Dấu ấn ngành điện trong mục tiêu phát triển bền vững
Đảm bảo đủ điện và có dự phòng với chất lượng điện tốt là kết quả nội bật và quan trọng của ngành điện trong năm 2016. Năm vừa qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) năm 2016 đã sản xuất và mua gần 177 tỷ kWh điện, sản lượng điện thương phẩm tăng 11% so với năm 2015 và vượt 350 triệu kWh so với kế hoạch.
Theo như Tổng Giám đốc EVN - ông Đặng Hoàng An cho biết, công tác điều hành hệ thống điện và thị trường điện năm 2016 đã bám sát nhu cầu sử dụng điện, tình hình thủy văn và kế hoạch vận hành của các nhà máy điện từng tuần, từng tháng, nhờ đó đã huy động hợp lý các nguồn điện, góp phần tối ưu hóa chi phí sản xuất và mua điện của EVN.
“Ngay từ đầu năm 2016, EVN đã chính thức vận hành Trung tâm điều khiển hệ thống điện và thị trường điện mới. Việc quản lý, vận hành thị trường phát điện cạnh tranh và công tác triển khai thị trường bán buôn đã được EVN thực hiện theo đúng các quy định của Bộ Công thương. Đến cuối năm 2016, có 73 nhà máy trực tiếp tham gia thị trường điện với tổng công suất đặt gần 18.000MW, chiếm 46% tổng công suất đặt toàn hệ thống…”, ông An cho biết.
Bước sang năm thứ 3 liên tiếp EVN thực hiện được cam kết đảm bảo cung cấp đủ điện và có dự phòng.(Ảnh minh họa: KT) |
Là người gắn bó với ngành điện hơn 60 năm qua, ông Thái Phụng Nê - nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng (cũ) khẳng định, năm 2016 là bước sang năm thứ 3 liên tiếp EVN thực hiện được cam kết đảm bảo cung ứng đủ điện và có dự phòng. Tuy nhiên, một việc làm được đánh giá cao trong năm 2016 của EVN chính là đã chủ động mời nhân dân vào tham gia giám sát, kiểm soát môi trường các nhà máy nhiệt điện.
“Trung tâm Điện lực Duyên Hải tại Trà Vinh của EVN đã thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng khi làm kinh tế không đánh đổi môi trường. Các nhà máy nhiện điện đã mời nhân dân vào giám sát, kiểm soát môi trường của nhà máy là một điểm mới đáng ghi nhận. EVN cũng đã tuyên bố tất cả các dự án điện đã làm phải đảm bảo môi trường, không phải vì dựa án mà phải đánh đổi môi trường…đây là chủ trương rất đáng phát huy để tiếp tục làm tốt hơn”, ông Thái Phụng Nê nhìn nhận.
Điểm nhấn quan trọng của EVN trong năm 2016 là đã hoàn thành cơ bản tiến độ các công trình điện thuộc Quy hoạch phát triển điện quốc gia giai đoạn 2011-2020 (đã được hiệu chỉnh). Trong đó, Dự án nhà máy thủy điện Lai Châu (công suất 1.200MW) với số vốn đầu tư 35.700 tỷ đồng đã hoàn thành đóng điện toàn bộ công trình trước tiến độ 1 năm, làm lợi cho Nhà nước ước trên 5.000 tỷ đồng, bổ sung kịp thời cho hệ thống điện quốc gia cho năm 2017 này khoảng 4,7 tỷ kWh điện
Theo ông Hoàng Trọng Nam, Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La - đơn vị tiếp nhận vận hành Nhà máy thủy điện Lai Châu, qua quá trình vận hành 2 mùa lũ, các thông số báo hiệu của hệ thống giám sát, quan trắc của Nhà máy thủy điện Lai Châu đều an toàn và ổn định.
“Thủy điện Lai Châu vận hành ở trạng thái an toàn, ổn định là một trong những tiêu chí để đánh giá hiệu ích của công trình. Nhà máy không những đáp ứng công suất tốt cho hệ thống điện quốc gia, còn là một đầu mối quản lý cắt lũ, đảm bảo sử dụng tài nguyên hữu ích cho hồ Sơn La và hồ Hòa Bình”, ông Nam cho biết.
Nhìn lại quá trình sản xuất - kinh doanh của ngành điện trong năm 2016 còn có thể thấy, đây là năm ngành điện tiếp tục đẩy mạnh công tác dịch vụ khách hàng, coi khách hàng là mục tiêu của sự phát triển bền vững ngành điện gắn với thị trường điện cạnh tranh.
Với thông điệp “trách nhiệm, minh bạch” với các hoạt động được triển khai ở tất cả các khối sản xuất, phân phối và truyền tải điện, năm 2016, các tổng công ty phân phối điện đã trực tiếp thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng điện áp, giảm suất sự cố, giảm thời gian mất điện, rút ngắn thời gian cung cấp điện tới khách hàng.
Theo ông Trần Đình Nhân, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Trung, ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng công nghệ mới là một trong những giải pháp quan trọng để tạo sự minh bạch, công khai tới khách hàng của Tổng công ty. Trong năm 2016, Tổng công ty Điện lực miền Trung đã lắp đặt được 1,91 triệu công tơ điện tử cho các khách hàng, đạt 51%, trong đó, các đảo Cù Lao Chàm, Lý Sơn được lắp đặt 100% công tơ điện tử.
“Tổng công ty đã đưa vào khai thác 9 trung tâm điều khiển và 30 trạm biến áp không người trực để rút ngắn thời gian cắt điện. Đặc biệt, những thiết bị đóng cắt điện từ xa 80-90km trong trường hợp cần thiết vẫn được đóng cắt điện ngay, không còn phải mất thời gian đi lại như trước. Trung tâm điều khiển đã kiểm soát việc khắc phục sự cố, thời gian rã lưới của các đơn vị ở dưới khi giải quyết việc mất điện của khách hàng”, ôg Nhân cho biết./.