thị trường bán buôn điện cạnh tranh vào năm 2019./.