Thế vận hội Olympics 2018 – ván cờ cân não trên bán đảo Triều Tiên
Thế vận hội Olympics Mùa đông PyeongChang 2018 dự kiến khai mạc vào ngày 9/2 tới tại thành phố PyeongChang, Hàn Quốc. Dư luận đang hướng sự chú ý tới bán đảo Triều Tiên không chỉ bởi quy mô hoành tráng và tầm quan trọng của sự kiện thể thao này mà còn dõi theo việc Triều Tiên tham gia Thế vận hội cũng như những thay đổi trong chính sách của Mỹ và Hàn Quốc đối với Triều Tiên.
Nữ ca sỹ Hyun Song Wol cũng có mặt trong đoàn nghệ thuật Triều Tiên tới Hàn Quốc. Ảnh: Reuters. |
Vì sao Triều Tiên quyết định tham gia thế vận hội ?
Theo Tiến sỹ Leif-Eric Easley, chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Trường Đại học Ewha, ở Seoul, Hàn Quốc, quyết định của Triều Tiên tham gia kỳ Thế vận hội cho thấy nước này đang tìm cách giảm sức ép về mặt ngoại giao cũng như ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt và tận dụng cơ hội để hạn chế sự can thiệp quân sự của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên.
Tại sự kiện thể thao lần này, Triều Tiên có thể phần nào gạt bỏ được những ấn tượng không tốt do việc nước này đã tiến hành nhiều vụ thử tên lửa và các hành động khác được coi là “khiêu khích” trong thời gian vừa qua, từ đó dần xây dựng ấn tượng tốt với thế giới. “Triều Tiên đang cố gắng xóa bỏ mọi định kiến của cộng đồng quốc tế. Olympics là cơ hội để họ thể hiện một bộ mặt khác với thế giới”, ông James Hoare, một cựu ngoại giao của Anh tại Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
“Ngoại giao thể thao thường mang lại những cơ hội bất ngờ. Bình Nhưỡng có nhiều lý do để khuấy động Olympic và trở thành trung tâm của sự chú ý”, ông Lee Sung-yoon, một chuyên gia nghiên cứu ngoại giao tại Đại học Tufts, bang Massachusetts, Mỹ cho biết. Trong những ngày này, thông tin về việc Triều Tiên tham gia Thế vận hội tràn ngập trên các trang báo và phương tiện truyền thông.
Tờ Nhật báo phố Wall đưa thông tin đoàn vận động viên Triều Tiên tham dự Thế vận hội lên trang nhất, tờ Thời báo New Yorks cho rằng sự hợp tác thể thao giữa Hàn Quốc và Triều Tiên là “một bước đột phá mang tính biểu tượng”, CNN đánh giá sự kiện thể thao này là “chất xúc tác giảm căng thẳng”.
Nhiều trang thông tin quốc tế khác cũng phân tích vấn đề theo hướng tích cực. Sự tham gia của Triều Tiên trong kỳ thế vận hội cũng nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân Hàn Quốc. Ước tính đã có hơn 150.000 người Hàn Quốc đăng ký vé xem các buổi biểu diễn do đoàn nghệ thuật Samjiyon của Triều Tiên trình diễn tại Hàn Quốc tại buổi khai mạc Thế vận hội. Nhiều nhà phân tích cho rằng việc Triều Tiên cử phái đoàn tham gia Thế vận hội này giống như một “món quà ngoại giao” gửi tới Hàn Quốc.
Mỹ và Hàn Quốc thay đổi chính sách đối với Triều Tiên?
Đối với cả Triều Tiên và Hàn Quốc – 2 quốc gia vốn đang duy trì Hiệp định đình chiến, các sự kiện thể thao lâu nay đã trở thành chất xúc tác giúp làm giảm căng thẳng. Thế vận hội Olympics Mùa đông PyeongChang 2018 lần này cũng không ngoại lệ.
Đây không phải lần đâu tiên các vận động viên Triều Tiên và Hàn Quốc đứng chung trên một sàn đấu. Trước đó, Triều Tiên cũng từng gửi phái đoàn gồm hàng trăm quan chức, vận động viên đến Hàn Quốc, trong các sự kiện Asian Games 2002, Summer Universiade 2003 và Asian Athletics Championships năm 2005.
Phía Hàn Quốc đã có những phản ứng rất tích cực trước thiện chí của Triều Tiên. Lần đầu tiên trong 2 năm qua, một loạt các cuộc đàm phán liên Triều đã diễn ra trong bầu không khí xây dựng và cởi mở. Tuyến đường dây liên lạc nóng giữa hai bên cũng được khôi phục lại. Hai miền đã thảo luận việc Triều Tiên tham gia và đạt thỏa thuận về việc 2 đoàn cùng diễu hành và lập đội khúc côn cầu trên băng nữ chung.
