Tâm lý đám đông đang chi phối văn hóa ứng xử trong lễ hội
Những hành vi ứng xử thiếu văn hóa, sai lệch thậm chí “mù quáng” trong tâm linh thực hành lễ hội là sự sai lệch trong nhận thức, bị chi phối bởi tâm lý đám đông. Để hạn chế điều này, các cơ quan quản lý cần nâng cao ý thức người dân tham gia lễ hội.
Đây là thực tế được các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý đặt ra tại Hội thảo, tọa đàm về Văn hóa ứng xử trong lễ hội do Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức mới đây tại tỉnh Phú Thọ. Gần 30 tham luận, bài phát biểu tại Hội thảo đã nêu lên thực trạng lễ hội hiện nay, nhận thức đúng về lễ hội, từng bước nâng cao văn minh ứng xử trong lễ hội.
Hội thảo, tọa đàm về Văn hóa ứng xử trong lễ hội. |
Báo động trong sai lệch nhận thức
Theo đánh giá của Cục Văn hóa cơ sở, trong những năm gần đây, công tác quản lý và tổ chức lễ hội cơ bản đã thực hiện nghiêm các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội của Đảng và Nhà nước. Hầu hết các địa phương đã xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội, thành lập BTC, phân công trách nhiệm cho từng thành viên. Nhiều lễ hội được tổ chức ngày càng tốt hơn như: Lễ hội Yên Tử, lễ hội Đền Cửa Ông (Quảng Ninh), lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ (Phú Thọ), lễ hội Côn Sơn- Kiếp Bạc (Hải Dương), lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam (An Giang), lễ hội Chùa Hương (Hà Nội)...
Tuy nhiên, việc quản lý, tổ chức lễ hội thời gian qua vẫn còn một số vấn đề cần khắc phục, đặc biệt là vấn đề nhận diện lễ hội để có hành vi ứng xử văn minh khi tham gia lễ hội, không gây bức xúc trong xã hội.
Hiện tượng người dân vứt rác, xả rác thải không đúng nơi quy định, bẻ cành cây, trèo tường, thậm chí leo trèo cả lên tượng Phật, tượng Thánh thần xảy ra ở nhiều lễ hội. Rồi cảnh chen lấn, xô đẩy, tranh cướp mang tính bạo lực trong lễ hội Gióng đền Sóc Sơn; cảnh chen lấn, xô đẩy, trèo vào hậu cung để “cướp lộc” trong đêm khai hội ở Đền Trần; cảnh chen lấn, giẫm đạp tại lễ hội Cướp Phết lấy may ở Bàn Giản (Vĩnh Phúc) và những hình ảnh tương tự diễn ra ở Hội Phết Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ) …còn gây bức xúc trong xã hội.
Giẫm đạp, hỗn loạn ở lễ hội Phết Hiền Quan. Ảnh: Tuổi trẻ. |
Ở nhiều lễ hội, nhiều người còn nhét tiền vào tay tượng, Phật, thả tiền xuống giếng, đặt tiền ở gốc cây, kẽ đá, ở bất kỳ nơi nào có thể… gây hình ảnh thiếu trang nghiêm, vi phạm việc sử dụng đồng tiền Việt Nam. Đáng buồn hơn là hình ảnh người tham gia lễ hội mà trong số đó phần nhiều là những người trẻ ăn mặc hở hang, nói cười ồn ào ở chốn tôn nghiêm, gây phản cảm khi tham gia lễ hội mặc cho Ban tổ chức đã có quy định trang phục phải lịch sự, kín đáo, ăn nói nhỏ nhẹ…
Theo TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn hóa dân gian Việt Nam, yếu tố ảnh hưởng đến ứng xử trong lễ hội là “cái thiêng’’, “tâm lý đám đông” và “truyền thông xã hội”. Trong đó, “cái thiêng” và “tâm lý đám đông” có quan hệ chặt chẽ.
