“Đũa thần” nào cho quản lý lễ hội?
Mùa lễ hội năm 2017 mới bắt đầu nhưng đã nảy sinh nhiều bất cập. Đó là tình trạng chen lấn, xô đẩy, tranh cướp lộc vẫn diễn ra ở một số lễ hội, gây phản cảm, bức xúc trong dư luận. Điều này đặt ra cho ngành chức năng cần có biện pháp chặt chẽ, quyết liệt hơn nữa để chấn chỉnh kịp thời những tồn tại để các lễ hội được diễn ra an toàn, văn minh, đúng thuần phong mỹ tục, gìn giữ và phát huy được các giá trị truyền thống.
Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều lễ hội nhất cả nước, tập trung vào ba tháng mùa xuân, trong đó có nhiều lễ hội quy mô lớn như: Lễ hội chùa Hương, Gò Đống Đa, đền Sóc, đền Hai Bà Trưng, đền Cổ Loa, đền Và, Phủ Tây Hồ... Ngày 2/2 (tức ngày 6 tháng Giêng âm lịch) vừa qua, một loạt lễ hội của thành phố Hà Nội đã chính thức khai hội.
Sư thầy phát lộc ở lễ hội Chùa Hương tạo nên cảnh tượng tranh cướp hỗn loạn. Ảnh: Zing. |
Mặc dù, trước đó, thành phố đã có công văn gửi các địa phương tăng cường hoạt động quản lý nhưng tại lễ hội Chùa Hương và Lễ hội Gióng vẫn tái diễn tình trạng tranh cướp lộc gây phản cảm, bức xúc trong dư luận. Người đi lễ ngang nhiên trèo qua hàng rào, đạp lên đầu người khác để tranh cướp cho bằng được từng món lộc từ hoa tre đến trầu cau, bánh trái trên bàn với suy nghĩ càng giành được nhiều lộc, gia đình càng may mắn.
Còn tại ngày khai hội Chùa Hương, một nhà sư đã tổ chức phát lộc là dây đeo có tượng Phật trước đám đông hàng nghìn người, gây nên cảnh tranh giành hỗn loạn giữa chốn thiền môn.
Du khách cướp lộc giữa chốn thiền môn. Ảnh: Zing. |
Việc làm không đúng với tinh thần của giáo lý nhà Phật này đã nhận được không ít lời phê phán của dư luận. Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có ý kiến chỉ đạo, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội ngay lập tức đã ra công văn yêu cầu chấn chỉnh, yêu cầu Ban Tổ chức Lễ hội và Trụ trì Chùa Hương kiểm tra, rút kinh nghiệm đối với nhà sư vi phạm môn quy.
Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết: "Việc tự ý phát lộc ở chùa Hương và cướp lộc ở Sóc Sơn gây ra tình trạng phản cảm. Vì vậy, riêng về hai lễ hội này, chúng tôi cũng có cử đoàn kiểm tra xuống làm việc cụ thể với chính quyền địa phương, với Ban tổ chức lễ hội để kịp thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm. Việc này, Chủ tịch UBND thành phố đã có chỉ đạo và rút kinh nghiệm sâu sắc trong việc tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố".
Không chỉ riêng Hà Nội, tại Lễ kỷ niệm 228 năm Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, mặc dù Ban tổ chức đã làm rào chắn từ xa và cử người giữ trật tự nhưng hàng trăm người vẫn chen lấn nhau để giành lộc ấn Quang Trung linh từ để gia đình mình được bình an may mắn.
Có thể thấy tâm lý cái gì cũng muốn nhanh hơn, nhiều hơn người khác đang làm mất đi vẻ thanh lịch, trang nghiêm ở những lễ hội văn hóa, tâm linh. Dẫu cơ quan quản lý Nhà nước đã dự lường trước nhưng chuyện tranh cướp lộc và những hành vi phản cảm thiếu văn minh vẫn là căn bệnh khó chữa của người đi hội, luôn là vấn đề đau đầu những nhà tổ chức và chính quyền các địa phương.