Theo kế hoạch, vận động viên và quan chức của hai miền Triều Tiên sẽ cùng diễu hành trong một đội tại lễ khai mạc Olympic PyeongChang vào tối 9/2 và đây là lần thứ tư, 2 đoàn cùng diễu hành như vậy tại các kỳ Olympic.
Thư ký báo chí phủ Tổng thống Hàn Quốc Yoon Young-chan nhận xét: “Việc khôi phục đường dây nóng hai bên tạo ra môi trường thuận lợi, giúp việc thông tin liên lạc giữa hai bên có thể diễn ra bất cứ lúc nào”. Nối lại đối thoại liên Triều cũng phù hợp với chính sách tiếp cận “có cương có nhu” của chính phủ Hàn Quốc trong vấn đề Triều Tiên.
Một mặt, chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in cố gắng hồi sinh Chính sách Ánh Dương của cố Tổng thống Roh Moo-hyun, theo đó chủ trương theo đuổi đàm phán và đối thoại với chính quyền của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Mặt khác, Hàn Quốc vẫn luôn tỏ ra cứng rắn khi cần thiết.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng nhiều lần tái khẳng định sẽ tận dụng Thế vận hội lần này để làm cầu nối cho cuộc đối thoại Mỹ-Triều Tiên. Lãnh đạo đảng Dân chủ cầm quyền tại Hàn Quốc, bà Choo mi-ae cho biết đảng này quyết tâm thúc đẩy và thu xếp một cuộc đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên diễn ra cùng thời điểm với đối thoại liên Triều. Theo bà, thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng hiện nay.
Giới phân tích cho rằng, Hàn Quốc có thể nhân cơ hội này để khiến Triều Tiên tạm dừng thử nghiệm tên lửa và hạt nhân, song song với việc thuyết phục Mỹ giảm bớt những yêu sách cứng rắn để xúc tiến đối thoại Mỹ-Triều. Để thực hiện điều này, Hàn Quốc cũng cần phải nhờ đến sự hỗ trợ từ Nga và Trung Quốc. Nếu quan hệ song phương được cải thiện, triển vọng nối lại các chương trình tiếp xúc liên Triều, như dự án khu công nghiệp Gaesong, tour du lịch núi Geumgang và việc đoàn tụ gia đình bị ly tán trong chiến tranh sẽ hoàn toàn khả thi.
Trái ngược với kỳ vọng Hàn Quốc, Mỹ lại tỏ ra thận trọng và có phần e dè trước quyết định của Triều Tiên tham gia Thế vận hội PyeongChang 2018. Điều Mỹ lo ngại là Triều Tiên có thể nhân cơ hội này để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp và thân thiện hơn với Hàn Quốc, từ đó dẫn đến những rạn nứt trong liên minh Mỹ-Hàn. Đây cũng chính là lý do ông Donald Trump cắt cử Phó Tổng thống Mike Pence bắt đầu chuyến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc từ ngày 6/2 với trọng tâm chính là vấn đề Triều Tiên.
Trong chuyến công du lần này, ông Mike Pence đã đưa ra thông điệp cứng rắn, khẳng định, bất kể sự hợp tác nào đang tồn tại giữa Triều Tiên và Hàn Quốc về các đội Olympic thì cũng không thể che giấu được thực tế là cộng đồng quốc tế cần tiếp tục phải cô lập Triều Tiên, cần phải chấm dứt các hành động khiêu khích của nước này.
Dư luận cho rằng chuyến thăm của Phó Tổng thống Mike Pence dường như là động thái nhằm ngăn chặn cái mà các cố vấn của Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi là âm mưu của Triều Tiên chia rẽ liên minh Mỹ-Hàn, cũng như mục đích tuyên truyền của nước này tại sự kiện thể thao.
Về phía Triều Tiên cũng đưa ra những lời chỉ trích vô cùng gay gắt đối với Mỹ. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) khẳng định tình hình hiện nay trong khu vực cho thấy rõ ràng Mỹ là "kẻ quấy rối" hòa bình, gây leo thang tình trạng căng thẳng và là lực cản chính đối với tiến trình tái thống nhất Bán đảo Triều Tiên.
Theo các nhà phân tích, trước những động thái và lời lẽ đáp trả qua lại giữa các bên, đối thoại giữa Bình Nhưỡng và Washington có lẽ sẽ không sớm xảy ra, bởi thời điểm hiện tại, cả hai bên chưa thực sự thể hiện thiện chí./.