Tinh thần dám chịu trách nhiệm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một cuộc họp Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ (Ảnh tư liệu) |
Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà (Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh), di sản Đại tướng Võ Nguyên Giáp để lại cho chúng ta chính là tinh thần dám chịu trách nhiệm với quyết định của mình.
“Tôi cho rằng đây là đức tính vô cùng cần thiết của người làm Tướng. Đó là chí, dũng, khí, nhân, tín, minh, trung. Để đưa ra quyết định dũng cảm ấy, bản thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã từng thừa nhận “đây là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của tôi”. Đại tướng đã thức trắng đêm, đau đầu để suy nghĩ về quyết định táo bạo này. Không chỉ đi ngược lại với ý kiến của các đảng ủy viên chủ chốt, đi ngược lại với suy nghĩ của các cố vấn quân sự mà rộng hơn nó đi ngược lại với mong mỏi, quyết tâm đánh trận của toàn quân lúc đó. Tất cả các đơn vị lúc đó đều đã chuẩn bị sẵn sàng các yếu tố cần thiết để đánh trận mở màn thì Đại tướng quyết định dừng lại, rút hết lực lượng ra”, ông Hà phân tích.
Chuẩn bị cho trận đánh mở màn, bộ đội ta phải mất rất nhiều đêm kéo pháo bằng tay lên trận địa, mỗi đêm chỉ đi được khoảng vài trăm mét. Thế mà trận đánh dự kiến diễn ra ngày 25 thì quyết định yêu cầu ngay ngày 26 phải kéo ra. Quyết định bất ngờ làm mọi người không thể tin nổi, có người nghi ngờ cho đó là tin việt gian hoang báo, tin giả. Tuy nhiên bộ đội ta khi đó vẫn chấp hành.
“Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến tinh thần dám chịu trách nhiệm của Đại tướng. Được Bộ Chính trị, Đảng, Bác Hồ giao cho nhiệm vụ chỉ huy trận đánh quyết định, vì thế Đại tướng cho rằng không thể mạo hiểm mà phải nắm những yếu tố chắc thắng mới đánh”, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà nói.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà (thứ 2 từ trái qua) tham dự cuộc tọa đàm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại phòng thu của VOV (Ảnh: Huy Phương) |
Theo ông Hà, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, cả phía ta và phía Pháp đều sợ đối phương rút khỏi và tìm mọi cách để giữ chân đối phương ở lại. De Castries và Naval thách chúng ta đánh; còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị bộ đội ta tìm mọi cách giữ chân kẻ địch ở lại. Đây là cơ hội tốt để chúng ta đánh đuổi giặc Pháp, nhưng không phải đánh bằng bất cứ giá nào. Đánh khi ta không có đủ các yếu tố chắc thắng thì không đánh.
Trong cuộc họp Đảng ủy vô cùng căng thẳng khi tuyên bố quyết định chuyển hướng, rất nhiều lý do được đưa ra như vấn đề thiếu gạo, tinh thần binh sĩ… để thuyết phục Đại tướng cân nhắc lại quyết định của mình, tuy nhiên Đại tướng trả lời: “Chỉ còn vài tiếng nữa thôi là đến giờ nổ súng, giờ này, trước trách nhiệm với Đảng, Bộ Chính trị, với Bác Hồ và sinh mạng của hàng vạn bộ đội tôi xin hỏi các đồng chí, đồng chí nào dám khẳng định nếu ta đánh thì chắc thắng bao nhiêu phần trăm?”. Nhiều ý kiến cho rằng Đại tướng hỏi khó, chưa đánh làm sao dám đảm bảo, đến 90-95% còn khó nói gì đến 100%. Đại tướng đáp lại: “Bác Hồ đã dặn tôi, vì vậy với trách nhiệm Chỉ huy trưởng, Bí thư Đảng ủy Mặt trận, tôi quyết định hoãn trận tấn công chiều nay, rút tất cả các lực lượng ra để chuẩn bị thêm chờ điều kiện đầy đủ chúng ta sẽ đánh”.
Đây được coi là quyết định cực kỳ táo bạo, dũng cảm và đặc biệt nó được đưa ra vài giờ trước cuộc tấn công. Sau này nhiều người đã thừa nhận nếu không có quyết định táo bạo của Đại tướng, thì họ chắc không còn sống để trở về. Cuộc kháng chiến chống Pháp có thể kéo dài thêm 10 năm nữa.
Quyết định táo bạo, dũng cảm dựa trên tài năng quân sự của Đại tướng cùng với ý thức trách nhiệm rất cao về sinh mạng của cán bộ chiến sĩ, vốn liếng của cuộc kháng chiến dồn vào trận đánh này, có thể nói di sản mà Đại tướng để lại đó là tinh thần dám chịu trách nhiệm khi được giao trách nhiệm./.
Theo VOV