Thế giới 7 ngày: Pháp và Hàn Quốc đồng loạt có Tổng thống mới
1. Tuần qua, toàn châu Âu hướng chú ý vào cuộc bầu cử Tổng thống Pháp. Nước Pháp cũng đã tăng cường an ninh cho cuộc bầu cử kịch tính này. Trước giờ G, nhiều cử tri vẫn do dự. Một lượng lớn email của phe tranh cử Macron bị rò rỉ. Mặc dù có phần lép vế trước đối thủ Macron, ứng viên cực hữu Le Pen không phải là không có cơ hội chiến thắng, xét từ bài học bầu cử Mỹ 2016.
Tổng thống đắc cử Pháp Macron. Ảnh: Al Jazeera. |
Cuối cùng, tỷ lệ cử tri Pháp đi bỏ phiếu là khá ổn định và ứng viên trung dung Macron ủng hộ hội nhập và EU đã giành chiến thắng thuyết phục. Người dân Pháp vỡ òa cảm xúc với chiến thắng này. Châu Âu lo ngại một Frexit (Pháp rời EU) sau Brexit, nay cũng được thở phào nhẹ nhõm.
Với chiến thắng trên, ông Macron trở thành Tổng thống trẻ tuổi nhất nước Pháp từ thời Napoleon. Dư luận Pháp và châu Âu đang đặt niềm tin vào sức trẻ của nhà lãnh đạo Emmanuel Macron. Đảng Tiến bước của ông đã xúc tiến cho cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới.
Tổng thống đắc cử Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel ngay sau chiến thắng ngày 7/5.
Ông Macron, người đánh bại thủ lĩnh cực hữu Marine Le Pen trong vòng 2 cuộc bầu cử Pháp, đã có cuộc điện đàm 10 phút với Thủ tướng Angela Merkel, miêu tả đây là “cuộc trao đổi rất nồng ấm”.
Theo Cố vấn của ông Macron, sau đó, Tổng thống đắc cử Pháp cũng có cuộc điện đàm với Thủ tướng Anh Theresa May, Thủ tướng Canada Justin Trudeau.
Ông Macron đã cam kết sẽ sớm đi thăm Berlin và thảo luận vấn đề nước Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit), với Thủ tướng Anh Theresa May.
Ông Macron là người sẽ đóng vai trò quan trọng trong đàm phán sắp tới giữa Liên minh châu Âu (EU) và Anh trong vấn đề Brexit.
2. Nước Pháp vừa chọn được Tổng thống mới vào ngày 7/5 thì Hàn Quốc chỉ 2 ngày sau đó đã tìm được Tổng thống thứ 19, thay thế cho bà Park Geun-hye mới bị phế truất.
Trong bầu cử Tổng thống Hàn Quốc, các ứng viên đã tích cực tranh cử đến phút chót, còn người dân Hàn Quốc đi bỏ phiếu với bao bộn bề lo lắng về tình hình trên bán đảo Triều Tiên.
Ứng viên Moon Jae-in đã luôn dẫn đầu tỷ lệ ủng hộ và đã giành chiến thắng áp đảo chung cuộc. Điều đặc biệt, ông Moon chính thức trở thành Tổng thống Hàn Quốc ngay lập tức vào ngày đầu tiên sau ngày bầu cử (9/5).
Ông Moon Jae-in sinh năm 1953 và có gốc gác Triều Tiên. Tổng thống mới của Hàn Quốc đã nói chuyện qua điện thoại với các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản vào hôm 11/5, chỉ vài giờ sau cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Văn phòng Tổng thống Moon cho biết, trong cuộc trao đổi dài 40 phút với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên nhất trí rằng việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên là một mối quan tâm chung của cả hai bên.
3. Tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ sa thải Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), ông James Comey. Nhà Trắng giải thích rằng ông Comey bị sa thải vì mắc một số sai phạm nghiêm trọng và không còn đảm đương hiệu quả vai trò lãnh đạo FBI nữa. Nhưng giới quan sát thì cho rằng việc ông Comey phải ra đi là do ông điều tra về vai trò của Nga trong bầu cử Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 10/5 khẳng định, việc Mỹ sa thải Giám đốc Cục Điều tra liên bang (FBI) ông James Comey không liên quan đến Moscow, đồng thời hy vọng vụ việc sẽ không ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa hai nước.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ, đây là vấn đề nội bộ của Mỹ, do Tổng thống nước này đưa ra, hoàn toàn không liên quan đến Nga.
4. Hôm 6/5, thỏa thuận về các vùng an toàn tại Syria chính thức có hiệu lực, được đánh giá là cơ hội để giúp giảm tình trạng bạo lực kéo dài nhiều năm qua tại Syria.
Thỏa thuận thành lập vùng an toàn là kết quả sau hai ngày họp của các bên liên quan tại thủ đô Astana, Kazakhstan dưới sự bảo trợ của Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Bộ Quốc phòng Nga, vùng an toàn đầu tiên và lớn nhất tại miền Bắc Syria bao gồm tỉnh Idlib và những quận liền kề các thành phố Latakia, Aleppo và Hama, với tổng số dân hơn 1 triệu người.
5. Hôm 5/5 hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này lên án Mỹ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa hôm 3/5, đúng 1 tuần sau vụ thử tên lửa tương tự ngày 26/4, trong bối cảnh tình hình Bán đảo Triều Tiên leo thang tới mức “cực kỳ nguy hiểm” vì những cuộc tập trận quân sự lớn chưa từng có giữa Mỹ và Hàn Quốc.
6. Ngày 9/5 vừa qua nước Nga và nhân loại tưng bừng kỷ niệm 72 năm chiến thắng phát xít (1945-2017).
Trên khắp nước Nga, không khí chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng rất sôi nổi suốt nhiều ngày qua với công sức lớn nhất được dồn cho các cuộc diễn tập duyệt binh, diễu binh ở thủ đô Moscow và nhiều tỉnh, thành phố lớn khác.
Trong ngày 9/5, vào lúc 10h sáng (giờ địa phương), cuộc Duyệt binh bắt đầu diễn ra và được tường thuật trực tiếp trên nhiều kênh truyền hình và cả phát thanh lớn của Nga.
7. Nhóm G7 ngày 12/5 kêu gọi Mỹ không phá vỡ những nỗ lực trong nhiều thập kỷ nhằm xóa bỏ chủ nghĩa bảo hộ và điều tiết kinh tế toàn cầu.
Nhóm họp trong 2 ngày 12-13/5 tại thành phố Bari bên bờ biển Adriatic, các Bộ trưởng Tài chính và thống đốc Ngân hàng trung ương 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) tập trung thảo luận vào những vấn đề như bất bình đẳng, các quy định thuế quốc tế, an ninh mạng và chống tài trợ khủng bố.
Tuy nhiên, chương trình nghị sự này đã bị xáo trộn do lập trường của Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn xem xét lại việc xóa bỏ chủ nghĩa bảo hộ, cũng như trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Theo Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble, thế giới cần một nước Mỹ mạnh mẽ, có khả năng dẫn dắt nền kinh tế và chính chính trị toàn cầu. Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Michel Sapin cho rằng là không thể có chuyện một nước duy nhất lại có thể phá hủy những nỗ lực tập thể nhằm mang lại sự ổn định và cuối cùng là lợi ích cho tất cả./.