Trước mùa lễ hội 2017, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi với người dân các địa phương có lễ hội nhằm tìm tiếng nói chung trong việc chấn chỉnh những hành vi bạo lực, thiếu văn minh, văn hóa, không phù hợp với đời sống mới. Chính quyền các địa phương cũng tăng cường lực lượng giữ gìn trật tự, đảm bảo cho lễ hội diễn ra an toàn, văn minh. Tuy nhiên, cứ vừa dứt tiếng trống khai hội, các đại biểu vừa xong phần nghi lễ là dòng người đã tràn lên như ong vỡ tổ, các mâm lễ được chuẩn bị kỳ công để dâng thánh trong phút chốc đã tan tành vào tay người đi hội, bất chấp lực lượng bảo vệ lễ hội.
Bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho rằng: "Khi mà chế tài chưa đủ sức răn đe thì vi phạm đó còn tiếp tục tái diễn. Nhưng trong quản lý thì chúng tôi không hy vọng rằng mình sẽ phải phạt thật nặng, mà chúng tôi chỉ hi vọng là sai phạm nó không diễn ra. Làm thế nào đấy để hiệu lực của công tác quản lý Nhà nước đối với chính quyền địa phương trong việc quản lý và tổ chức lễ hội phải mạnh mẽ hơn, thiết thực hơn và hiệu quả hơn. Nếu chính quyền địa phương vào cuộc một cách quyết liệt thì tôi tin chắc là những sai phạm và việc lạm dụng lễ hội để trục lợi sẽ giảm đi thậm chí là không còn nữa".
Theo thống kê, cả nước có gần 8.000 lễ hội mỗi năm, hơn 80% là lễ hội dân gian vốn là hội làng truyền thống. Tuy nhiên, không ít lễ hội ngày càng có dấu hiệu thương mại hóa, trục lợi. Nếu những năm trước tục chém lợn tại Lễ hội làng Ném Thượng, Bắc Ninh để lại ấn tượng xấu trong ngày xuân mới vừa lắng xuống thì 2 năm gần đây những hành vi bạo lực, phản cảm tại hội Gióng, đền Sóc Sơn; hội Đả cầu cướp Phết, Phú Thọ… lại tốn không ít giấy mực của báo giới.
Rồi chuyện Lễ hội chọi trâu đang diễn ra mà trâu đã bị xẻ thịt bán dọc đường, trâu bị treo cổ để làm thịt tế thần… cũng bị dư luận phê phán là phản cảm, man rợ. Ngành văn hóa cũng đang thừa nhận tình trạng thương mại hóa, trục lợi lễ hội có một phần nguyên nhân từ các nhà tổ chức lễ hội ở một số địa phương.
Cảnh tượng ẩu đả, hỗn loạn tại hội cướp phết Hiền Quan (Phú Thọ) diễn ra từ nhiều năm nay. |
Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Trung tâm Nghiên cứu & Phát huy Giá trị Di sản Văn hóa cho rằng: "Chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng những cái gì là thương mại hóa di sản thì nó sẽ đi ngược lại với bảo vệ di sản. Bởi khi đã thương mại hóa thì sẽ phải làm sai lệch di sản, sẽ có sự cạnh tranh lợi ích các nhóm với nhau, nó sẽ dẫn đến những nguy cơ. Lễ hội dân gian là những lễ hội mà chủ thể văn hóa là các cộng đồng vì vậy cho nên biện pháp đầu tiên là làm sao để vai trò của cộng đồng được đề cao mà nếu sự tham gia của cộng đồng là tốt thì tất cả các lễ hội đều là tốt.
“Đũa thần nào cho quản lý lễ hội?” là câu hỏi được dư luận đặt ra trước tình trạng biến tướng “muôn hình vạn trạng” của lễ hội. Đến bao giờ mới hết cảnh quản lý theo kiểu “thả gà ra đuổi”, cứ khôi phục, cứ bung ra hết cỡ, đến mức không kiểm soát nổi của ngành văn hóa?./.