Trước đây, đi hội cầu may, cầu thiêng thường diễn ra bình lặng chứ không chen lấn, cực đoan trở thành hành động cướp như bây giờ (cướp phết, cướp lộc, cướp hoa tre...). Ông Sơn cho rằng, người đi hội đều mong mỏi được đáp ứng nhu cầu thiêng. Cầu bình an, cầu sức khỏe, cầu phát tài...là những nhu cầu thường trực. Khi đám đông tụ lại, sẽ xuất hiện tượng lây lan, bắt chước, đây là tâm lý đám đông. Chỉ cần một người cướp giật là cả đoàn người sẽ cướp giật theo.
Quản lý lễ hội không thể bằng mệnh lệnh hành chính
Với kinh nghiệm hơn chục năm kiểm tra, thanh tra các lễ hội, ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL cho rằng, mọi hoạt động diễn ra tại lễ hội hết sức phức tạp, do đối tượng tham gia lễ hội khó quản lý. Người tham gia lễ hội ở một địa phương cố định nhưng người tham gia thì ở khắp mọi nơi tới tham gia, có người xăm trổ đầy mình, có người ăn mặc hở hang, có cả du khách nước ngoài... Ông Phúc nhận định: “Khó quản lý lễ hội bằng mệnh lệnh hành chính. Khi chúng tôi đi thanh tra đến lễ hội, người ta thuê cụ già, trẻ em đốt vàng mã, không phạt được. Vì vậy, các địa phương cần tăng cường các biện pháp quy định nhưng chỉ hy vọng ở việc hạn chế được phần nào những hành vi phản cảm trong lễ hội”.
Khung cảnh chen chúc ở Lễ Khai ấn Đền Trần. |
Để có được biện pháp quản lý hiệu quả, ông Trần Hữu Sơn cho rằng, phải có giải pháp mang tính chất tổng thể. Từ chuyển biến về mặt nhận thức đến việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử, tạo chế tài áp dụng các quy tắc ứng xử trong lễ hội. Theo ông Sơn, để chuyển biến trong nhận thức người dân, phải có sự truyền thông, tác động đến nhận thức của họ, trong đó, chú trọng tao dựng dư luận xã hội bằng nhiều hình thức truyền thông (qua báo, đài) và mạng xã hội. “BTC lễ hội thông tin về lễ hội, nội dung phê phán các hành vi vi phạm quy tắc ứng xử lễ hội cho cơ quan thông tin đại chúng nhằm tranh thủ sự ủng hộ của dư luận xã hội”- ông Sơn nhận định.
Đồng quan điểm cần nâng cao ý thức người dân khi tham gia lễ hội, theo bà Đặng Hồng Linh, Trưởng phòng Văn hóa- Gia đình, Sở VHTT TP.HCM kinh nghiệm của TP.HCM là trước, trong và sau mỗi lễ hội, BTC luôn có các tờ rơi, phát loa phóng thanh tuyên truyền ý thức, nội quy tham gia lễ hội. Nhiều lễ hội ở TP.HCM không cần xuất hiện lực lượng cảnh sát, điều này cho thấy ý thức người dân tham gia lễ hội ở TP.HCM được nâng cao.
Bà Linh cho rằng, Cục Văn hóa cơ sở nên xây dựng những bộ quy chuẩn, quy tắc tương đối nhất về văn hóa ứng xử lễ hội để người dân xây dựng được tâm thế khi tham gia lễ hội. Bà Linh cho biết, TP.HCM đang xây dựng bộ tiêu chí con người TP.HCM, trong đó có 4 trục: “Văn minh, lịch sử, nhân ái, nghĩa tình”. Vì vậy, Sở VHTT TP.HCM lồng vào các quy tắc ứng xử của con người nơi công cộng, khi tham gia lễ hội.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Hoa, Trưởng phòng Nếp sống gia đình (Sở VHTTDL Bắc Ninh đề nghị cần có hướng dẫn, quy chế từ Bộ VHTTDL để hạn chế những vấn đề còn tồn tại trong các lễ hội. Chia sẻ quan điểm này, đại diện Sở VHTTDL Lào Cai cũng cho biết, Lào Cai đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch và tới đây sẽ xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn minh trong lễ hội.
Với sự vào cuộc quyết liệt từ Bộ VHTTDL, sự phối hợp vào cuộc từ các địa phương, hy vọng mùa lễ hội 2017 sẽ có nhiều chuyển biến tích cực./.