Tập trung ưu thế lực lượng đánh dứt điểm, chắc thắng
Chiến dịch Điện Biên Phủ khẳng định bước phát triển đỉnh cao về nghệ thuật tổ chức và sử dụng lực lượng tác chiến chiến dịch. Lần đầu tiên, ta tập trung hầu hết các đơn vị chủ lực bộ gồm các Đại đoàn Bộ binh 308, 312, 316 (thiếu), 304 (thiếu), Đại đoàn Công pháo 351; các đơn vị thông tin, vận tải, quân y… Ta cũng tập trung lớn nhất các đơn vị hỏa lực mạnh của bộ đội chủ lực, gồm các Trung đoàn Pháo binh 45, 675 và pháo cao xạ 367 tham gia chiến dịch. Tổng số quân chủ lực của ta khoảng hơn 40.000, nếu tính cả tuyến hai lên tới 55.000 người. Đây là lực lượng chủ lực tinh nhuệ, đã từng tham gia nhiều chiến dịch lớn, có nhiều kinh nghiệm chiến đấu, trình độ chiến thuật, kỹ thuật khá, được huấn luyện cách đánh tập đoàn cứ điểm và tinh thần chiến đấu rất cao. Trong khi đó, quân địch trấn giữ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh, 2 tiểu đoàn lựu pháo 105mm, 2 tiểu đoàn súng cối 120mm, 1 đại đội trọng pháo 155mm và một số đơn vị công binh, xe tăng, vận tải, 1 phi đội máy bay thường trực, với tổng số lúc đầu là 11.800 quân. Xét tương quan lực lượng chủ lực, về bộ binh ta gấp gần hai lần quân địch. Như vậy, Bộ Tổng tư lệnh quyết định tập trung lực lượng lớn bộ đội chủ lực và các lực lượng vũ trang địa phương, trong đó, các đại đoàn chủ lực làm nòng cốt tập trung trên các hướng Bắc, Tây Bắc, Đông, Đông Bắc, Tây Nam, hình thành thế trận bao vây chặt chẽ quân địch ở Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đây là sự vận dụng nghệ thuật tập trung lực lượng tạo ưu thế hơn địch trên một địa bàn chiến dịch trong thời điểm quyết định để giành thắng lợi cuối cùng.
Bộ đội ta đánh trả địch quyết liệt, giữ vững trận địa, mục tiêu đã làm chủ tạ i Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu. |
Về nghệ thuật sử dụng lực lượng, ta đã vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả phương châm “Đánh chắc, tiến chắc” để giành thắng lợi. Trong trận Him Lam mở màn chiến dịch (13-3-1954), ta tập trung ưu thế về binh lực (ta-địch 3:1), còn về hỏa lực, ta hơn địch 10 lần, giành thắng lợi lớn. Với ưu thế hơn hẳn về lực lượng, nên kết thúc đợt 1 chiến dịch (từ ngày 13-3 đến 17-3-1954), ta đã đập tan hệ thống phòng ngự chủ yếu của địch ở vòng ngoài, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc về nghệ thuật sử dụng lực lượng trong đánh công sự vững chắc, mở thông cánh cửa trên hướng Bắc và Đông Bắc để ta đưa lực lượng tiến vào áp sát, bao vây phân khu Trung tâm cứ điểm Điện Biên Phủ.
Đợt 2 chiến dịch (từ ngày 30-3 đến 30-4-1954), ta tiếp tục phát huy ưu thế tập trung lực lượng, mở cuộc tiến công trên toàn mặt trận, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực và siết chặt vòng vây, dồn địch vào khu trung tâm Mường Thanh, tạo thế và lực mới để ta tập trung lực lượng đánh đòn cuối cùng giành thắng lợi quyết định. Bước vào đợt 3, từ ngày 1-5 đến 6-5-1954, ta tập trung lực lượng tiếp tục tiến công đánh chiếm các cứ điểm phía Đông (C1, C2, A1), tiếp đó, phát triển tiến công mãnh liệt, tiêu diệt các cứ điểm phía Tây (311A, 311B, 310, 208) và trực tiếp uy hiếp Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ngày 7-5, ta huy động toàn bộ lực lượng mở cuộc tổng công kích vào sân bay Mường Thanh và Sở chỉ huy, bắt tướng Đờ Cát-xtơ-ri và toàn bộ Ban Tham mưu địch, số địch còn lại kéo cờ trắng ra hàng. Chiến dịch quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ kết thúc toàn thắng.
Sau 55 ngày đêm chiến đấu liên tục, lực lượng bộ đội chủ lực ta và các lực lượng tham gia chiến dịch đã tiêu diệt hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đây là chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn nhất của quân và dân ta trong cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, cũng như trong cả cuộc kháng chiến chống Pháp, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của nghệ thuật quân sự Việt Nam, trong đó, thể hiện bước phát triển đến đỉnh cao về nghệ thuật tổ chức và sử dụng lực lượng tập trung “Đánh chắc, tiến chắc”, gồm một loạt trận đánh địch trong công sự vững chắc, diễn ra trong một thời gian dài theo tiến trình tiến công, vây hãm, đột phá lần lượt. Ta tập trung ưu thế tuyệt đối binh lực vào từng trận đánh, bảo đảm đánh dứt điểm chắc thắng trong từng trận, tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, phá vỡ từng mảng hệ thống phòng ngự kiên cố liên hoàn của chúng. Nhờ vậy, ta đã hạn chế đến mức thấp nhất chỗ mạnh của địch là quân số đông, có hỏa lực mạnh, công sự rất kiên cố; đồng thời, khoét sâu chỗ yếu cơ bản nhất của địch là ở vào thế bị bao vây, cô lập và gặp nhiều khó khăn về tiếp tế, tăng viện, tiến tới tập trung ưu thế lực lượng đánh trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, đập tan Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm địch. Thắng lợi oanh liệt của Chiến dịch Điện Biên Phủ làm xoay chuyển hoàn toàn tình thế cục diện chiến tranh, góp phần cho ta đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao, tiến tới ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Theo QĐND